Sỏi đường tiết niệu và những kiến thức không thể bỏ qua

PV, icon
05:38 ngày 18/04/2018

VTV.vn - Sỏi đường tiết niệu là một trong những bệnh lý đường tiết niệu phổ biến, chiếm 30-40% số bệnh nhân tiết niệu. Người mắc sỏi đường tiết niệu thường trong độ tuổi 20-60.

Có các loại sỏi nào trong đường tiết niệu?

Sỏi đường tiết niệu được chia làm sỏi đường tiết niệu trên (gồm sỏi thận và sỏi niệu quản) và sỏi đường tiết niệu dưới (bao gồm sỏi bàng quang và sỏi niệu đạo).

Sỏi tiết niệu bao gồm các loại sau: 

- Sỏi calci chiếm 80% gồm calcium oxalate (monohydrate và dihydrate), calcium phosphate, calcium oxalate and phosphate

- Sỏi struvite (magnesium ammonium phosphate) 10%

- Sỏi uric acid 8%

- Sỏi cystine 1%

- Các loại khác chiếm 1% gồm triamterene, xanthine, matrix.

Vì sao bị sỏi đường tiết niệu?

Quá trình hình thành sỏi đường tiết niệu rất phức tạp, do nhiều yếu tố gây ra.

Hòn sỏi có một cấu trúc đặc thù bao gồm 2 yếu tố:

Sỏi đường tiết niệu và những kiến thức không thể bỏ qua - Ảnh 1.

Sỏi đường tiết niệu làm ảnh hưởng đến sinh hoạt thường ngày của người bệnh

- Chất mucoprotein đóng vai trò như chất keo kết dính các tinh thể với nhau để tạo sỏi.

- Các tinh thể của các chất bình thường được hòa tan trong nước tiểu, chủ yếu là calci và oxalate, không những thế còn có phosphate, magne, urat, cystine.

Khi nước tiểu bị cô đặc quá mức hoặc khi pH nước tiểu thay đổi thì các chất hòa tan trong nước tiểu sẽ kết tinh lại thành các tinh thể, các tinh thể sẽ bị loại trừ theo dòng nước tiểu, cần phải có chất mucoprotein thì các tinh thể mới có thể liên kết được với nhau để tạo ra hòn sỏi. Nhiễm trùng tiết niệu dễ dẫn đến kết tụ sỏi. Những bất thường ở đường tiết niệu làm chậm hoặc bế tắc dòng nước tiểu dễ gây ra hiện tượng kết tụ sỏi.

Dấu hiệu nào cho biết bạn bị sỏi đường tiết niệu?

Trong nhiều trường hợp sỏi thận, sỏi có thể rất to, thậm chí thành sỏi san hô mà người bệnh không có triệu chứng gì, hoặc chỉ đau âm ỉ vùng hông lưng bên có sỏi, vì thế nhiều người bệnh đến bệnh viện khi đã có biến chứng nhiễm trùng hoặc suy thận.

Sỏi đường tiết niệu và những kiến thức không thể bỏ qua - Ảnh 2.

Bạn nên đến cơ sở chuyên khoa để được thăm khám và điều trị khi sỏi đường tiết niệu

Sỏi không tắc nghẽn thường được phát hiện tình cờ khi người bệnh đi khám bệnh tổng quát, hoặc khi bệnh nhân có dấu hiệu tiểu máu.

Sỏi gây tắc nghẽn thường có những triệu chứng như đau vùng hông lưng. Trường hợp điển hình sẽ có cơn đau quặn thận do sỏi. Cơn đau có thể lan xuống bẹn, đùi tùy từng vị trí và mức độ bế tắc. Trong lúc đau quặn thận người bệnh có kèm tiểu máu đại thể hoặc vi thể, buồn nôn, nôn, triệu chứng nhiễm trùng.

Sỏi bàng quang thường có biểu hiện lâm sàng là đau ở vùng hạ vị, tiểu ngắt quãng, tiểu khó, bí tiểu hoặc tiểu máu. Bệnh nhân có thể bị nhiễm trùng tiểu nhiều lần.

Ngay khi có các dấu hiệu bệnh, bạn cần đến ngay các cơ sở y tế để thăm khám và xử trí kịp thời.

*Nội dung chuyên môn đã được tham khảo bởi các bác sĩ Bệnh viện Thu Cúc.

Cùng chuyên mục