Đau họng lâu ngày không khỏi, cẩn thận với ung thư vòm họng

P.V, icon
03:06 ngày 08/05/2018

VTV.vn - Đau họng lâu ngày không khỏi xuất phát từ nhiều nguyên nhân như vùng niêm mạc họng bị tổn thương do vi khuẩn, vi rút và nguy hiểm nhất là ung thư vòm họng.

Vì sao đau họng lâu ngày không khỏi?

Đau họng là hiện tượng vùng họng bị viêm, rát và sưng gây khó chịu cho người bệnh.

Thông thường đau họng do vi rút, vi khuẩn, nấm và các tác nhân môi trường gây nên và chỉ cần điều trị thuốc 1 – 2 ngày hoặc sẽ tự khỏi. Tuy nhiên, nếu tình trạng đau họng kéo dài không khỏi, thời gian đau họng có thể lên tới vài tháng và thường xuyên tái phát có thể bắt nguồn từ một số nguyên nhân như lớp niêm mạc họng yếu, sức đề kháng kém, dùng thuốc điều trị sai cách dẫn đến "nhờn thuốc" và nguy hiểm nhất là ung thư vòm họng.

Đau họng lâu ngày không khỏi, cẩn thận với ung thư vòm họng - Ảnh 1.

Đau họng lâu ngày không khỏi có thể liên quan đến ung thư vòm họng

Khối u phát triển tại vòm họng có thể làm tổn thương vùng họng, làm cho lớp niêm mạc thành sau họng bị chất nhầy bao phủ, không thực hiện chức năng làm sạch và tạo điều kiện cho vi khuẩn, vi rút phát triển. Tổn thương khó hồi phục do những vết loét tại vòm họng khi các khối u bị vỡ, bong lớp vảy cũng là nguyên nhân dẫn đến triệu chứng đau họng lâu ngày không khỏi.

Các triệu chứng khác của ung thư vòm họng

Ngoài triệu chứng đau họng lâu ngày không khỏi, bệnh nhân ung thư vòm họng còn có một số biểu hiện khác như:

Đau họng lâu ngày không khỏi, cẩn thận với ung thư vòm họng - Ảnh 2.

Khó nuốt là triệu chứng ung thư vòm họng có thể gặp ngay từ những giai đoạn đầu của bệnh

- Khó nuốt: Đây là một trong những triệu chứng dễ gặp ở bệnh nhân ung thư vòm họng ngay từ những giai đoạn đầu của bệnh. Nguyên nhân của triệu chứng này xuất phát từ sự phát triển của các khối u tại vòm họng cản trở đường xuống của nước bọt hay thức ăn.

- Giọng nói thay đổi: Dây thanh âm có thể bị chèn ép do sự phát triển của khối u dẫn đến giọng nói bị thay đổi.

- Xuất hiện hạch cổ: Vòm họng có cấu trúc gồm nhiều mô hạch bạch huyết nên khi có sự xuất hiện của tế bào ung thư chúng sẽ lan rộng đến cơ quan vùng cổ.

- Dịch mũi có dính máu cũng là biểu hiện của bệnh ung thư vòm họng dễ gặp.

Chẩn đoán ung thư vòm họng như thế nào?

Đau họng lâu ngày không khỏi có thể là dấu hiệu cảnh báo ung thư vòm họng. Vì vậy, ngay khi thấy dấu hiệu bất thường này cùng một số biểu hiện lạ khác, bạn cần đến cơ sở y tế để chẩn đoán và điều trị bệnh kịp thời.

Đau họng lâu ngày không khỏi, cẩn thận với ung thư vòm họng - Ảnh 3.

Người bệnh cần đi khám để chẩn đoán đúng bệnh

Các phương pháp chẩn đoán gồm nội soi mũi họng, sinh thiết và một số phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác như chụp cắt lớp, cộng hưởng từ…

- Nội soi mũi họng giúp bác sĩ quan sát những bất thường ở sâu bên trong vòm họng. Bác sĩ sẽ sử dụng một ống soi mềm đầu có gắn camera qua mũi để quan sát toàn bộ khu vực mũi họng. Trường hợp phát hiện vị trí nghi ngờ sẽ được lấy mẫu xét nghiệm đem quan sát dưới kính hiển vi để xác định chính xác tình trạng bệnh.

- Chụp cắt lớp vi tính, cộng hưởng từ, X-quang có thể được chỉ định trong xác định mức độ lan rộng của các tế bào ung thư vòm họng, giúp bác sĩ lên phác đồ điều trị chuẩn xác.

Tùy vào mức độ bệnh, tình trạng sức khỏe, độ tuổi và giai đoạn bệnh cụ thể của mỗi người, bác sĩ sẽ tư vấn phương pháp điều trị phù hợp.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục