Đội tuyển Việt Nam: Ê kíp mới, lối chơi cũ

Theo Tùy Phong/ TT&VHCập nhật 00:00 ngày 16/01/2013

HLV Hoàng Văn Phúc chỉ có một tuần chuẩn bị cho trận đấu ra mắt trong màu áo ĐT Việt Nam. (Ảnh: VSI)

 HLV Hoàng Văn Phúc đã có những tuyên bố mạnh mẽ sau khi ông nhận làm HLV tạm quyền của đội tuyển Việt Nam. Nhưng sẽ khó có những thay đổi căn bản về lối chơi.

“ĐT Việt Nam sẽ chơi tiki-taca”, “Sẽ có 50% danh sách là các cầu thủ trẻ” hay đơn giản như “Tôi tự tin mình sẽ làm tốt”…, hàng loạt những câu phát biểu nghe rất kêu của tân HLV trưởng ĐT Việt Nam, Hoàng Văn Phúc, một ngày sau khi ông gật đầu chấp nhận làm tạm quyền (2 trận đấu vòng loại Asian Cup 2015 với UAE và Hồng Kông (Trung Quốc) sắp tới đây).

Nhiều người phải giật mình, khi có vẻ như HLV trẻ người Hà Nội này đã nói hơi nhiều, bởi bản thân ông Phúc vẫn chưa bắt tay vào việc. Và nữa, liệu bản tính hiền lành, dễ gần và dễ bắt chuyện của ông Phúc, liệu có là bắt đầu cho những mâu thuẫn không?

HLV Hoàng Văn Phúc đã có những thành công bước đầu với các ĐT trẻ như U16, U19 hay gần nhất là U22 Việt Nam tại giải đấu quốc tế BTV Cup 2012; với vị HLV này, CLB Trẻ HN.T&T cũng đã giành quyền lên chơi V-League 2013, trước khi xin được ở lại đá tiếp giải hạng Nhất, vì nếu lên hạng là vi phạm Quy chế. Tức là ở khía cạnh chuyên môn thuần túy, có thể gửi gắm niềm tin vào HLV Hoàng Văn Phúc, dù chắc ông không phải là sự lựa chọn tối ưu đi chăng nữa.

Câu hỏi đặt ra là, liệu trong một khoảng thời gian quá ngắn, với bản thân danh sách ĐT Việt Nam đã được VFF ướm trước, HLV Hoàng Văn Phúc có thể làm điều kỳ diệu không?! Chắc chắn là không, ngay cả khi ông hứa sẽ có ít nhất 50% bản danh sách là cầu thủ trẻ, tức là các nhân tố mới. Ông Phúc lên nắm U22 Việt Nam thông qua đề xuất của cựu HLV trưởng ĐT Việt Nam Phan Thanh Hùng và việc lựa chọn 50% danh sách các cầu thủ trẻ ấy cũng chính do ông Hùng thực hiện.

Bản thân cựu trợ lý của ông Hùng, HLV Nguyễn Văn Sỹ, khi được VFF ướm vào chiếc ghế mà ông Hoàng Văn Phúc vừa ngồi, cũng thừa nhận, không thể thay đổi cơ chế vận hành của ĐT Việt Nam chỉ trong ngày một ngày hai. Vả lại, lối chơi hiện tại của ĐT Việt Nam đã được xem là tối ưu với thể trạng người Việt rồi. Tức là về cơ bản, chúng ta sẽ chỉ mong đợi một làn gió tương đối gọi là mới, với “êkíp” BHL mới, chứ đừng kỳ vọng vào một lối chơi khác nhiều so với ĐT Việt Nam dưới thời Phan Thanh Hùng.

Một câu chuyện có thật kể rằng, nếu HLV Nguyễn Văn Sỹ chấp nhận thử thách và may mắn ĐT Việt Nam thi đấu thành công, đó còn là một cách bào chữa cho đàn anh Phan Thanh Hùng. Cơ sở thành công không phải là không có, khi UAE và Hồng Kông (Trung Quốc) không phải là các đối thủ quá tầm với ĐT Việt Nam, bởi chúng ta từng thắng họ rồi. Nhưng Văn Sỹ từ chối, như TT&VH từng đề cập, đó là bởi thái độ hợp tác của VFF và mối quan hệ rất con người.

Tất cả đều biết, HLV Phan Thanh Hùng chưa bao giờ mong một cái kết như thế, sau chuyến trở về từ Thái Lan. Ông Hùng buộc phải nói lời chia tay trong bức bối và vì không còn lựa chọn nào khác, khi người ta đã soạn sẵn cả một kịch bản tống biệt. Văn Sỹ là trợ lý thân cận và được tin tưởng bậc nhất của ông Hùng, nên hẳn rất hiểu chuyện. Thế nên, nếu Văn Sỹ chấp nhận ngồi vào ghế nóng mà đàn anh để lại, nó cũng rất dễ nảy sinh những hiểu lầm không hay.

Chỗ của HLV Hoàng Văn Phúc, về nguyên tắc công việc ở các đội bóng HN.T&T là độc lập, và điều đó ít nhiều tạo không gian làm việc dễ thở hơn, ít nhất là so với Văn Sỹ hay Hoàng Anh Tuấn, những cựu trợ lý của ông Hùng. Tuy nhiên, với chỉ 2 trận đấu và quỹ thời gian tập trung và tập luyện quá ngắn như đã nhắc, rất khó để luận anh hùng. Không phải Hoàng Văn Phúc, bất cứ ai cũng có thể ngồi vào đó (nếu có bằng A HLV), nếu biết cách thừa hưởng di sản để lại.