Đội tuyển Việt Nam: Lấy Asian Cup thử cho SEA Games

Theo Mai An/ TT&VHCập nhật 00:00 ngày 17/01/2013

Chiếc áo ĐTQG ở vòng loại Asian Cup 2015 có phải là gánh nặng quá sức với những cầu thủ đang ở độ tuổi U23 như Mạnh Dũng (15)? (Ảnh: VSI)

 Khi thông tin về việc HLV Hoàng Văn Phúc sẽ dẫn dắt ĐT Việt Nam thi đấu 2 trận đầu tiên ở vòng loại Asian Cup 2015 được VFF chính thức xác nhận, ai cũng có thể đoán ngay được rằng bản danh sách ĐT Việt Nam do ông Phúc đứng ra thực hiện sẽ có số lượng đông đảo các tuyển thủ trong độ tuổi U23 và sự thực đúng là như vậy.

Chỉ giữ lại 8 cầu thủ từng tham dự AFF Cup 2012, ĐT Việt Nam dưới thời HLV Hoàng Văn Phúc coi như đã được “thay máu” triệt để với sự xuất hiện của 18 gương mặt mới, trong đó có tới 7 cầu thủ đến từ giải hạng Nhất (6 người) và giải hạng Nhì (một người). Vấn đề đặt ra ở đây là phải chăng bóng đá Việt Nam đã cạn kiệt nhân tài đến độ phải gọi cả cầu thủ từ giải hạng Nhì, hay BHL ĐT Việt Nam ở AFF Cup 2012 đã sai lầm khi lựa chọn danh sách tuyển thủ nên BHL ĐT Việt Nam ở vòng loại Asian Cup 2015 buộc phải sửa sai?

Câu trả lời cho cả 2 vấn đề này đều là không, bởi bóng đá Việt Nam hiện nay tuy không thừa mứa nhân tài nhưng cũng chẳng khan hiếm tài năng tới mức phải gọi tới 7 cầu thủ từ giải hạng Nhất và hạng Nhì, vốn không được đánh giá cao bằng V-League, và thành phần ĐT Việt Nam tham dự AFF Cup 2012 cũng được xem là đã hội tụ khoảng 90-95% tinh tuý của bóng đá Việt Nam.

Vậy thì câu trả lời phù hợp nhất ở đây có lẽ chính là nhận xét của HLV Nhan Thiện Nhân (HV.An Giang): “Gọi người như thế chắc là đã xác định sẵn tư tưởng thua rồi, chỉ mong muốn thử nghiệm cầu thủ thôi”. Rõ ràng khi lên danh sách ĐT Việt Nam với già nửa là những cầu thủ mới toanh như vậy, người ta đã xác định bỏ rơi sân chơi Asian Cup 2015 để tập trung cho SEA Games 27 diễn ra vào cuối năm.

Trên thế giới này có lẽ không nhiều nền bóng đá lại sử dụng các cầu thủ trong độ tuổi U23 cho một giải đấu dành cho ĐTQG, và có lẽ cũng chẳng nền bóng đá nào lại đưa ra chủ trương sử dụng đấu trường lớn nhất châu lục để làm nơi cọ xát, thử lửa cho một giải đấu thuộc dạng “ao làng” và không hề có tên trong hệ thống thi đấu chính thức của FIFA. Thế nhưng, tất cả những điều tưởng như là chuyện tiếu lâm hiện đại ấy lại là sự thực 100%, ít nhất là nếu nhìn vào danh sách ĐT Việt Nam chuẩn bị cho vòng loại Asian Cup 2015.

Phải đến tháng 12 năm nay thì SEA Games 27 mới diễn ra, nên chúng ta hoàn toàn có thể sử dụng đội hình mạnh nhất của ĐTQG cho vòng loại Asian Cup 2015, và khi mùa giải 2013 khép lại thì 3 hoặc 4 tháng cuối cùng của năm 2013 là quãng thời gian quá đủ để ĐT U23 Việt Nam chuẩn bị cho SEA Games 27, thay vì ngay từ tháng 1/2013 ĐT U23 Việt Nam đã được tung vào thử lửa dưới cái bóng của ĐT Việt Nam.

Nếu để ý sẽ thấy các nền bóng đá hàng đầu Đông Nam Á khác như Thái Lan, Singapore hay Malaysia đều luôn dành sự ưu tiên cao nhất cho các đấu trường quy mô quốc tế như vòng loại Olympic, World Cup hay Asian Cup, và dù họ chưa gặt hái được nhiều dấu ấn ở những giải đấu đỉnh cao như thế, nhưng nhờ tự đặt mục tiêu rất khó cho chính mình để tìm cách vượt qua giới hạn của bản thân, nên khi về với những sân chơi kiểu “ao làng” như AFF Cup hay SEA Games thì họ vẫn thi đấu rất tốt.

Trong khi đó, suốt bao lâu nay bóng đá Việt Nam lại luôn công khai thể hiện tâm lý buông xuôi với những đấu trường lớn để tập trung cho các sân chơi nhỏ được xem là vừa sức hơn, nhưng cuối cùng đấu trường lớn thì chúng ta luôn thất bại, còn sân chơi nhỏ cũng chẳng làm nên trò trống gì, và điều đáng sợ là đến tận thời điểm hiện tại, sau bao nhiêu bài học kinh nghiệm đau đớn và thất vọng như thế mà người ta vẫn chưa chịu thay đổi tư duy, vẫn chưa chịu thay đổi cách nghĩ.

Còn nhớ năm 2007, nhờ màn trình diễn ấn tượng của ĐT Việt Nam ở Asian Cup 2007 và thành tích chói sáng của ĐT Olympic Việt Nam ở vòng loại Olympic Bắc Kinh 2008 mà bóng đá Việt Nam đã nổi tiếng khắp châu Á, đặc biệt là tại Nhật Bản, vì có thời điểm ĐT Olympic Việt Nam đã trở thành đối trọng đáng kể của ĐT Olympic Nhật Bản. Thế nhưng, một năm sau, khi ĐT Việt Nam vô địch AFF Cup 2008 thì thành tích này lại chẳng được dư luận quốc tế đón nhận một cách ấn tượng như trước đó một năm, bởi đơn giản AFF Cup có là gì khi so sánh với những sân chơi như Asian Cup hay vòng loại Olympic?

Dân gian có câu: “Một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp”, nhưng với bóng đá Việt Nam thì có khi “một sàng xó bếp” vẫn được xem trọng hơn “một miếng giữa làng” rất nhiều.