Bóng đá Việt Nam 2014: Gót Achilles của nền bóng đá

Trần Hải (TT&VH)Cập nhật 00:00 ngày 07/02/2014

Đội tuyển quốc gia (ĐTQG) thua tan tác ở vòng loại Asian Cup 2015, với chuỗi 5 trận toàn nếm mùi chiến bại; trong khi đó, U23 Việt Nam lần đầu tiên sau 5 kỳ SEA Games, bị loại khỏi vòng bảng. Khó tin, nhưng đó là sự thật! Câu hỏi đặt ra lúc này là, chúng ta liệu có thể kỳ vọng gì vào nền bóng đá trong năm 2014, sau rất nhiều những đổ vỡ ấy?

Sự đi xuống có hệ thống

Những người yêu thích các con số đã thống kê rằng, bóng đá Việt Nam bắt đầu đi xuống, ngay sau lần leo lên đỉnh AFF Cup 2008. Cụ thể, U23 Việt Nam tiếp tục gục ngã trước ngưỡng cửa thiên đàng, trong chiến dịch đổi màu huy chương SEA Games 2009. ĐTQG trên hành trình bảo vệ danh hiệu tại AFF Cup 2010, bị Malaysia loại ở vòng “knock-out”. SEA Games 2011 và 2013 tiếp tục là nỗi thất vọng quá lớn, trong khi đó, AFF Cup 2012, đoàn quân của HLV Phan Thanh Hùng đã phải cúi đầu ra về sau vòng đấu bảng, với rất nhiều vấn đề phát sinh.

Từ những thất bại, nó không đơn thuần là chuyện hết thịnh rồi suy. Sau AFF Cup 2008, bằng với lứa cầu thủ thuộc tầm thương hiệu đang vào độ chín, sự ổn định về đội hình và cả tổ chức, với thuyền trưởng – phù thủy Henrique Calisto tiếp tục ngồi trong cabin Ban huấn luyện (BHL), chúng ta đã không thể phát huy được năng lực cạnh tranh ở đấu trường khu vực, bởi những tính toán sai lầm, duy ý chí. Cần chắc rằng trước và sau Việt Nam, những nền bóng đá như Thái Lan, Singapore và Malaysia luôn vô địch ở kỳ AFF Cup tiếp theo, sau lần đầu lên ngôi.

Cơ thể của ĐTQG được thành hình từ giải vô địch quốc gia, với Việt Nam, đó là lộ trình bất biến. Không một ai chịu thừa nhận chất lượng các giải đấu như V-League và hạng Nhất đi xuống, nhưng sự thật rằng, cầu thủ Việt hụt hơi trông thấy trong cuộc cạnh tranh chỗ đứng với các đồng nghiệp ngoại quốc ở cấp câu lạc bộ (CLB). Việc chấp nhận chỉ là thứ yếu cho vai trò ở trên sân, lâu ngày nó trở thành thuộc tính. Và ĐTQG đã không có những cầu thủ tốt nhất, ở những vị trí quan trọng nhất, khiến BHL không thể tìm được các phương án tối ưu.

Đấy là bản chất của một giải đấu, hay chính xác hơn là của nền bóng đá ăn xổi và vị thành tích. Việc thả nổi vấn đề nhập tịch cầu thủ cũng bị xem xét như “thủ phạm”, bởi sau năm 2008, chúng ta gần như không có nhu cầu sử dụng họ trong màu áo các ĐTQG. Cung cách điều hành và định hướng của VFF với sân chơi nội rõ ràng có vấn đề. Suốt một thời gian dài, V-League và hạng Nhất được khoán trắng cho các ông bầu. Và nói như cựu chủ tịch CLB Khatoco Khánh Hòa, Lê Tiến Anh, đó là cuộc chiến "Tiền đấu tiền", là cuộc chơi riêng của các ông bầu.

Chúng ta có ngay bằng chứng, khi cuộc khủng hoảng tài chính trên diện rộng đè lên địa hạt vóng đá, V-League và hạng Nhất đã lao đao như thế nào. Chỉ sau một đêm, hơn nửa tá CLB xin rút tên hoặc xóa sổ. Khi chân đế quá nhỏ và mong manh, đừng mong đầu ra là đỉnh tháp sắc nhọn được. Sau thất bại của ĐTQG, U23 Việt Nam chỉ là hệ lụy tiếp theo, khi một thời gian dài, hệ thống đào tạo trẻ bị xem nhẹ, thậm chí bị lãng quên. Indonesia 2011 và Myanmar 2013 đem đến những nỗi buồn cho bóng đá trẻ Việt Nam, nhưng nó như một điều tất yếu!

Và cái tát cho nền bóng đá

Năng lực cạnh tranh của một nền bóng đá không thể đi xuống nhanh như thế, sau chỉ một thời gian quá ngắn (4 – 5 năm), nếu chúng ta chịu khó nhìn nhận một cách thấu đáo mọi vấn đề. Chức vô địch AFF Cup 2008, cùng suất chơi tứ kết Asian Cup 2007 trước đó, gieo vào đầu nhiều nhà quản lý chuyên môn sự ảo tưởng về tầm vóc. Thậm chí, khi bóng đá Việt Nam cấp CLB lần đầu tiên trong lịch sử lọt vào đến vòng bán kết AFC Cup 2009, VFF cũng vội vơ vào và rằng, V-League thực sự chất lượng, dù đó là chuyện riêng của Becamex Bình Dương.

Chỉ ra những tồn tại và đi tìm nguyên nhân thất bại, không phải là sự phê phán với nền bóng đá, nhưng với những đầu tư quá lớn, sự quan tâm đặc biệt của xã hội, bóng đá Việt Nam đáng ra phải đem lại những niềm vui nhiều hơn thay vì chỉ có nỗi buồn. Không hề văn vẻ khi cho rằng, nền bóng đá xứ sở trong năm 2013, đã bị bắn một mũi tên vào ngay gót Achilles. Mũi tên đó, chúng ta tự dương cung và bắn vào chân mình, chứ tác nhân không phải là các đối thủ. Thái Lan, Malaysia hay Singapore, nói rộng ra là bóng đá Đông Nam Á, bao năm vẫn thế!

Và bây giờ, người ta bắt đầu lờ mờ tính chuyện làm lại, sau những thành công bước đầu mà “những đứa trẻ của bầu Đức” trong đội hình U19 Việt Nam gặt hái được. Nếu như bóng đá học đường là một khái niệm tương đối mơ hồ, với hệ thống giáo dục thể chất trong trường học ở Việt Nam, thì đào tạo trẻ, thậm chí là đào tạo gà nòi, là lộ trình bất biến đề hy vọng nâng tầm nền bóng đá. Nhưng ở Việt Nam, có bao nhiêu Học viện như HA.GL Arsenal JMG hay hệ thống đào tạo tạm coi là đạt chuẩn kiểu của Sông Lam Nghệ An?! Rất ít!

Vừa rồi, VFF đã khai giảng các lớp Năng khiếu bóng đá cho cả nam và nữ, để chuẩn bị cho chiến dịch ASIAD 2019 trên sân nhà, nhưng rõ ràng là rất mông lung. Người trong cuộc cũng kỳ vọng, những sản phẩm của HA.GL Arsenal JMG hay Quỹ đầu tư Phát triển tài năng bóng đá Việt Nam (PVF), sẽ giúp ích nhiều cho tương lai, tuy nhiên, nó là chuyện riêng của bầu Đức, của Tập đoàn Vincom. VFF, cơ quan đầu não của nền bóng đá, tự làm cũng không xong, trong khi lại không thể có những hỗ trợ tối ưu cho tư nhân hay CLB.

Trở lại với vấn đề thời sự hơn vào lúc này: ĐTQG sẽ chơi như thế nào tại AFF Cup 2014 trên sân nhà tới đây, sau những đổ vỡ liên tiếp ở chính sân chơi nay và tại các kỳ SEA Games?! Có lẽ không nên kỳ vọng nhiều, bởi bóng đá không có khái niệm bất chiến tự nhiên thành. Cần nhắc lại rằng, trước khi vô địch AFF Cup 2008 (bằng với cả sự cổ vũ của rất nhiều may mắn), chúng ta từng có bước chạy đà hoàn hảo với suất chơi tứ kết Asian Cup 2007 của ĐTQG và việc đi đến vòng đấu loại thứ 3 Olympic Bắc Kinh 2008 của đội tuyển Olympic Việt Nam.

Làm bóng đá cũng giống như bơi ngược dòng sông. Không thắng được sức cản để lao về phía trước, chắc chắn sẽ tụt lùi lại đằng sau!