Góc nhìn: Thương hiệu cầu thủ và cách khai thác từ giới truyền thông

Cập nhật 03:48 ngày 14/11/2014

Hãy thử so sánh về cách mà giới truyền thông khai thác thương hiệu của Beck với một cầu thủ tại Việt Nam để thấy chúng ta được gì và mất gì từ những câu chuyện này.

 

Tại nước Anh, báo chí được coi là một quyền lực có ảnh hưởng rất lớn đến xã hội. Rất nhiều tập đoàn truyền thông lớn đều có mặt ở quốc gia này. Và người Anh cũng rất giỏi trong việc khai thác hình ảnh, thương hiệu của những cầu thủ bóng đá nổi tiếng. Ví dụ như việc nhận được quyền đăng cai Olympic London 2012 có công đóng góp rất lớn của David Beckham, chàng cầu thủ mới đây cũng xuất hiện tại Việt Nam. Hãy thử so sánh về cách mà giới truyền thông khai thác thương hiệu của Beck với một cầu thủ tại Việt Nam để thấy chúng ta được gì và mất gì từ những câu chuyện này.

Tuần qua 1 sự kiện thu hút đặc biệt sự chú ý của giới truyền thông trong nước, đó là việc chàng cựu cầu thủ bóng đá David Beckham đột ngột xuất hiện tại Việt Nam.Tại sao một cầu thủ đã giải nghệ như Beck vẫn có sức hút lớn đến như vậy đối với người hâm mộ, đó là câu hỏi được nhiều tờ báo thể thao đặt ra. Nhưng chuyện này đối với báo chí nước ngoài lại không phải là chuyện lạ.

 

  
VIDEO: HIGHLIGHT TRẬN ĐẤU ĐẶC SÁC TRÊN THỂ THAO VTV

Tài năng, có một cuộc sống gia đình được xem là đáng mơ ước, ngoại hình bắt mắt, từng thi đấu cho những CLB nổi tiếng nhất thế giới như Manchester United hay Real Madrid được coi là vốn tài sản để tự nó làm nên một thương hiệu Beckham toàn cầu.

Trong xã hội phương Tây, nó là thứ tài sản đáng quý cần phải khai thác tối đa, phải đưa nó là hình mẫu cho giới cầu thủ, cần được tôn vinh và những đứa trẻ sẽ lấy đó làm hình mẫu cho mình. Chẳng thế mà khi đã giải nghệ từ khá lâu, nhưng mỗi khi xuất hiện ở đâu đó trên thế giới, không chỉ ở Việt Nam, David Becham vẫn thu hút mọi ánh nhìn của giới truyền thông, người hâm mộ và kèm theo đó là những hợp đồng quảng cáo béo bở dù nó chẳng có gì liên quan đến bóng đá cả.


 



David Beckham vẫn kiếm tiền giỏi dù đã chia tay bóng đá


Trở lại câu chuyện tại Việt Nam, cũng là một cầu thủ, đang ở độ tuổi tài năng nở rộ nhất, một thương hiệu mới đang hình thành cùng U19 Việt Nam qua từng giải đấu. Một hình tượng mới cho những đứa trẻ đang mơ ước trở thành cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp. Nhưng bỗng chốc lại trở thành chủ đề bàn tán của tất cả mọi người về tuổi thật của mình, hay được truyền thông khai thác bằng những câu chuyện bên lề về bạn gái của anh ta. Điều này đặt ra một câu hỏi chúng ta đang muốn xây dựng một thần tượng hay muốn đập phá nó.

Cần thiết phải có sự cân nhắc của mỗi người về những hành động có thể ảnh hưởng đến những giá trị của toàn xã hội. Nếu việc dẫm đạp lên thần tượng là một thói quen thì vô hình chung chúng ta đang tự giết chết niềm tin và những mơ ước nhỏ bé của những người khác.Và đến bao giờ chúng ta mới có một thương hiệu toàn cầu như David Beckham.

Nguyễn Nghĩa
(Thethao.vtv.vn)