Sắp xếp lại dân cư khu vực miền núi phía Bắc sau trận lũ lịch sử

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 20/08/2017 11:30 GMT+7

VTV.vn - Cảnh báo của các nhà khoa học, nếu không sắp xếp lại dân cư, nhiều địa bàn dân cư miền núi phía Bắc có thể sẽ biến mất trong tương lai.

Trận lũ quét, sạt lở đất vừa qua đã làm cho 77 bản của huyện Mường La, tỉnh Sơn La và trung tâm huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái vùi trong đất đá. 30 người thiệt mạng và mất tích, 25 người bị thương và 233 nhà bị sập đổ, cuối trôi; tổng thiệt hại 1.247 tỷ đồng.

Lũ quét, sạt lở đất tiếp tục ảnh hưởng đến các tỉnh miền núi phía Bắc, Điện Biên, Lào Cai, Lai Châu. Hàng nghìn hộ dân trong diện phải di dời khẩn cấp.

Phải khẩn trương có quy hoạch cụ thể điểm có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất đến từng thôn, bản và phải cắm mốc trên toàn khu vực miền núi phía Bắc. Không có bất cứ công trình nhà cửa nào có thể an toàn ở nơi có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất.

Đây là khẳng định từ các chuyên gia, nhà khoa học nhiều năm nghiên cứu về các vấn đề này. Trước mắt, Bộ Xây dựng sẽ hỗ trợ các địa phương trong việc xác định các điểm an toàn để quy hoạch lại dân cư.

Lũ quét kèm vật chất, với lưu tốc đặc biệt lớn, kéo theo đá tảng là đặc thù của vùng miền núi phía Bắc. Theo các chuyên gia, với dạng lũ này, cách duy nhất hạn chế sức tàn phá là kè xung quanh khu dân cư, nhưng việc này chỉ thực hiện được ở các đô thị, không thể thực hiện được tại các bản nơi người dân sống rải rác.

Nhà ở người dân phải được xây dựng ở độ cao trên mực nước sông, suối, và tránh khu vực ven suối. Đồng thời phải tính đến nguy cơ xảy ra trượt sạt từ trên cao. Cảnh báo của các nhà khoa học, nếu không sắp xếp lại dân cư, nhiều địa bàn dân cư miền núi phía Bắc có thể sẽ biến mất trong tương lai.

Nhiều chuyên gia quốc tế đang sống và làm việc tại Việt Nam đã nhiều lần phát biểu, trao đổi những kinh nghiệm về quy hoạch các khu dân cư có thể phòng tránh, giảm nhẹ thiệt hại do lũ quét, sạt lở đất.

Các chuyên gia cho rằng, công tác phòng ngừa thiên tai là quan trọng nhất, với sự tham gia của tất cả các Bộ, ngành. Cần đưa ra những tiêu chuẩn, tiêu chí về tác động khi xây dựng công trình giao thông, các khu đô thị, khu dân cư, và khu du lịch đến cảnh quan và địa chất.

Ông Kenichiro Tachi, chuyên gia thủy lợi, Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản cho rằng: Để đối phó với thiên tai, điều quan trọng là phải chuẩn bị trước khi có thiên tai xảy ra chứ không phải là giải quyết những hậu quả của nó. Người dân phải được cung cấp thông tin đầy đủ về thiên tai. Sau đó phải phòng tránh thiên tai bằng 3 lĩnh vực quan trọng:

Thứ nhất là xây dựng hạ tầng, nghĩa là xây dựng chống lại các dòng chảy, những ngôi nhà phải thực sự chắc chắn để chống lại dòng chảy. Tuy nhiên, kể cả khi chúng ta có những ngôi nhà chắc chắn cũng không đảm bảo an toàn 100% khi thiên tai xảy ra.

Thứ hai là quản lý nơi sinh sống của người dân, tránh xa những khu vực có khả năng ảnh hưởng bởi thiên tai. Việc này rất khó bởi vì rất khó để tìm một nơi khác cho toàn bộ người dân này sinh sống.

Thứ 3, là cảnh bảo về sự an toàn cho người dân di tản khi có thiên tai xảy ra, ít nhất phải đảm bảo mạng sống cho người dân ở khu vực này.

Cũng theo các nhà khoa học, cần phải khẩn cấp đưa ra các biện pháp bảo vệ và phát triển hệ thống thảm thực vật: Trồng rừng phòng hộ, trồng cỏ phục vụ phát triển chăn nuôi đàn gia súc, trồng cây theo đường đồng mức. Nếu không thay đổi ý thức của người dân với những tác động trực tiếp lên thiên nhiên, mọi giải pháp cũng trở nên vô nghĩa.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước