Làm sạch bóng đá Việt Nam: Một bàn tay vỗ không kêu

Hoàng Thông - Thể thao Việt NamCập nhật 08:55 ngày 27/07/2014

Bóng đá Việt Nam lại nhận thêm một vết ố vì nạn tiêu cực. Trong khi nền bóng đá nước nhà chưa thể vươn xa ra tầm châu lục và thế giới thì những chuyện đáng buồn như thế càng khiến cho những ai yêu mến trái bóng tròn không khỏi chạnh lòng. Nhưng thực tế của bóng đá nước ta cho thấy, để không còn những vấn nạn như thế thì đòi hỏi phải có sự chung tay của nhiều người.

Đầu tiên là phía CLB. Các CLB bóng đá của Việt Nam phải ý thức được rằng mỗi cầu thủ không phải chỉ cần được dạy về chuyên môn mà còn phải được học cách làm người. Và việc học đó không phải chỉ diễn ra khi cầu thủ đã trưởng thành mà phải bắt đầu từ tấm bé. Một cái cây chỉ cần đôi ba năm là rắn rỏi mạnh mẽ nhưng một con người phải mất mấy mươi năm.

‘ Để bóng đá Việt Nam hoàn toàn trong sạch là không dễ dàng

Mỗi cầu thủ phải học để biết rằng làm một công dân tốt quan trọng hơn làm một cầu thủ giỏi. Có rất nhiều thứ họ phải được học. Học có trách nhiệm với công việc. Học biết tôn trọng nghề nghiệp, có cái tâm. Học cách không bị cuốn vào những cám dỗ vật chất để có thể xem bóng đá là một nghề chân chính, để chơi bóng bằng cả niềm đam mê. Bên cạnh đó lãnh đạo CLB cũng phải làm gương cho cầu thủ từ cách tôn trọng trọng tài tới cách ứng xử trong những tình huống nhạy cảm, không thể cứ không vừa ý chuyện gì là đòi bỏ giải. Lãnh đạo đã vậy thì làm sao giáo dục cầu thủ được.

Kế đến là những nhà quản lý bóng đá nước nhà đừng vì những căn bệnh thành tích mà cứ đi xây nhà từ nóc. Phải quan tâm đến lớp trẻ vì đó là tương lai của đất nước. Phải có sự đầu tư đúng mức nhằm tạo nên những lực lượng kế cận, người sau thay người trước nhưng đảm bảo đó là những người được dạy làm người trước khi dạy họ học nghề.

Phải có cái nhìn rộng hơn và thực tế hơn, không thời vụ, không chạy theo xu hướng một cách máy móc. Những gì mà Đức hay Nhật Bản làm được chưa chắc có thể ứng dụng tốt ở Việt Nam. Và trong cách xử lý bóng đá chuyên nghiệp cần nghiêm khắc, minh bạch và dứt khoát không để chuyện CLB bị xử phạt mà ấm ức rêu rao trên báo chí hay bãi công, bỏ giải. Phải nghiêm khắc đối với những sai trái để có thể răn đe những người có ý định tái phạm hoặc hùa làm theo.

Bên cạnh đó, lực lượng CĐV cũng cần có những hành xử đúng mực và theo tinh thần thể thao. Nếu không có những sự kích động trên khán đài thì dưới sân cũng không đến nỗi tay đấm chân đá. Nếu chúng ta – những người xem – không quá nặng chuyện thắng thua và lợi dụng đó để cá cược đỏ đen thì làm sao có cơ hội cho nạn tổ chức bán độ. Dù không có thể dẹp hết những điều xấu xa đó nhưng nếu người hâm mộ có cách cổ vũ lành mạnh thì sẽ hạn chế rất nhiều những cơ hội của những kẻ chuyên làm việc xấu.

Nhưng quan trọng hơn cả chính là những cầu thủ. Họ phải biết sợ, biết đâu là việc nên làm và không nên làm, biết tôn trọng cái nghề của mình, biết tôn trọng khán giả, tôn trọng màu cờ sắc áo thì sẽ không đi vào những con đường sai trái.

Chuyện xảy ra ở CLB Ninh Bình, Đồng Nai khiến ai cũng phải đau lòng nhất là những ai luôn dành tình yêu cho bóng đá nước nhà. Nhưng thiết nghĩ cũng cần có những biện pháp nặng tay để làm trong sạch bóng đá Việt Nam. Tuy nhiên đó cũng chỉ là một phần nhỏ mà thôi vì để cải tạo cả một nền bóng đá thì cần lắm những người có tâm quyết và phải duy trì từng ngày, từng giờ.