Thể thao Việt Nam ở Olympic London: Lo âu và hy vọng

Nguyễn Hồng Minh-Thứ hai, ngày 23/07/2012 11:40 GMT+7

Đoàn thể thao Việt Nam sẽ tham dự Olympic 2012 với 18 vận động viên. Những ý kiến, nhận định của chuyên gia thể thao Nguyễn Hồng Minh có thể làm rõ hơn khả năng, hy vọng và khó khăn của họ ở London.

Những lần đầu tiên đáng trân trọng
Lần đầu tiên thể thao Việt Nam được quyền tham dự Olympic với số lượng môn thi nhiều nhất, 11 môn, bao gồm điền kinh, bơi, thể dục dụng cụ, bắn súng, cử tạ, taekwondo, judo, cầu lông, vật, đấu kiếm và rowing. Đây cũng là lần Việt Nam có số lượng vận động viên được quyền tham dự Olympic nhiều nhất - 18 người và điều đặc biệt là lần đầu tiên kể từ khi tham gia Olympic Moskva 1980 đến nay, tất cả 18 vận động viên đều vượt qua vòng loại để đủ tiêu chuẩn quy định chính thức tham dự Olympic. Những nội dung thể dục dụng cụ, bơi lội, điền kinh, bắn súng, kiếm, vật, rowing… lần đầu được tranh tài ở Olympic, còn taekwondo, cử tạ, cầu lông giữ được thế mạnh truyền thống để tiếp tục có mặt trên đấu trường khốc liệt này.
Đến Olympic London để làm gì?
Trả lời được câu hỏi này một cách đúng đắn sẽ làm thay đổi nhận thức của các nhà quản lí thể thao Việt Nam và định hướng đúng cho thể thao thành tích cao. Mặc dù khẩu hiệu chính thức của Olympic là “Tham gia quan trọng hơn là chiến thắng”, ai cũng hiểu, nhất là với Olympic hiện đại khoảng 30 năm trở lại đây, chiến thắng ở Olympic luôn mang ý nghĩa lớn với bất cứ vận động viện nào, thậm chí là với cả một quốc gia, dân tộc. Do vậy, cuộc đua tranh là rất quyết liệt và năm nay, khoảng 11.000 vận động viên của trên 200 đoàn thể thao các nước thi đấu giành giật mấy trăm bộ huy chương!
Thể thao Việt Nam, vì vậy, phải xác định rõ ràng là đến đấu trường Olympic là để giành huy chương! Nhưng vì giới hạn trình độ, nên mục tiêu cọ sát, rèn luyện để tiến bộ và chuẩn bị tốt cho các đấu trường nhỏ hơn cũng là rất quan trọng. Trên thực tế, Việt Nam từng giành huy chương Olympic. Võ sĩ Taekwondo Trần Hiếu Ngân đoạt huy chương bạc ở Sydney 2000 và lực sĩ Hoàng Anh Tuấn, huy chương bạc cử tạ ở Bắc Kinh 2008. Vậy thì ở London, thể thao Việt Nam cũng phải nỗ lực hết sức để giành huy chương.
Những khó khăn và lo âu
Việc giành huy chương phụ thuộc vào ba yếu tố chính: Trình độ của vận động viên Việt Nam, công tác chuẩn bị, trình độ của đối thủ và một số yếu tố khác như may mắn hay cơ hội. Tại đấu trường Olympic sẽ có hàng ngàn vận động viên là đương kim vô địch và cựu vô địch Olympic, vô địch thế giới và vô địch các châu lục, hàng ngàn vận động viên đã vượt qua các loại chuẩn A, chuẩn B ở những cuộc thi vòng loại.

‘ Chu Hoàng Diệu Linh (trái) là niềm hy vọng lớn của Việt Nam

ở môn taekwondo tại Olympic 2012 (Ảnh: TT&VH)
Chuẩn bị lực lượng vận động viên cho Olympic thông thường phải có kế hoạch từ 6 đến 8 năm. Thể thao Việt Nam lại mới có kế hoạch từ khoảng 2 năm (bắt đầu từ tháng 1/2011). Đã thế, còn xuất hiện sự lẫn lộn trong việc xác định mục tiêu: Phấn đấu có nhiều vận động viên vượt qua vòng loại để đủ tiêu chuẩn đến Olympic là chính, chứ không xác định rõ ràng mục tiêu giành huy chương là chính. Do vậy việc đầu tư chưa tập trung cao độ cho một vài vận động viên có khả năng giành huy chương như cử tạ, thể dục dụng cụ, taekwondo…
Việc tập huấn và thi đấu quốc tế mới được gia tăng quyết liệt từ tháng 2/2012. Các vận động viên ưu tú cũng chỉ hưởng chế độ dinh dưỡng, thuốc men, chăm sóc y học như hầu hết các vận động viên khác, thậm chí nhiều vận động viên ưu tú thiếu thầy, chuyên gia huấn luyện trong thời gian dài như Hà Thanh ở môn thể dục dụng cụ, Nguyễn Thị Lụa ở môn vật. Công tác chuẩn bị do đó để lại nỗi âu lo cho mục tiêu giành huy chương.
Cơ hội may mắn nhiều khi là yếu tố thành công. Trong những môn đối kháng trực tiếp như taekwondo, judo, vật…, việc bốc thăm rơi vào nhánh đấu nhẹ mang lại cơ hội vào bán kết hoặc chung kết lớn hơn hẳn so với việc rơi vào nhánh nặng. Đã có một số môn thi ở London tổ chức bốc thăm xếp lịch thi đấu. Các vận động viên thể dục dụng cụ Phạm Phước Hưng, Phan Thị Hà Thanh không gặp nhiều thuận lợi. Họ rơi vào nhóm thi đấu và thứ tự thi khó khăn. Xem ra ta phải chờ cơ hội may mắn khi bốc thăm chia nhánh thi đến với Lê Huỳnh Châu và Chu Hoàng Diệu Linh ở môn taekwondo và cũng như thứ tự bước ra đài thi của Trần Lê Quốc Toàn, môn cử tạ.
Hy vọng…
Niềm hy vọng số một giành huy chương đặt vào lực sĩ cử tạ Trần Lê Quốc Toàn. Tuy khả năng giành huy chương không lớn bằng lực sĩ Hoàng Anh Tuấn ở Bắc Kinh 2008, nhưng trong gần 2 năm chuẩn bị, anh đã nâng được thêm 20 kg (từ 261 kg tại ASIAD Quảng Châu lên 280 kg tại Seagames 26 hồi tháng 11/2011). Theo chuyên gia Bulgaria, Yordanov Deikov, Toàn đã áp sát nhóm giành huy chương ở Olympic và nếu muốn có huy chương anh phải đạt được trên dưới 290 kg, tính tổng cử hai động tác. Đối thủ chính của Toàn là các lực sĩ Trung Quốc, CHDCND Triều Tiên và Indonesia.

‘ Trần Lê Quốc Toàn - niềm hi vọng huy chương của Đoàn TTVN (Ảnh: TTVN)

Ở môn thể dục dụng cụ, hiện Phạm Phước Hưng được đánh giá có nhiều hy vọng hơn Phan Thị Hà Thanh bởi lẽ anh đã thực hiện bài tập ở môn xà kép với độ khó cao tương đối hoàn hảo ở Giải vô địch thế giới tại Ghent, Bỉ tháng 5 vừa rồi, nơi Hưng giành huy chương vàng xà kép. Phan Thị Hà Thanh mất quá nhiều thời gian không có huấn luyện viên, từ tháng 1 tới tháng 4/2012, lại rơi vào nhóm đấu khó khăn.
Ở môn taekwondo, Lê Huỳnh Châu là một vận động viên dày dạn trận mạc, kỹ thuật phòng thủ và tấn công tốt, nhưng lại ít hy vọng hơn vì nhược điểm của Châu là thể lực chưa tốt và có nhiều cao thủ chắn đường như Lee Dae Hoon (Hàn Quốc), Joel Gonzales (Tây Ban Nha), Alesek Denisenko (Nga), Pelek Karaket (Thái)… họ đều từng vô địch thế giới và châu lục. Với bắn súng, nếu Hoàng Xuân Vinh, Lê Thị Hoàng Ngọc được vào vòng chung kết đã là hơn kỳ vọng. Nguyễn Thị Lụa (vật), Văn Ngọc Tú (judo), Tiến Minh (cầu lông), các vận động viên bơi, rowing, kiếm hiện có lẽ chỉ đặt mục tiêu vượt qua vòng loại…
Tất cả chỉ là dự báo, nhưng dự báo phải có căn cứ thực tế. Dự báo thể thao Việt Nam có 30 - 40 VĐV vượt qua vòng loại đủ tiêu chuẩn đến London, dự báo có đến 10 cửa tranh chấp huy chương ở Olympic London là những dự báo hoang tưởng. Ông Trưởng đoàn Lâm Quang Thanh nói với báo chí trước khi lên đường là vận động viên các môn cử tạ, taekwondo, thể dục dụng cụ sẽ nhắm đến tiếp cận huy chương và đoàn Việt Nam phấn đấu có huy chương là sự dự báo hợp lý, xác thực.
11.000: Là số vận động viên của 204 đoàn thể thao tranh tài tại Olympic London 2012.
26: Là số môn thi đấu tại Olympic London 2012.
302: Là số bộ huy chương sẽ được trao tại Thế vận hội 2012.
18: Là số vận động viên VN tranh tài tại Olympic London 2012.
11: Là số môn các vận động viên VN sẽ dự tranh huy chương.

Tin bài liên quan:

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước