Bóng đá Việt Nam và 20 năm thầy ngoại

Theo Trần Hải (TT&VH)Cập nhật 20:00 ngày 27/01/2014

Sau khi HLV Hoàng Văn Phúc, triều đại thầy nội thứ 2 liên tiếp trên bình diện đội tuyển quốc gia (ĐTQG), đệ đơn từ chức và với những gì diễn ra trong thời gian qua, dường như chắc chắn VFF (khóa VII) sẽ trở lại với phương án thầy ngoại, như cách đây đúng 20 năm.

Năm 1994, HLV Trần Duy Long được cất nhắc làm tạm quyền một thời gian ngắn (thay cho người tiền nhiệm Trần Bình Sự), nhưng người trong cuộc thừa hiểu rằng, VFF đã và đang chuẩn bị một cuộc cách mạng trong cabin BHL đội tuyển Việt Nam, sau rất nhiều các cuộc bể dâu trước đó. Cũng cần nhắc lại rằng, đó là khoảng thời gian đầu bóng đá Việt Nam hội nhập trở lại và một luồng gió mới là cần thiết cho đầu ra của nền bóng đá.

Tít mù rồi lại vòng quanh…

Và Edson Tavares xuất hiện như một đòi hỏi tất yếu của lịch sử. Dù giúp đội tuyển Việt Nam 1 thi đấu khá thành công ở giải đấu không chính thức thường niên (Cúp Độc lập TP.HCM 1995), nhưng vị thuyền trưởng người Brazil vẫn quyết định rút lui sau đó vì “không nhận được sự hợp tác của VFF”. Mặc dù vậy, vị HLV người Brazil thực sự đã mở ra một kỷ nguyên mới: Kỷ nguyên thầy ngoại, cho bóng đá Việt Nam cấp độ ĐTQG.

Giai đoạn 1995 – 1997, với Karl Weigang, bóng đá Việt Nam bắt đầu gây được tiếng vang ở đấu trường khu vực và chiếc vé chơi trận chung kết SEA Games 18 lần đầu tiên trong lịch sử là một minh chứng. Trên thực tế, Karl Weigang không quá xa lạ với bóng đá xứ sở, khi chính ông thầy người Đức từng giúp đội tuyển miền Nam Việt Nam đoạt Merdeka Cup và lọt vào vòng chung kết giải vô địch châu Á (giai đoạn 1956 – 1960).

Sau khi chỉ trích một số học trò đã thi đấu không hết mình, thậm chí có biểu hiện bán độ tại một số trận đấu, HLV Karl Weigang chính thức rút lui và không bao giờ trở lại nữa. ĐTQG bắt đầu thời kỳ thay HLV như thay áo, với Colin Murphy (1997), Alfred Riedl (1998 – 2000), Edson Silva Dido (2001), Henrique Calisto (2002), lại Alfred Riedl (2003) và Edson Tavares (2004), Alfred Riedl (2005 – 2007), Henrique Calisto (2008 – 2010), Falko Goetz (2011).

Tính từ năm 1994 – 2011, các ĐTQG Việt Nam đã lần lượt sử dụng đến 7 HLV người nước ngoài, trong đó có đến 3 người được sử dụng nhiều hơn 1 “nhiệm kỳ” là Edson Tavares, Alfred Riedl và Henrique Calisto. Thành công có, nhưng thất bại cũng nhiều. Đỉnh cao chói lọi của nền bóng đá cho đến lúc này vẫn là chiếc vé chơi tứ kết Asian Cup 2007 (dưới thời Alfred Riedl, khi Việt Nam là một trong 4 nước đăng cai) và chức vô địch AFF Cup 2008 (Henrique Calisto).

Đã có rất nhiều những câu chuyện cười ra nước mắt trong khoảng thời gian này, ví như việc bóng đá Việt Nam bị HLV Christian Letard kiện và phải đền bù 3 tỷ đồng, sau khi sa thải ông này (năm 2002, thời điểm trước khi mời HLV Calisto “tập 1”). Lại nói Henrique Calisto, năm 2002, khi đội tuyển Việt Nam tập huấn ở Thái Lan chuẩn bị cho Tiger Cup (giải đấu tên gọi tiền thân của AFF Cup sau này), gần nửa đội hình đã bị kỷ luật ngầm vì xé rào đi chơi đêm…

Tình huống khiến chúng ta nhớ lại năm 1991, với phân nửa đội hình đội tuyển Việt Nam (dưới thời HLV Vũ Văn Tư) của Quảng Nam Đà Nẵng, Cảng Sài Gòn và Hải Quan đã “đào ngũ” và bị kỷ luật sau đó. Học trò của HLV Calisto kể lại, trong số 9 – 10 cái tên bị đứng xếp hàng lúc nửa đêm trước sảnh khách sạn trên đất Thái hôm đó, nhiều người đã khóc lóc và xin HLV Calisto tha thứ. Bất luận thế nào, Henrique Calisto vẫn là HLV ngoại thành công nhất (về mặt chiến tích).

Trở lại với cuộc tuyển mộ được cho là sẽ rất rầm rộ, cuộc đua vào chiếc ghế HLV trưởng ĐTQG trong thời gian tới, sau Đại hội VFF khóa VII, có đến 99% khả năng chúng ta sẽ lại thuê thầy ngoại. Nhưng để làm gì thì… Chúa mới biết được!

… Vì chúng ta vẫn xây nhà từ nóc

Trong khoảng thời gian làm việc với VFF và dẫn dắt các ĐTQG Việt Nam, HLV Alfred Riedl, một trong những người được xem là công thần, đã có một phát biểu chấn động nền bóng đá xứ sở: “Bóng đá Việt Nam xây nhà từ nóc”. Đó là khi chúng ta đòi hỏi những thành công ngoài khả năng cho đầu ra của nền bóng đá (các ĐTQG), trong khi cơ thể của nền bóng đá, các giải vô địch quốc gia suy yếu, bão giá cầu thủ và hệ thống đào tạo trẻ bị lãng quên.

Tất cả đều biết rằng, khi bóng đá Việt Nam không có thế mạnh trong xuất khẩu cầu thủ, năng lực chinh phục của các ĐTQG phụ thuộc trực tiếp vào các giải vô địch quốc gia được cho là chuyên nghiệp và từng tự phong là số 1 Đông Nam Á. Nhưng 13 năm qua, kể từ khi bóng đá Việt Nam tiến lên chuyên, một bộ phận các ông bầu lắm tiền nhiều của thực sự đã lũng đoạn nền bóng đá, khi VFF tỏ ra yếu kém trong quản lý, cũng như định hướng sự phát triển.

Muốn đỉnh tháp nhọn và sắc, ắt chân đế phải rộng và chắc, đó là nguyên lý bất biến. Thế nhưng, thật ngạc nhiên khi giải vô địch quốc gia (V-League) năm sau có đến 13 đội bóng, trong khi giải hạng Nhất lại chỉ có 8 suất chơi. Trong khi đó, vấn đề đào tạo trẻ vẫn nhức nhối và cảm giác như người ta chỉ lấp liếm, làm qua loa như một kiểu trả bài. Ví như mới đây, VFF vận động thành lập các đội tuyển trẻ để chuẩn bị cho ASIAD 2019 trên sân nhà vậy.

Với cách tính và cách làm như thế, bóng đá Việt Nam không bao giờ có thể vươn cao hơn và xa hơn đấu trường Đông Nam Á vốn được ví là ao làng. Và HLV trưởng, dù có tài năng cỡ mấy, có được trả lương cao cỡ mấy (như khẳng định của quyền chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng, rằng luôn có sẵn những nhà tài trợ lo khoản lương cho HLV nước ngoài, bao nhiêu cũng được miễn là tìm được người tài), cũng phải bó tay. Thế có phải tiền mất tật mang không?!

Ngay lúc này, nhiều người kỳ vọng vào lứa U19 Việt Nam sẽ gánh vác sứ mệnh lịch sử, nâng tầm nền bóng đá. Nhưng cần chắc rằng, lứa cầu thủ đó là chuyện riêng của bầu Đức và nền bóng đá, muốn phát triển bền vững, không thể chỉ phụ thuộc vào một hay hai lứa năng khiếu được. Đó là chưa kể, năng lực của lứa U19 Việt Nam cũng chưa được thẩm định một cách rõ ràng, khi phần lớn họ đều chưa đá đội 1 và bầu Đức cũng chưa bán được ai, như tiêu chí ban đầu.

Bất luận thế nào, ông chủ của Hoàng Anh Gia Lai Group, Đoàn Nguyên Đức, một lần nữa lại là người đi tiên phong, với lứa cầu thủ trẻ tài năng đang được thành hình. Nhưng, nền bóng đá cần thêm hàng chục, thậm chí hàng trăm những Học viện như của bầu Đức nữa, mới có hy vọng nâng cấp mình. 20 năm qua, chúng ta vẫn “xây nhà từ nóc”. Nếu phải quay lại từ đầu và làm lại từ con số không, cũng nên làm, nhưng hy vọng nó không rơi vào cái vòng luẩn quẩn.