Không muốn mắc bệnh trĩ, tránh những thói quen sau đây

icon
08:00 ngày 04/05/2018

VTV.vn - Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh trĩ như táo bón lâu ngày nhưng ít ai ngờ đến là bệnh trĩ có thể hình thành từ những thói quen rất bình thường trong cuộc sống.

Dấu hiệu mắc bệnh trĩ

Theo bác sĩ Đào Tuấn - Trưởng khoa Ngoại – Phó Giám đốc phụ trách khối Ngoại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc, người mắc bệnh trĩ thường có những dấu hiệu sau đây:

- Chảy máu: Lúc đầu, máu chảy rất kín đáo, bệnh nhân thường phát hiện ra khi nhìn vào giấy vệ sinh sau khi đi đại tiện hoặc nhìn vào phân thấy vài tia máu nhỏ dính vào. Về sau, mỗi khi đi đại tiện, bạn phải rặn nhiều do táo bón, máu chảy thành giọt hay thành tia. Nặng hơn nữa, cứ mỗi lần đi vệ sinh, đi đứng nhiều hoặc ngồi xổm, máu lại chảy. Thậm chí, máu chảy rất nhiều khiến người bệnh phải vào cấp cứu. Đôi khi, máu từ búi trĩ chảy ra đông lại trong lòng trực tràng gây đi cầu ra máu cục.

- Sa trĩ: Đây cũng là triệu chứng thường gặp của người mắc bệnh trĩ. Tùy theo mức độ trĩ sa mà bệnh nhân có các biểu hiện lâm sàng khác nhau. Nếu trĩ sa đô 1, 2 thì không gây nhiều ảnh hưởng đến sinh hoạt. Nếu trĩ sa độ 3, người bệnh rất khó chịu khi đi vệ sinh, đi đứng nhiều, làm việc nặng. Nếu trĩ sa đến độ 4, bệnh nhân thường xuyên khó chịu.

Không muốn mắc bệnh trĩ, tránh những thói quen sau đây - Ảnh 1.

Bệnh trĩ gây ảnh hưởng đến sinh hoạt thường ngày của người bệnh

- Các triệu chứng khác: búi trĩ có thể không đau nhưng cộm, vướng. Búi trĩ đau khi: tắc mạch, sa trĩ nghẹt, nứt kẽ hậu môn. Người bệnh có ổ áp xe đi kèm, nằm ngay dưới lớp niệm mạc hay trong hố ngồi - trực tràng… gây đau đớn, khó chịu. Người bệnh có chảy dịch nhầy ở hậu môn và thường kèm theo hiện tượng sa trĩ nặng, đôi khi đó cũng là triệu chứng của bệnh lý khác như viêm trực tràng, u trực tràng… Bên cạnh đó, bạn cũng có thể bị ngứa hậu môn và quanh hậu môn do viêm da bởi các chất dịch nhầy.

Những thói quen xấu gây nên bệnh trĩ

Cũng theo bac sĩ Tuấn, những thói quen xấu sau đây có thể là nguyên nhân dẫn đến bệnh trĩ:

Lười vận động, đứng ngồi quá lâu

Do tính chất công việc, nhiều người thường xuyên phải đứng lâu, ngồi nhiều trong thời gian dài khiến toàn bộ áp lực trong cơ thể dồn xuống vùng hậu môn trực tràng, gây cản trở lưu thông máu ngược trở lại, làm tắc nghẽn khiến các tĩnh mạch trĩ sưng phồng quá mức, gây ra bệnh trĩ.

Căng thẳng

Khi bị căng thẳng, não sẽ sản sinh ra một chất gây áp lực lên cơ thể. Chất này gây cảm giác mỏi, hệ tiêu hóa bị ức chế, co giãn cơ vùng hậu môn bị giảm, cũng là nguyên nhân dẫn đến bệnh trĩ.

Không muốn mắc bệnh trĩ, tránh những thói quen sau đây - Ảnh 2.

Khi nghi ngờ mắc bệnh người bệnh cần đến cơ sở chuyên khoa để thăm khám

Uống nước ít

80% cơ thể là nước. Nước có tác dụng giúp tuần hoàn máu tốt và giúp hệ tiêu hóa của bạn khỏe mạnh. Mỗi người mỗi ngày cần cung cấp 2 lít nước cho cơ thể. Không đủ nước cung cấp không những gây ra các bệnh về da mà còn gây ra các căn bệnh về tiêu hóa, sự co bóp của hậu môn yếu lâu dần hình thành nên bệnh trĩ .

Cung cấp không đủ chất xơ trong bữa ăn

Những người ăn ít chất xơ nguy cơ mắc bệnh trĩ rất cao. Trong các bữa ăn cần cung cấp đủ rau xanh, hoa quả để bổ sung lượng chất xơ cần thiết. Các chất này giúp hệ tiêu hóa bài tiết tốt hơn, tránh gây ra bệnh trĩ.

Làm việc nặng thường xuyên

Những người bị viêm phế quản mạn tính, bị dãn phế quản, ho nhiều, người thường xuyên làm việc nặng gây ra áp lực từ vùng ổ bụng xuống vùng hậu môn khiến các tĩnh mạch trĩ suy yếu lâu dần là nguyên nhân gây ra bệnh trĩ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục