đại hội XII của Đảng

Các giải pháp phát triển nhanh, bền vững cần đồng bộ

Quang Hiệu (Ban Thời sự)-Thứ bảy, ngày 23/01/2016 22:57 GMT+7

VTV.vn - Sáng 23/1, tham luận của đại biểu từ Đảng bộ một số địa phương cũng đã đóng góp ý kiến về những giải pháp phát triển kinh tế nhanh, bền vững, bảo đảm trật tự an toàn xã hộ

Tham luận của Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn đã đề cập đến việc phải đồng bộ các giải pháp phát triển đất nước nhanh và bền vững, chủ động và sẵn sàng đáp ứng yêu cầu hội nhập. Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn, trong nhiệm vụ tái cơ cấu ngân sách Nhà nước giai đoạn 2016 - 2020, cần bổ sung các chỉ tiêu liên quan đến cơ cấu ngân sách để đảm bảo ngân sách bền vững, phấn đấu cơ cấu thu ngân sách 80% là thu từ nội địa.

Bên cạnh đó, cũng phải tiết kiệm trong thu chi thường xuyên để dành ngân sách cho đầu tư phát triển, nâng tỷ lệ ngân sách dành cho đầu tư và trả nợ từ 12% lên 20 - 25% vào năm 2020.

Đi đôi với những giải pháp đó, còn phải đổi mới thể chế, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, cải cách toàn diện, triệt để, mạnh mẽ thủ tục hành chính, tạo môi trường cạnh tranh về kinh doanh phát triển để có nguồn thu bền vững.

Cũng trình bày tham luận về những giải pháp đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Văn Thành đặt câu hỏi, có thể áp dụng mô hình tăng trưởng chung cho cả nước được không? Đồng chí Lê Văn Thành phân tích, trên thực tế các địa phương có sự khác nhau rất xa về điều kiện kinh tế, các tỉnh miền núi và một số địa phương không có nhiều lợi thế thu hút đầu tư các dự án có chất lượng cao như các thành phố lớn, các thành phố cảng biển, do vậy, những địa phương còn khó khăn cần tập trung phát triển theo chiều rộng để thu hút mọi cơ hội đầu tư nhằm tạo việc làm cho người dân và chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế bảo đảm an sinh xã hội.

Về mô hình tăng trưởng, Hải Phòng chủ trương trong giai đoạn 2016- 2020 ưu tiên phát triển chiều sâu, từng bước giảm dần thu hút đầu tư một số ngành, lĩnh vực sử dụng lãng phí tài nguyên. Từ sau năm 2020, không phát triển các ngành sử dụng nhiều lao động ra công hiệu quả kinh tế thấp.

Với tham luận “Xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững”, Đồng chí Lê Trường Lưu, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế nhận định để kinh tế xã hội được phát triển bền vững, tăng trưởng xanh cũng là một mô hình hết sức phù hợp, gắn kết 3 thành tố quan trọng là kinh tế - xã hội - môi trường.

Nhận thức và đánh giá đúng được thế mạnh sẵn có đối với mô hình tăng trưởng xanh, thời gian tới Thừa Thiên-Huế tiếp tục xác định sẽ phát triển du lịch, dịch vụ là ngành kinh tế mũi nhọn, tạo nên một bản sắc văn hóa Huế độc đáo, qua đó nâng cao thu nhập đời sống của người dân.

Nguồn nhân lực chất lượng cao cũng là yếu tố không thể không nhắc đến trong việc thực hiện phát triển kinh tế nhanh và bền vững, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Cần Thơ Trần Thị Thanh Hiền trong bài tham luận bày tỏ quyết tâm xây dựng Cần Thơ là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho toàn vùng Đồng bằng Sông Cửu Long.

Thời gian tới, Cần Thơ sẽ chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng trong vùng giám sát nhu cầu lao động theo chiến lược phát triển kinh tế - xã hội dài hạn để có kế hoạch tổng thể sát với thực tế, hạn chế tình trạng lãng phí lao động hoặc sử dụng lao động không hiệu quả.

Tham luận phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc, tôn giáo để phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh trật tự vùng có đông đồng bào dân tộc, tôn giáo do đồng chí Sơn Thị Ánh Hồng, Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Trà Vinh nhấn mạnh những người có uy tín có vai trò rất quan trọng trong việc củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Tại tỉnh Trà Vinh thời gian qua, các thế lực thù địch tập trung tuyên truyền xuyên tạc lịch sử, kích động hận thù, gây mất ổn định chính trị trật tự an toàn xã hội. Tỉnh Trà Vinh kiến nghị Trung ương tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh trong vùng có đông đồng bào dân tộc.

Đến từ một tỉnh biên giới Tây Bắc, đồng chí Trần Văn Sơn, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên đã trình bày tham luận với chủ đề "Xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đảm bảo quốc phòng an ninh và tăng cường hoạt động đối ngoại với các tỉnh biên giới”.

Đồng chí Trần Văn Sơn đề kiến nghị Đảng, Nhà nước cần tiếp tục quan tâm hơn nữa về cơ chế, chính sách, giúp các tỉnh có biên giới có điều kiện mở rộng và tăng cường hoạt động đối ngoại; thúc đẩy hoạt động thương mại biên giới, khai thác tiềm năng, lợi thế của khẩu biên giới đất liền; tăng cường hợp tác trao đổi nắm tình hình; kết hợp chặt chẽ giữa quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới lãnh thổ, với khai thác có hiệu quả kinh tế đối ngoại, tiềm năng lợi thế cửa khẩu; xây dựng biên giới ổn định, hòa bình và phát triển.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước