Trước Đại hội Liên đoàn Bóng đá Việt Nam: Mặt bằng VFF

PV (Theo SGGP)Cập nhật 10:56 ngày 23/03/2014

Ông Mai Liêm Trực đã có câu nhận xét để đời: “Mặt bằng VFF thấp hơn mặt bằng xã hội”. 10 năm sau, câu nói của ông Mai Liêm Trực đã không còn mang tính ẩn dụ nữa mà trở nên thực tế với kỳ tổ chức đại hội khóa 7 mà phải sau 3 lần trì hoãn mới có thể diễn ra vào ngày 25-3 tới.

1. 10 năm trước, sau khi kiên quyết rút lui khỏi chức Chủ tịch VFF, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Bưu chính viễn thông Mai Liêm Trực đã có câu nhận xét để đời: “Mặt bằng VFF thấp hơn mặt bằng xã hội”.

Điều đặc biệt là ở thời điểm đó, VFF khóa 4 được xem là có uy tín nhất, xã hội hóa cao nhất. Ngoài vị trí chủ tịch lần lượt do các ông Hồ Đức Việt (lúc đó là Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên), Mai Liêm Trực đảm nhiệm, khóa 4 có 39 ủy viên Ban chấp hành thì đã có đến 10 vị là đương kim Giám đốc Sở TDTT, số còn lại đều là những người có chức vụ và địa vị cao trong lĩnh vực hoạt động của mình. Chưa bao giờ, thế và lực của VFF lại mạnh mẽ đến như vậy. Sau này, ông Mai Liêm Trực có giải thích rằng, những người “ngoại đạo” như ông khi tham gia VFF đều không thể làm được gì nhiều khi “dân thể thao” trong tổ chức này hết sức thụ động, làm trì trệ cả bộ máy dù đó là nhiệm kỳ có số lượng ủy viên BCH đông nhất.

‘ Người hâm mộ trông chờ “bộ đôi” Đoàn Nguyên Đức - Lê Hùng Dũng sẽ thay đổi diện mạo bóng đá Việt Nam.


2. 10 năm sau, câu nói của ông Mai Liêm Trực đã không còn mang tính ẩn dụ nữa mà trở nên thực tế với kỳ tổ chức đại hội khóa 7 mà phải sau 3 lần trì hoãn mới có thể diễn ra vào ngày 25/3 tới.

Cái “mặt bằng” ấy thấp đến mức không có ai “dám” ứng cử vào các vị trí lãnh đạo liên đoàn. Sự xuất hiện của ông bầu Đoàn Nguyên Đức ở vị trí Phó chủ tịch tài chính không “cứu vãn” nỗi một thực tế là nhiệm kỳ 7 được “bê nguyên xi” khóa 6 chuyển sang. Tiêu biểu nhất là trường hợp “trở lại và lợi hại hơn” của cựu Tổng thư ký Trần Quốc Tuấn, khi là ứng viên duy nhất của vị trí Phó chủ tịch chuyên môn. Thậm chí, ông Tuấn còn được xem là “ứng viên tiềm năng” thay thế ông Lê Hùng Dũng ở chức chủ tịch khóa 8.

Với “mặt bằng” con người như vậy, liệu VFF có khả năng thay đổi tình trạng của bóng đá Việt Nam hiện nay không? Một lãnh đạo VFF khóa 6 sẽ không ứng cử tại khóa 7 nói thẳng “đừng có mơ”. Theo ông, tại VFF không thiếu những người có tâm huyết, nhưng những ý kiến đơn lẻ ấy nhanh chóng bị phủ quyết bởi số đông theo nguyên tắc tập trung đa số mà VFF vẫn đang áp dụng. “Số đông” ấy từ trước đến nay vẫn chỉ là những “nghị gật”, thiếu chính kiến và gần như phục tùng một số người. Thế là những người “ngoại đạo” muốn đem lại điều mới cho bóng đá Việt Nam, hoặc phải tự tạo “dây” cho mình để kiếm đủ phiếu biểu quyết, hoặc chấp nhận ngồi im cho hết nhiệm kỳ. Mà đã là “ngoại đạo” thì làm sao có đủ thời gian để xây dựng ê kíp cho mình khi 80% ủy viên BCH là “dân bóng đá”.

Thôi thì đành phải hy vọng ở những doanh nhân như ông Lê Hùng Dũng hay Đoàn Nguyên Đức sẽ có đủ quyền lực thay đổi cơ cấu làm việc hiện tại của VFF. Chỉ có điều người ta không hiểu 2 ông sẽ điều hành VFF ra sao khi thường xuyên vắng mặt tại trụ sở VFF đặt tại Mỹ Đình - Hà Nội và một thành phần ban chấp hành có đến hơn 60% số người đang ở trong tình trạng “sẵn sàng thất nghiệp” tại nơi họ đang làm việc.