Tại sao nhiều cầu thủ tài năng chuyển đến Trung Quốc thi đấu?

Cập nhật 00:33 ngày 11/02/2016

Câu trả lời dễ tìm thấy nhất chính là mức thu nhập đáng mơ ước. Nhưng trong câu chuyện của bóng đá Trung Quốc lúc này vẫn còn nhiều điều thú vị đáng để xem xét.


 



Những gì đã xảy ra?Ngày 26/1 vừa qua, CLB Hebei Fortune nổ phát súng đầu tiên, kích hoạt chuỗi những ngày cuối tháng một, đầu tháng hai “kinh điển” của bóng đá Trung Hoa bằng việc chi 13.5 triệu bảng Anh cùng mức lương lên đến 150,000 bảng/tuần chiêu mộ tiền đạo Gervinho từ Roma.

 


Guangzhou Evergrande gây sốc khi bỏ ra tới 31 triệu bảng chiêu mộ Jackson Martinez của Atletico

Chưa hết ngỡ ngàng thì chỉ một ngày sau đó, Ramires và Fredy Guarin cũng được thông báo sẽ gia nhập Jiangsu Suning và Shanghai Shenhua với giá trị hợp đồng “bom tấn”. Thời điểm thị trường chuyển nhượng mùa đông châu Âu chuẩn bị khép lại, khi mọi sự chú ý đều dồn về phía các đội bóng Anh thì Guangzhou Evergrande lại gây sốc khi bỏ ra tới 31 triệu bảng chiêu mộ Jackson Martinez của Atletico. Tuy nhiên, đỉnh cao của câu chuyện lại diễn ra trong ngày 5/2 khi Alex Teixeira, cầu thủ đã “thề non hẹn biển” với Liverpool, quyết định sẽ gia nhập Jiangsu Suning với mức phí kỉ lục mới, 38 triệu bảng. Liverpool đã thất bại khi không thể chi ra số tiền đúng như yêu cầu của Shakhtar Donetsk.

 


Teixeira gia nhập Jiangsu Suning với mức giá 38 triệu bảng

Điểm chung của những bản hợp đồng nói trên, nếu bỏ qua những giá trị tiền bạc, thì đây đều là những cầu thủ còn đang ở đỉnh cao phong độ và đều thi đấu cho những CLB hàng đầu ở giải đấu mà họ tham dự.Quyết tâm của người Trung QuốcCó một nghịch lý diễn ra trong giới thể thao Trung Quốc. Nếu như nền thể thao Olympic của nước này vẫn thuộc top đầu thế giới thì bóng đá lại là một câu chuyện cực kì đáng buồn.
ĐTQG Trung Quốc mới một lần duy nhất lọt vào VCK World Cup, đó là khi châu Á đã có sẵn hai suất chủ nhà cho Nhật Bản và Hàn Quốc năm 2002. Thứ hạng của bóng đá nước này trên BXH FIFA cũng chẳng khá khẩm hơn là bao, với vị trí thứ 93 sau Botswana, và cơ hội góp mặt tại World Cup 2018 sắp tới cũng là không quá sáng sủa.Nhưng có một điều chắc chắn, người Trung Quốc sẽ đứng ra đăng cai một VCK World Cup trong thời gian không quá xa. Tiền bạc, khả năng tổ chức, họ không thua kém bất kì ai, nhưng chất lượng bóng đá đang là điều giới lãnh đạo nước này dành sự quan tâm đặc biệt.Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã khẳng định quyết tâm đổi mới bóng đá khi cùng Thủ tướng Anh David Cameron ghé thăm trung tâm huấn luyện của Man City hồi tháng mười năm ngoái.Hàng loạt mục tiêu đã được giới lãnh đạo Trung Hoa đề ra, nhằm thu hút mối quan tâm của người dân với môn thể thao vua. Đây cũng là phương án cụ thể được đề ra nhằm hạn chế bệnh béo phì đang leo thang trong giới trẻ Trung Quốc.Nhưng tiền bạc xuất hiện là do sự quan tâm “đặc biệt” mà ông Tập dành cho giải vô địch quốc nội. Kế hoạch của ông Tập là tăng gấp đôi nền kinh tế thể thao trước năm 2025. Các khoản đầu tư nhà nước được giải ngân, đầu tư tư nhân được khuyến khích, và bóng đá tất nhiên chính là tâm điểm trong guồng quay đó.

 


Mourinho có mặt tại Thượng Hải, Trung Quốc

Tháng trước người ta đã thấy Jose Mourinho cùng người đại diện Jorge Mendes tại Shanghai, trong một diễn biến Mendes được cho là bán lại một lượng không nhỏ cổ phần công ty Gestifute cho một nhà đầu tư tại đây. Tương tự, Chủ tịch Sheikh Mansour của Man City cũng nhượng lại 13% cổ phần trong doanh nghiệp bóng đá 2 tỉ bảng của mình cho một người Trung Quốc. Nhiều CLB lớn tại châu Âu cũng đang thuộc sở hữu của người Trung Quốc, đó là Slavia Prague của Séc, Sochaux của Pháp. Tương lai không xa rất có thể sẽ là Premier League.Điểm mấu chốt ở đây chính là mối liên kết chặt chẽ giữa tư nhân và nhà nước. Khoản đầu tư 265 triệu bảng vào công ty của Sheikh Mansour chính là một hình thức hợp tác như thế. Những người giàu ở Trung Quốc không thiếu, và ông Tập “định hướng” để họ rót những khoản tiền kếch xù của mình vào thế giới bóng đá.“Chính phủ rất muốn xây dựng một nền kinh tế cân bằng, không chỉ phụ thuộc vào sản xuất, thể thao và giải trí chính là lĩnh vực đang được quan tâm đầu tư”, phát biểu của chuyên gia bóng đá Trung Quốc Chris Atkins trên Sky Sports.Hệ quả của những vụ đầu tưHLV Tite của Corinthians có lẽ là nhân vật phải đau đầu nhiều nhất với bóng đá Trung Quốc. Trong bối cảnh gặp rất nhiều khó khăn để bảo vệ danh hiệu vô địch quốc nội, Corinthians của ông đã bị người Trung Quốc lấy đi tới bốn trụ cột, điều mà ông mô tả là “một sự áp bức”.Những cầu thủ bóng đá Brazil có lẽ đông đảo nhất xứ này. Ngoài những cầu thủ, người ta còn thấy những cá tính Brazil trên băng ghế chỉ đạo, đó là Luiz Felipe Scolari, Mano Menezes hay Vanderlei Luxemburgo.Nhưng điểm nhấn rõ rệt nhất trong thời gian vừa qua là việc Trung Quốc đã không còn mua những cái tên vô danh ở các giải đấu Nam Mỹ nữa, thay vào đó, họ đưa những tài năng giá trị bậc nhất của lục địa này đang thi đấu tại châu Âu “đông tiến”, điển hình là Ramires, Jackson Martinez, Alex Teixeira. Thậm chí Chelsea được cho là đã từ chối đề nghị... 75 triệu bảng mà Jiangsu dành cho Oscar.Bóng đá ngay tại Trung Quốc thay đổi, đó mới là điều giới lãnh đạo nước này quan tâm hơn hết. Việc những cầu thủ bản địa nơi đây bắt kịp đẳng cấp của những Martinez hay Ramires trong thời gian ngắn là không thể, nhưng những quy định thủ môn phải là người Trung Quốc, hay không được phép có quá ba cầu thủ nước ngoài + một cầu thủ nước ngoài thuộc châu Á sẽ tạo cơ hội ra sân và học hỏi nhiều hơn cho các tài năng bản địa.Bóng đá được phát hàng ngày trên các kênh truyền hình Trung Quốc, từ ngoại hạng Anh, Serie A, Bundesliga.v.v. nhưng bản quyền hình ảnh giải vô địch quốc gia nước này vừa chứng kiến bước thăng tiến ấn tượng khi China Media Capital (công ty thành liên kết với nhà nước đầu tư vào Man City) đã trả giá cao hơn đài CCTV 1.2 triệu đô la để có bản quyền giải đấu trong 5 năm tới. Trước đó, bản quyền giải đấu chỉ có giá trị 9 triệu đô la/năm.Lượng khán giải đến sân cũng là một thành công phải được kể đến. Mùa vừa qua trung bình 22,000 người theo dõi một trận đấu tại giải VĐQG Trung Quốc, con số tăng lên đến 17% so với năm trước đó.

 


Aguero (Manchester City) cũng được các đội bóng tại Trung Quốc nhòm ngó

Chưa biết điều “điên rồ” nào nữa sẽ còn được người Trung Quốc tạo ra trong kì chuyển nhượng hè sắp tới, nhưng như lời của HLV Arsene Wenger, các CLB châu Âu nên “lo lắng” là vừa trước sức mạnh tiền bạc khủng khiếp đến từ nền kinh tế số một thế giới này. Nhưng cũng theo “Giáo sư” người Pháp, bóng đá phải đi kèm với sự phát triển bền vững, thế nên sự đầu tư của người Trung Quốc có mang tới hiệu quả xứng đáng hay không, vẫn cần thời gian để đưa ra câu trả lời.

Tuấn Hiệp
(Thethao.vtv.vn)