***

Trong dòng chảy nửa thế kỷ của Đài Truyền hình Việt Nam, Thể Thao VTV như con thuyền căng buồm đón gió dưới sự chèo lái của vị thuyền trưởng Phan Ngọc Tiến - đã, đang và dần khẳng định vị thế của mình ở một tầm cao mới... Như một người chép sử của Thể Thao VTV trong hành trình tự hào 50 năm Đài Truyền hình Việt Nam, Nhà báo Phan Ngọc Tiến, Trưởng Ban Sản xuất các chương trình thể thao đã khiến những người thực hiện bài viết đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.

Là nhà báo thể thao trưởng thành và gắn bó trong môi trường VTV suốt 24 năm qua, tham gia tác nghiệp ở nhiều sự kiện thể thao tầm cỡ khu vực, châu lục và thế giới, lại kinh qua nhiều vị trí từ biên tập, bình luận viên cho tới lãnh đạo… Thật không quá khi nói Nhà báo Phan Ngọc Tiến dành cả thanh xuân cho VTV, trong sứ mệnh của “người truyền lửa” - đặt nền móng, xây dựng và khẳng định thương hiệu cùng sự lớn mạnh của Thể Thao VTV.

Gặp và lắng nghe những chia sẻ từ người đứng đầu truyền hình Thể thao VTV, chúng tôi như được du hành trên "cỗ máy thời gian" trở về những ngày đầu tiên khi anh còn là một biên tập viên thể thao mới bắt đầu công việc tại Đài Truyền hình Việt Nam… cho đến những giải đấu thể thao mang thương hiệu VTV như Giải bóng chuyền nữ quốc tế; Giải xe đạp quốc tế; và cả những sự kiện song hành cùng Thể thao Việt Nam mang tầm quốc tế như Olympic, ASIAD, SEA Games; hay những sự kiện được khán giả cả nước hằng đón đợi như FIFA World Cup, UEFA EURO, AFF Cup...


Ý tưởng về một giải bóng chuyền mang thương hiệu VTV bắt đầu nhen nhóm lên từ một dịp tình cờ Nhà báo Phan Ngọc Tiến gặp mặt một quan chức của Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam. Là người quan tâm tới bóng chuyền, lại được trực tiếp tham gia tác nghiệp báo chí ở SEA Games 1997, 1999, 2003, Nhà báo Phan Ngọc Tiến mang băn khoăn hỏi vị lãnh đạo Liên đoàn: Vì sao về mặt thể hình các tuyển thủ nữ của chúng ta không thua kém Thái Lan nhiều nhưng khi đụng độ thì luôn thua sát ván? Anh nhận được câu trả lời: Một năm ĐT bóng chuyền Thái Lan được cọ xát từ 10-16 trận thi đấu quốc tế, trong khi đó, ĐT bóng chuyền Việt Nam không có cơ hội đó. Mỗi lần tập trung đội tuyển mới tập huấn được một vài tuần.

"Từ đó, ý tưởng về việc tổ chức một giải bóng chuyền mang thương hiệu của Đài THVN nơi tôi công tác, nảy ra trong đầu. Tôi thắc mắc với vị lãnh đạo liên đoàn bóng chuyền về việc họ có cam kết mời được các đội nước ngoài hay không? Ít nhất thì điều đó cũng giúp cho ĐT bóng chuyền nữ Việt Nam có một chuyến tập huấn tại chỗ. Ý tưởng này nhanh chóng được vị lãnh đạo kia hưởng ứng để rồi năm 2002, tôi nhận nhiệm vụ chắp nối, mạnh dạn đề xuất ý kiến lên Lãnh đạo Đài THVN và tới năm 2004 giải đấu chính thức được ra đời" – Nhà báo Phan Ngọc Tiến chia sẻ.

Lần đầu tiên tổ chức, VTV Cup về Nam Định. Đây cũng là dịp chưa từng có để khán giả có thể theo dõi các cô gái bóng chuyền Việt Nam thi đấu ngay tại sân nhà. Chính vì lẽ đó, nhà thi đấu tỉnh Nam Định đã không còn một chỗ trống trong suốt một tuần giải đấu diễn ra. 

Nhà báo Phan Ngọc Tiến nói: "Dưới góc độ đơn vị tổ chức, những người thực hiện giải đấu cũng rất lo lắng bởi đây là nhiệm vụ mà trước đó chúng tôi chưa từng thực hiện. Nhưng nhờ sự chuẩn bị tốt, vừa làm vừa rút kinh nghiệm tại chỗ qua từng trận đấu, phối hợp chặt chẽ với Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam, với đơn vị đăng cai, với các lực lượng chức năng…, VTV đã biến VTV Cup 2004 trở thành một tiếng vang lớn về mặt truyền thông. Thật tự hào khi VTV đã giới thiệu thành công một giải bóng chuyền quốc tế được tổ chức công phu, bài bản tới khán giả cả nước".

Trong quá khứ, ngoài Thái Lan đã trên tầm khu vực, bóng chuyền nữ Việt Nam phải cạnh tranh vị trí thứ nhì Đông Nam Á với Philippines hay Indonesia ở các giải đấu SEA Games giai đoạn cuối những năm 1990 – đầu những năm 2000. Tuy nhiên, VTV Cup ra đời đã mang cho ĐT bóng chuyền nữ Việt Nam cơ hội cọ xát thường xuyên với các đối thủ mạnh, để rồi kể từ sau giai đoạn 2005, chúng ta dần dần bứt lên hơn hẳn so với những cái tên kể trên. Quan trọng hơn, bóng chuyền đang ngày một được nhìn nhận đúng đắn hơn trong mắt những gia đình có con em theo đuổi môn thể thao này.

Từ đó đến nay, qua 16 năm, Giải bóng chuyền nữ quốc tế VTV Cup đã trở thành thương hiệu lớn, để lại dấu ấn đậm nét trong lòng khán giả truyền hình cả nước. Nhiều địa phương trong cả nước đều bày tỏ mong muốn được đăng cai VTV Cup. Điều đặc biệt, giải đấu được giới truyền thông cũng như khán giả đón nhận nồng nhiệt và ghi nhận là việc VTV đã làm rất tốt cả hai vai trò khi vừa là đơn vị truyền hình đồng thời vừa là đơn vị tổ chức.

Tiếp nối sự thành công của Giải Bóng chuyền nữ Quốc tế, Tổng giám đốc Đài THVN Trần Bình Minh mong muốn có thêm một giải đua xe đạp quốc tế mang thương hiệu VTV. Không ngần ngại, Trưởng Ban Thể thao Phan Ngọc Tiến nhận nhiệm vụ trong vai trò người đứng đầu truyền hình thể thao VTV đã xây dựng thành công thương hiệu cho Giải Xe đạp quốc tế cúp VTV. 

Sự thành công của giải đấu đến từ sự phối hợp cực kỳ chặt chẽ giữa đơn vị tổ chức là VTV, Tổng cục Thể dục Thể thao, Liên đoàn Xe đạp và Motor Thể thao Việt Nam, Cục Cảnh sát Giao thông, Cơ quan chức năng địa phương, Đội motor dẫn đường…  

Giải xe đạp quốc tế cúp VTV trong những năm qua thực sự đã trở thành một giải đấu với đầy đủ cung đường hấp dẫn cho các cua-rơ thể hiện được tài năng, sức bền của mình. Bên cạnh đó, Thể Thao VTV cùng tầm nhìn và tư duy của người làm truyền hình, yêu nghề của Nhà báo Phan Ngọc Tiến qua giải đua đã gửi tới khán giả truyền hình những thước phim đẹp về đất nước, về con người nhằm quảng bá du lịch Việt Nam. Điều đó đã đưa Giải xe đạp quốc tế cúp VTV vượt ra ngoài những giá trị của một giải đấu thể thao thông thường. 

Năng động, am hiểu về nghề và luôn mang trong mình khát khao hướng đến những điều mới lạ mang tính thời đại, Nhà báo Phan Ngọc Tiến đã có quyết định triển khai tường thuật trực tiếp tất cả các chặng đua ở giải đua xe đạp quốc tế VTV Cup năm 2018, 2019, trọn vẹn trên Ứng dụng VTV Sports bằng công nghệ di động 4G – một điều chưa từng có ở một giải đua xe đạp trong nước. 

Là người gắn bó với truyền hình thể thao VTV, nhà báo Phan Ngọc Tiến đã có nhiều kỷ niệm về nghề tại SEA Games. Năm 2009, SEA Games 25 diễn ra tại Lào, nhà báo Phan Ngọc Tiến được Tổng giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam giao nhiệm vụ là Trưởng đoàn công tác VTV cùng hơn 400 cán bộ, phóng viên, tổ chức sản xuất, biên tập viên, quay phim, kỹ thuật, bình luận viên được cử sang Lào thực hiện công tác truyền hình cho SEA Games 25. Vừa nhận nhiệm vụ tuyên truyền vừa đảm nhiệm công việc của truyền hình chủ nhà, nhà báo Phan Ngọc Tiến đã lên những phương án nhân sự, tính toán các vị trí hợp lý để đảm bảo công việc không bị chồng chéo, các đầu mối phối hợp hiệu quả và suôn sẻ. SEA Games 25 trên đất nước Lào được bạn bè quốc tế đánh giá cao về công tác truyền hình.

Nhà báo Phan Ngọc Tiến chia sẻ: “Tôi luôn nói với những anh em trong Ban Thể thao VTV rằng: Với thể thao, chúng ta không bao giờ được quyền tự mãn. Mỗi khi chúng ta vượt qua một ngọn núi, thì ngọn núi phía trước còn cao hơn.

Tôi muốn nói đến sự đầu tư không ngừng cho từng sản phẩm truyền hình thể thao. Với Ban Thể thao VTV, không bao giờ chúng tôi cho phép bản thân tự hài lòng với chính mình. Mỗi phóng viên, biên tập viên, quay phim viên, kỹ thuật viên, luôn cần có sự nỗ lực, đổi mới về mặt chất lượng nội dung cũng như cách thức thể hiện.”

Thể Thao VTV thực hiện một chương trình tại SEA Games 29 ở Malaysia

SEA Games 29 – Malaysia 2017 có thể coi là đỉnh điểm của sự thay đổi; và những người làm thể thao VTV đã thực hiện được điều không tưởng. Tại SEA Games 29, nước chủ nhà Malaysia đã không thực hiện tín hiệu trực tiếp và không phát sóng một số môn không phải là môn thế mạnh của họ, nhưng lại là những nội dung rất được khán giả Việt Nam quan tâm như bóng đá nữ, bóng chuyền…

Trong vai trò trưởng đoàn công tác của VTV ở nhiều kỳ SEA Games, Nhà báo Phan Ngọc Tiến đã dự báo khả năng giành huy chương và hiểu được nhu cầu chờ đợi của khán giả, nên đã nghiên cứu và bàn bạc cùng các đơn vị phối hợp như Trung tâm Sản xuất kỹ thuật chương trình, Trung tâm Tin học Truyền hình... để lên phương án thực hiện các trận đấu bằng thiết bị flykit, truyền qua tín hiệu streambox. Lần đầu tiên, 1 trận bóng đá trọn vẹn được Thể Thao VTV thực hiện truyền hình trực tiếp từ nước ngoài đã lên sóng an toàn, được các đài truyền hình lớn trong khu vực ngưỡng mộ.

Ở SEA Games 30 tại Philippines, Đoàn Thể thao Việt Nam và các đội tuyển thể thao của chúng ta thi đấu thành công, nhất là các môn Olympic như điền kinh, bơi hay vật, bắn cung… Quần vợt giành tấm HCV lịch sử đơn nam của Lý Hoàng Nam, HCV đôi nam bóng bàn đến tấm HCV quý giá của bóng đá nam, bóng đá nữ.

Trưởng Ban Thể Thao VTV, Nhà báo Phan Ngọc Tiến tại phòng booth của VTV ở SEA Games 30

Thành công của Thể thao Việt Nam đồng thời cũng là thành công của Thể Thao VTV cùng các đơn vị trong Đài THVN. Vị trưởng đoàn công tác của VTV tại SEA Games 30, Nhà báo Phan Ngọc Tiến luôn là người đến sớm nhất và cũng là người hay về muộn nhất từ IBC (Trung tâm truyền hình quốc tế của SEA Games), luôn sát cánh cùng các thành viên của thể thao VTV để quán xuyến công việc; đồng thời đưa ra những quyết định kịp thời - để chuyển tải và tạo ra một kỳ SEA Games ấn tượng với khán giả truyền hình cả nước khi được sống và nghẹt thở với từng khoảnh khắc thăng hoa và mọi cung bậc cảm xúc của đoàn Thể thao Việt Nam. 

Phóng viên Thể Thao VTV thực hiện tường thuật trực tiếp các buổi họp báo bóng đá sau trận đấu thông qua công nghệ phát sóng 4G Streambox tại SEA Games 30

Chính nhà báo Phan Ngọc Tiến đã rất nhanh đưa ra quyết định Thể Thao VTV vẫn sản xuất các môn thi đấu mà chủ nhà Philippines không tường thuật trực tiếp như dancesports, võ gậy… và kỳ SEA Games 30, Thể Thao VTV đã cho ra đời một hướng sản xuất mới được phóng viên của đơn vị trực tiếp sản xuất - lần đầu tiên thực hiện tường thuật trực tiếp các buổi họp báo bóng đá sau trận đấu thông qua công nghệ phát sóng 4G Streambox trong điều kiện khó khăn hơn rất nhiều so với ở Việt Nam. Từ đó, khán giả truyền hình cả nước đã được xem trực tiếp, mắt thấy tai nghe mọi cung bậc cảm xúc vui buồn, thất vọng… của các cầu thủ cũng như của HLV Park Hang Seo sau mỗi trận đấu. Có lẽ, chưa bao giờ, khán giả truyền hình cả nước ngồi trước màn hình lâu đến vậy sau khi trận đấu kết thúc. 

Nhà báo Phan Ngọc Tiến chia sẻ: “Từ góc độ của người quản lý, tôi tin rằng tính dự báo và xây dựng kế hoạch là điều vô cùng quan trọng đối với truyền hình - truyền hình thể thao cũng không ngoại lệ. Nếu không có sự phân tích kỹ lưỡng, phân bổ sức người hợp lý, với từng đó con người, chúng tôi không thể đảm bảo hiệu quả cao nhất trong công việc”.

Thành công trong các sự kiện lớn như FIFA World Cup hay UEFA EURO, Olympic… trên sóng truyền hình quốc gia những năm qua đã cho thấy điều đó. Với vai trò của người tổ chức, Trưởng ban Thể Thao VTV luôn có những phương án chuẩn bị sẵn sàng; những kinh nghiệm trong việc tổ chức sản xuất, điều phối tác nghiệp và phối hợp nhuần nhuyễn với các đơn vị trong Đài.

Là một người lãnh đạo luôn theo sát những bước đi của đơn vị và quan tâm, hiểu rõ và biết phát huy thế mạnh của từng thành viên, nhà báo Phan Ngọc Tiến chia sẻ: “Đội ngũ những người làm chương trình của Ban Thể thao VTV luôn nỗ lực tìm tòi, đầu tư cho các sản phẩm. Với tư cách là Trưởng ban, tôi luôn nhắc nhở các thành viên trong đơn vị tập trung cao nhất cho những sự kiện lớn như World Cup, EURO hay Olympic, ASIAD nhưng đồng thời cũng phải giữ sức khỏe bản thân để làm sao có thể hoàn thành tốt nhất yêu cầu công việc đề ra”.

Các phóng viên, biên tập viên của Thể Thao VTV trong một lớp đào tạo với chuyên gia nước ngoài

Đội ngũ những người làm chương trình thể thao tại VTV luôn khao khát tự làm mới bản thân, cập nhật những kiến thức mới, nâng cao chất lượng chuyên môn, để tập trung cao nhất phục vụ khán giả những món ăn tinh thần hấp dẫn phong phú hơn qua từng sự kiện. Đó là lí do, vị thuyền trưởng của Thể Thao VTV luôn yêu cầu các thành viên trong Ban Thể Thao theo học các khoá học về nghiệp vụ để không bao giờ tụt lại phía sau so với các đồng nghiệp trong và ngoài nước, luôn bắt kịp với những xu thế và thay đổi của truyền hình thể thao thế giới.

“Sự song hành của VTV trên mọi nẻo đường chinh phục đỉnh cao của thể thao Việt Nam, và đồng hành cùng những nhu cầu thưởng thức thể thao của khán giả đã khẳng định vị thế của Đài truyền hình quốc gia trong lòng người hâm mộ, là điều thôi thúc những người làm nghề chúng tôi phải cố gắng hết mình”, nhà báo Phan Ngọc Tiến khẳng định.

Thể thao VTV luôn song hành và chứng kiến những giây phút lịch sử cùng Thể thao Việt Nam. Nói về chức vô địch AFF Cup, các tấm HCV tại SEA Games, đặc biệt HCV của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh tại Olympic Rio 2016. Sự nhạy bén của 1 người gắn bó với thể thao VTV suốt 24 năm, nhà báo Phan Ngọc Tiến đã có những dự báo về khả năng giành huy chương của thể thao Việt Nam. Dù lịch thi đấu chung kết của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh diễn ra nửa đêm theo giờ Việt Nam nhưng Nhà báo Phan Ngọc Tiến đã theo sát và chỉ đạo ekip tác nghiệp tại Rio bám sát sự kiện, ekip tại nhà sẵn sàng trường quay bình luận thông bản tin. Nối cầu ngay khi xạ thủ Hoàng Xuân Vinh đoạt tấm huy chương vàng Olympic lịch sử.

Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh ăn mừng chiến thắng tại Olympic Rio 2016

Tất cả những khoảnh khắc lịch sử đó đã được truyền tải đầy đủ trên sóng VTV. Lần đầu tiên, một môn thể thao trầm lặng như bắn súng được lan toả trong toàn xã hội, đâu đâu người dân Việt Nam cũng nhắc đến thể thao và tấm huy chương vàng Olympic của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh.

Nhà báo Phan Ngọc Tiến bảo với chúng tôi rằng: “Ban Thể Thao luôn tâm niệm không bao giờ được phép chủ quan, và xác định guồng quay công việc là liên tục và tập thể phải đoàn kết và huy động được sức mạnh của khối đại đoàn kết. Đấy là điều quý giá và chúng tôi đang thực hiện điều đó”.

Đoàn thể thao Việt Nam đã có một kỳ SEA Games thành công tại Philippines

“Chúng tôi luôn tâm niệm rằng bản thân vô cùng may mắn khi được song hành trên hành trình chinh phục những đỉnh cao của thể thao Việt Nam. Cũng không khó để thấy rằng thể thao Việt Nam đã có những sự thay đổi vượt bậc trong khoảng 5 năm trở lại đây với những thành tích tại Olympic, ASIAD, SEA Games, các giải đấu lớn của châu lục và khu vực, trải khắp các nội dung. Và sự thay đổi tích cực một cách nhanh chóng của thể thao nước nhà trong những năm qua cũng yêu cầu những người làm thể thao VTV phải thích ứng kịp thời để truyền tải trọn vẹn nội dung, những thông tin một cách nhanh và chuẩn nhất, phong phú về hình thức thể hiện, giúp khán giả truyền hình thấy thể thao hấp dẫn hơn và có thể cảm nhận được đến gần hơn với các nhân vật, sự kiện”.

Cùng với đó là những bản tin thể thao được thay đổi rất nhiều trên sóng VTV, từ trong format chương trình, trong cách làm và cả sự đa dạng về các MC. Có lẽ, không đâu nhiều MC và bình luận viên được thử sức ở các bản tin, các sự kiện lớn như Ban Thể Thao. Điều đó cho thấy khả năng bao quát và tầm nhìn của Trưởng Ban Thể thao VTV Phan Ngọc Tiến khi luôn tính trước cho những sự kiện lớn cho tương lai như EURO, Olympic hay gần nhất sẽ là SEA Games 31 diễn ra tại Việt Nam.

Trong suốt quá trình 24 năm gắn bó với VTV, Trưởng ban thể thao VTV, nhà báo Phan Ngọc Tiến đã và đang xây dựng được Ban Thể thao trưởng thành, vững mạnh, có một tập thể trẻ, năng động, đoàn kết. Đó là thành quả từ sự tâm huyết và nỗ lực của người đứng đầu đơn vị cùng sự gắn bó của các cộng sự là đội ngũ lãnh đạo Ban và lãnh đạo phòng – luôn luôn thổi ngọn lửa đam mê cho các thành viên trong đơn vị.

Khi thực hiện bài viết này với Trưởng Ban Thể thao VTV, chúng tôi đã rất tâm đắc về câu nói ý nghĩa của Nhà báo Phan Ngọc Tiến mà ngay từ khi thành lập Ban Sản xuất các chương trình thể thao đã được anh đặt làm slogan của Ban Thể Thao VTV trong suốt chặng đường hình thành và phát triển – đó cũng là câu nằm lòng của rất nhiều VĐV mang bên mình trên hành trình chinh phục đỉnh cao:

Thực hiện: Quang Phát, Thế Hưng

Photo: Đoàn Tuấn

Thiết kế: Anh Quân

06/09/2020