Đến SEA Games, U23 Việt Nam đá kiểu nào?

Theo NGỌC HÒA (Thể thao & Văn hóa)Cập nhật 10:00 ngày 03/02/2013

Những cầu thủ trẻ như Hoàng Thịnh (phải) cần được trao cơ hội thi đấu nhiều hơn. (Ảnh: V.S.I)

 Người ta có thể hình dung được hình hài của ĐT Việt Nam tại chiến dịch vòng loại Asian Cup 2015 ra sao, nhưng với ĐT U23 Việt Nam thì khó, dù đội bóng đã định hình lực lượng.

ĐT Việt Nam đã thi đấu 3 trận giao hữu, nhìn chung là tốt cả về mặt thành tích lẫn tinh thần. Còn cái hồn cái cốt lối chơi, cơ bản vẫn thế, dù được gia cố một số nhân tố mới. Nói đấy là dấu ấn của HLV Hoàng Văn Phúc cũng được. Hoặc hình hài ĐT Việt Nam hiện vẫn phảng phất dấu ấn của HLV Phan Thanh Hùng cùng êkíp thì cũng chẳng sai.

Nói thế là bởi HLV Hoàng Văn Phúc vẫn xây dựng lối chơi dựa vào các cựu binh AFF Cup, vẫn không dám một cuộc trẻ hóa ồ ạt. Thế mới biết, dù chỉ giao hữu, áp lực phải có thành tích khả dĩ, và cả áp lực phải cải thiện thương hiệu ĐT Việt Nam, vẫn đè quá nặng lên vai cả ông Phúc lẫn VFF, nên ý tưởng trẻ hóa chưa thể thực thi.

Ngồi quán cà phê xem trận giao hữu giữa ĐT Việt Nam và CLB Huyndai Mipo Dolphin, nghe mấy “bình loạn viên” nghiệp dư phán: “Hàn Quốc mà đá lởm thế sao”? Một nhận xét vu vơ nhưng cũng nói lên rằng, đúng là đội bạn trình độ cũng chỉ tương đương với đội hạng Nhất thuộc top đầu ở ta mà thôi. XM V.Hải Phòng, HN.T&T cũng là những trận tập huấn theo phương thức cũ, nên chưa thể nói lên điều gì về ĐT Việt Nam.

Vậy nên, nếu quá khen ngợi thầy trò HLV Hoàng Văn Phúc qua 3 trận, cũng chưa hẳn là tốt. Với một đội hình đa số cầu thủ từng thất bại thê thảm ở 3 tháng trước đó, giờ trình diễn với bộ mặt hơi khác, nhất là về tinh thần, điều đó không khó lý giải, trong bối cảnh cả làng bóng đá nước nhà cần phải cách mạng hình ảnh.

Điều dư luận quan tâm nhất, đấy là hình hài của ĐT U23 Việt Nam sẽ như thế nào, về một đội hình trẻ trung triệt để, thì vẫn chưa làm được như kỳ vọng. Đấy là ẩn số, chắc chắn vẫn còn là ẩn số trong chiến dịch vòng loại Asian Cup 2015 sắp tới, khi áp lực giữ thể diện khó cho phép HLV Hoàng Văn Phúc thử nghiệm ồ ạt các vị trí. Như thế, khi đã quá phụ thuộc vào các anh, hệ thống chiến thuật ngấm vào máu với người cũ, liệu U23 Việt Nam sẽ kịp thích nghi, phát huy được sức mạnh khi tập trung trở lại?

Tóm lại, việc ưu tiên sự cọ xát cho cầu thủ trẻ, cho SEA Games cuối năm nay cần phải được cụ thể hóa triệt để hơn nữa. Mặt khác, cần phải thay đổi phương thức tập trung, tập huấn để tránh tình trạng đi theo lối mòn, quá nhiều vấn đề lâu nay. Nếu các đối thủ của U23 Việt Nam cũng chỉ cọ xát luẩn quẩn trong “ao làng” Đông Nam Á, các tuyển thủ trẻ chỉ tập huấn trong nước, chắc chắn sẽ không có sự khác biệt.

Chúng tôi nghĩ rằng, đổi mới phương thức tập trung, tập huấn cho các ĐTQG, tạo một môi trường có tính cạnh tranh cao, công bằng, đấy là điều cần làm mới quyết liệt. Nếu những người có trách nhiệm thực sự đưa ra được lộ trình tập huấn nước ngoài tốt cho các ĐTQG, chắc chắn không khó vận động tài trợ từ các Mạnh Thường Quân.

Nói rộng ra, bóng đá Việt Nam cần đổi mới hệ tư tưởng sau những thất bại có tính hệ thống. Mới đây, bầu Đức đã giải mã khá rõ “ẩn số” của VPF khi mời CEO Nhật Bản về tham gia quản lý, điều hành VPF: “Chúng tôi cần người thay đổi tư duy, suy nghĩ cũng như phong cách quản lý bóng đá Việt Nam”.

Sợ lắm nếu U23 Việt Nam đi theo những lối mòn lâu nay. Hy vọng sẽ có sự đổi mới trong chặng đường phía trước, bởi những gì đã xảy ra (nhất là cách tuyển chọn HLV) vẫn ám ảnh bóng dáng của “lối xưa xe ngựa hồn thu thảo”…

SEA Games 27 chúng ta chơi kiểu nào, một ẩn số quá đau đầu!