V-League tụt xuống thứ 3 Đông Nam Á: Vì đâu nên nỗi?

Theo Hương Thùy/ TT&VHCập nhật 00:00 ngày 13/01/2013

V-League đang tụt lại so với các giải đấu khác trong khu vực Đông Nam Á. (Ảnh: V.S.I)

 Kể từ khi được Liên đoàn thống kê lịch sử bóng đá thế giới (IFFHS) đưa vào danh sách xếp hạng năm 2009, V-League đã từng lọt vào top 50, chính xác là vị trí thứ 41 trong top 100 giải VĐQG hàng đầu thế giới với sự góp sức đáng kể của B.Bình Dương, CLB lọt vào đến bán kết AFC Cup năm đó.

Thế nhưng theo công bố mới nhất của IFFHS thì năm 2012 V-League đã tụt xuống đứng thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á với vị trí thứ 87, xếp sau Thái Lan (thứ 49) và Malaysia (thứ 74).

Suy cho cùng đó là một kết quả tất yếu bởi căn cứ để IFFHS đưa ra xếp hạng của mình là dựa trên thành tích của các CLB ở giải quốc nội và trên đấu trường quốc tế. Mà trong năm 2012, V-League rơi vào khủng hoảng trầm trọng với vấn nạn trọng tài, bạo lực sân cỏ, tình trạng “một ông chủ 2 đội bóng”, cuộc chiến bản quyền truyền hình...

Chưa hết đến cuối năm, hàng loạt các ông bầu bỏ bóng đá khiến cho nhiều đội bóng phải giải thể hoặc chuyển giao. Tất cả tạo nên một bức tranh màu xám của V-League và khiến cho giải đấu hàng đầu của Việt Nam mất điểm không chỉ trong mắt của của IFFHS mà còn trong mắt của người hâm mộ bóng đá nước nhà.

Trong khi đó, thành tích tham dự quốc tế ở sân chơi quốc tế AFC Cup của 2 đại diện V-League là N.SG và SLNA đều sa sút nghiêm trọng so với các năm trước cũng như so với các đại diện của các giải VĐQG trong khu vực.

Năm 2009, Việt Nam có 2 đại diện ở AFC Cup là B.Bình Dương và HN.ACB. Ở mùa giải đó, B.Bình Dương đã thi đấu xuất sắc và lọt vào tốp 4 đội mạnh nhất và chỉ chịu dừng bước trước Al Karamah của Syria ở bán kết. Trong khi đó, chỉ có Thái Lan có đại diện lọt vào tứ kết là Chonburi (thua chính B.Bình Dương). Còn lại, các CLB của Singapore, Indonesia và Malaysia đều chỉ lọt vào vòng 16 đội.

Một năm sau, thành tích của các CLB Việt Nam ở AFC Cup bắt đầu đi xuống khi trong 2 đại diện thì một lọt vào tứ kết (SHB.ĐN), một lọt vào vòng 16 đội (B.Bình Dương). Trong khi đó, 2 đại diện của Thái Lan thì một lọt vào tứ kết (Thai Port), một lọt vào bán kết (Muangthong United). Tuy vẫn hơn các nước còn lại nhưng Việt Nam đã tụt xuống thứ 2 trong khu vực, sau Thái Lan.

Ở mùa giải 2011, các CLB Việt Nam lại tiếp tục lùi thêm một bước nữa. Trong số 2 đại diện ở AFC Cup thì chỉ có SLNA lọt vào vòng 16 đội còn HN.T&T thì bị loại ngay ở vòng bảng. Thành tích này bằng Singapore (có một đội lọt vào vòng 16 đội là Tampines Rovers) nhưng kém cả Indonesia lẫn Thái Lan. Trong khi Indonesia có một đội lọt vào vòng 16 đội (Sriwijaya), một lọt vào tứ kết (Persipura) thì cả 2 đại diện của Thái Lan đều lọt vào tứ kết (Chonburi và Muangthong United).

Còn ở mùa giải 2012, cả 2 đại diện của bóng đá Việt Nam là SLNA và N.SG đều sớm dừng bước ở vòng bảng, cho dù rơi vào những bảng đấu không phải là quá khó. Trong khi đó, các quốc gia khác Đông Nam Á đều có thành tích tốt hơn hẳn.

Singapore có một đội lọt vào vòng 16 đội (Home United), Indonesia có một đội lọt vào tứ kết (Arema), Malaysia có một đội vào tứ kết (Kelantan), một đội vào vòng 16 đội (Terengganu) còn đại diện của bóng đá Thái Lan lọt vào tới bán kết (Chonburi).

Vì thế, nếu chỉ căn cứ vào thành tích ở sân chơi quốc tế thì có lẽ năm 2012 V-League của chúng ta không chỉ đứng sau các giải VĐQG của Thái Lan, Malaysia mà còn cả Indonesia và Singapore.