Xử trí thế nào nếu sốt xuất huyết lại bùng phát?

icon
04:50 ngày 18/04/2018

VTV.vn - Từ đầu năm đến nay, cả nước có hơn 11.000 người mắc sốt xuất huyết trong đó 1 trường hợp tử vong.

Theo Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), sốt xuất huyết trong thời gian tới vẫn còn có thể diễn biến phức tạp, có nguy cơ gia tăng.

Những triệu chứng cơ bản giúp phát hiện sớm sốt xuất huyết

Khi xuất hiện các triệu chứng sau, bạn cần nghĩ ngay đến sốt xuất huyết:

Ngày 1: Bệnh nhân sốt cao, đột ngột, liên tục, sốt không ớn lạnh, mặt ửng đỏ, họng đỏ không đau.

Ngày 2: Bệnh nhân tiếp tục sốt cao, liên tục. Hãy cố gắng tìm các dấu hiệu xuất huyết trên cơ thể như xuất huyết dưới da trên bụng, tay chân, mí mắt, cổ.

Xử trí thế nào nếu sốt xuất huyết lại bùng phát?  - Ảnh 1.

Người mắc sốt xuất huyết thường có những triệu chứng như sốt cao đột ngột, xuất huyết dưới da, chảy máu cam hoặc chảy máu chân răng,....

Ngày thứ 3: Dấu hiệu sốt xuất huyết trở nên rõ ràng hơn rất nhiều. Bệnh nhân vẫn còn sốt cao, có thể xuất huyết da niêm mạc như chảy máu mũi, máu răng. Nếu trẻ trên tuổi dậy thì hỏi thêm về kinh nguyệt có ra huyết bất thường không? Bệnh nhân có thể cảm giác khó chịu, đau bụng, nôn ói.

Cần làm gì khi sốt xuất huyết?

Sốt xuất huyết hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vaccine dự phòng. Vì vậy, biện pháp phòng chống sốt xuất huyết chủ yếu là diệt muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy và phòng chống muỗi đốt.

Theo PGS.TS. Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Xuân Thành – Cố vấn chuyên môn cao cấp Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc, chuyên gia về các bệnh lý truyền nhiễm cho biết,  khi xử trí khi mắc sốt xuất huyết người bệnh cần lưu ý:

Xử trí thế nào nếu sốt xuất huyết lại bùng phát?  - Ảnh 2.

Bệnh nhân sốt xuất huyết có thể hạ sốt bằng Paracetamol nhưng tuyệt đối không được sử dụng các loại thuốc hạ sốt khác như aspirin, analgin, ibuprofen… vì có thể gây xuất huyết rất nguy hiểm.

Hạ sốt:

+ Sử dụng thuốc: bệnh nhân sốt cao từ 39 độ C trở lên được phép dùng Paracetamol. Đặc biệt lưu ý, tuyệt đối không sử dụng các loại thuốc hạ sốt khác như aspirin, analgin, ibuprofen… vì có thể gây xuất huyết rất nguy hiểm.

+ Kết hợp các biện pháp hạ nhiệt khác: Dùng khăn ấm đắp vào trán, lau nách, bẹn phòng sốt cao, co giật. Tuyệt đối không dùng nước đá hoặc đá lạnh để chườm.

Bù nước cho cơ thể

+ Khuyến khích người bệnh uống nhiều Oresol, nước trái cây (cam, quýt, chanh, dừa…), nước đun sôi để nguội. Trẻ em dưới 5 tuổi bị sốt nên uống khoảng 0,5 – 1 lít nước/ngày, trẻ trên 5 tuổi uống khoảng 1,5 – 2,5 lít nước/ngày, riêng người lớn cần uống từ 2,5 – 3 lít nước/ngày.

+ Cho bệnh nhân ăn một số đồ ăn nhẹ, dễ nuốt, dễ tiêu như súp, sữa, nước cháo loãng nêm chút muối…

Quan trọng nhất vẫn là theo dõi sát người bệnh nhằm phát hiện sớm những dấu hiệu nặng như sốt cao liên tục, lả người, buồn nôn, tiểu ít, xuất huyết… để đưa đi cấp cứu kịp thời vì thời điểm nguy hiểm nhất của bệnh là khi hết sốt (thường từ ngày thứ 3 – 6), bệnh có thể trở nặng và sốc dẫn tới tử vong chỉ sau 5 – 6 tiếng đồng hồ nếu không kịp cứu chữa.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục