Hệ thống các giải bóng đá trẻ ở Việt Nam

Cập nhật 04:58 ngày 09/07/2015

Đầu tư cho bóng đá trẻ chính là đầu tư cho tương lai của bóng đá Việt Nam. Các cầu thủ trẻ ngoài việc được đào tạo thì còn cần các giải đấu để cọ sát, tích luỹ kinh nghiệm. Vậy hệ thống các giải bóng đá trẻ ở Việt Nam được tổ chức như thế nào?

 


Hệ thống các giải bóng đá trẻ ở Việt Nam do VFF tổ chức hiện nay gồm 6 cấp độ: U11, U13, U15, U17, U19 và U21 quốc gia được tổ chức hàng năm. Mỗi giải đấu hiện nay đều được gắn tên với một nhà tài trợ hoặc đơn vị tổ chức. Chẳng hạn như giải U13 cúp Mobifone sẽ diễn ra vào khoảng giữa tháng 7 hay như giải U17 QG Báo bóng đá-Cúp Thái Sơn Nam đang diễn ra ở Thành phố HCM. Nhìn qua sẽ thấy, bóng đá trẻ đang vận động đúng theo quỹ đạo của nó. Đến hẹn lại lên, các cầu thủ trẻ sẽ có cho mình cơ hội phát tiết, qua đó, tìm kiếm cơ hội trở thành ngôi sao sân cỏ. Nhưng qua thực tế các giải đấu, dường như vẫn có những vấn đề trong công tác tổ chức những giải đấu này lẫn công tác đào tạo trẻ ở Việt Nam.

Về vấn đề tài trợ, bóng đá trẻ đang gặp khó khăn và cần phải được tiếp sức thì mới mong phát triển đúng lộ trình. Sau gần 20 năm, giải U15 quốc gia không có nhà tài trợ chính. Mới đây thôi, Ban tổ chức giải bóng đá thiếu niên toàn quốc hay còn gọi là U13 mới có thể thở phào nhẹ nhõm khi tìm được “chiếc phao cứu sinh” là MobiFone thay thế cho đối tác truyền thống Yamaha. Những nhà tổ chức cũng đang cố gắng để giải U11 được ghép tên với nhà tài trợ nào đó trong thời gian sớm nhất. Năm ngoái, cũng phải tới sát ngày khởi tranh, giải U19 QG mới tìm được nhà tài trợ để giải đấu có thể diễn ra theo kế hoạch. Các giải trẻ phải gắn với các nhà tài trợ. Vì thế, hơn lúc nào hết, các đơn vị tổ chức cần được tiếp sức để tránh cảm giác đơn độc trong việc duy trì sân chơi cho các cầu thủ trẻ. Sự tiếp sức ở đây phải thể hiện ở những hành động thực tế nhằm giúp các giải đấu trẻ có cơ hội tồn tại và phát triển.

Chưa bao giờ công tác đào tạo trẻ của bóng đá VN lại phát triển rộng rãi như hiện nay. Nhưng dường như chiều sâu của công tác đào tạo lại chưa được tương xứng. Hay nói cách khác, chất lượng đào tạo tại các địa phương không đồng đều do không được đầu tư đúng mức. Các trung tâm đào tạo chất lượng vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay với một vài cái tên như SLNA, PVF, Hà Nội T&T hay Viettel thay nhau vô địch các giải đấu. Vì thế, để bóng đá trẻ VN phát triển một cách bền vững và đồng đều hơn, rất cần sự chung tay của toàn xã hội, bao gồm các nhà tổ chức, các cơ quan quản lý Nhà nước về bóng đá, sự giúp sức của các nhà tài trợ và nỗ lực của từng địa phương.