Nhiều rào cản trong thu phí tải nhạc

Kim Ngân-Thứ tư, ngày 28/08/2013 07:00 GMT+7

 1/1/2013 là thời điểm chính thức triển khai thu phí tải nhạc 1000 đồng/lần, chỉ 3 tháng sau đó, MV lặng lẽ chấm dứt hợp đồng với Hiệp hội Ghi âm vì rất nhiều thách thức phát sinh và những rào cản thực tế.

Đã gần một năm trôi qua kể từ khi các trang nhạc trực tuyến lớn phát động phong trào thu phí tải nhạc trên Internet, nhất là thời điểm 1/1/2013. Khi việc thu phí tải nhạc 1000 đồng/bài được chính thức triển khai từng đem lại kỳ vọng xây dựng thói quen nghe nhạc bản quyền cho công chúng, nhưng rồi tất cả rơi vào im lặng, đơn vị khởi xướng lặng lẽ bỏ cuộc, khiến nhiều người không khỏi ngỡ ngàng, thậm chí là thất vọng. Vậy thực tế câu chuyện này đã và đang diễn biến ra sao?

Sự việc bắt đầu khi tháng 6/2012, một công ty kinh doanh công nghệ là MV mua lại bản quyền hơn 40.000 bản nhạc của Hiệp hội Ghi âm Việt Nam - đơn vị đại diện cho tất cả các hãng băng đĩa trong toàn quốc. 5 trang web âm nhạc lớn nhất là Zing, nhaccuatui, Nhac.vui, Socbay, nghenhac đã cùng ký vào thỏa thuận hợp tác rằng, sẽ nghiêm túc chấp hành việc trả phí bản quyền cho các hãng băng đĩa và ca sĩ thông qua công ty MV, để bù lại, họ phải thu phí từ người sử dụng.

1/1/2013 là thời điểm chính thức triển khai thu phí tải nhạc 1000 đồng/lần, nhưng chỉ 3 tháng sau đó, MV lặng lẽ chấm dứt hợp đồng với Hiệp hội Ghi âm vì rất nhiều thách thức phát sinh và những rào cản thực tế.

Ông Tạ Anh Quân, nguyên Trưởng ban dự án thu phí nhạc số, công ty MV cho biết: "Các website âm nhạc vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc tối giản hóa các bước thanh toán cho người sử dụng âm nhạc. Rào cản thứ hai là vẫn còn tồn tại rất nhiều đơn vị đang kinh doanh trái phép nhạc bản quyền, cho người dùng miễn phí".

‘ Chương trình "Nghe có ý thức" đang được các nghệ sĩ hưởng ứng.

Người chủ trò từ bỏ cuộc chơi, không gian nhạc số bản quyền dường như trở lại ảm đạm như trước đây. Nhưng trên thực tế, một điều không mấy người biết là từ tháng 7/2013, đơn vị chủ quản trang nhạc Zing đã mua lại bản quyền hơn 40.000 bản nhạc này từ RIAV, hiện nay Zing chiếm tới 65% thị phần nhạc số. Quyết định của người “anh cả” làng nhạc số này là một quyết định đầy khó khăn, nhưng cho thấy sự vận động tích cực hướng tới một nền âm nhạc văn minh theo xu thế chung của thế giới.

Ông Vương Duy Khải, Phó TGĐ công ty VNG, chủ quản website Zing.mp3.vn chia sẻ: "Dù biết trong thời gian đầu sẽ gặp khó khăn, tuy nhiên chúng tôi có một niềm tin rằng thị trường trước sau sẽ phát triển theo hướng bản quyền. Đây là con đường tốt nhất để phát triển toàn bộ thị trường âm nhạc, mang lại lợi ích cho người nghe, nghệ sĩ và cả những đơn vị kinh doanh nhạc số như Zing".

Mua lại bản quyền tất cả các bản nhạc, nhưng Zing chưa dám nới tới thời điểm nào sẽ tiếp tục việc thu phí, dù 5 trang nhạc số lớn nhất, chiếm hơn 90% thị phần sẵn sàng hợp tác với Zing trong việc này. Đây có thể xem là một thiệt thòi của doanh nghiệp kinh doanh nhạc số khi phải thay mặt người sử dụng trả tất cả các chi phí bản quyền cho các hãng băng đĩa và ca sĩ.

Theo Luật sư Nguyễn Thu Thủy, Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam: "Nếu họ thu được thì đương nhiên họ sẽ được khách hàng chia sẻ một phần gánh nặng về chi phí bản quyền, thứ hai là họ sẽ xây dựng được một văn hóa cùng nhau góp phần chi trả bản quyền cho các chủ sở hữu".

Đến bao giờ chúng ta mới có thói quen nghe nhạc bản quyền? Trả lời câu hỏi này sẽ không chỉ cần sự tiên phong của một vài website riêng lẻ, bởi vẫn còn đó hàng trăm trang web lậu sẵn sàng kinh doanh trái phép nhạc bản quyền mà không bị xử phạt mạnh tay.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chi tiết:

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước