Thủ tướng: Các Bộ, ngành cần nỗ lực để đạt những kết quả cao hơn nữa

Trung Kiên (Ban Thời sự)-Thứ năm, ngày 01/10/2015 20:18 GMT+7

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2015. (Ảnh: VGP)

VTV.vn - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu các Bộ, ngành từ nay tới cuối năm phải tiếp tục nỗ lực, cố gắng cao nhất để đạt được những kết quả cao hơn nữa.

Hôm nay (1/10), dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ đã tiếp tục phiên họp thường kỳ tháng 9. Phát biểu kết luận sau 2 ngày họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu các Bộ, ngành tinh thần chung từ nay tới cuối năm phải tiếp tục nỗ lực, cố gắng cao nhất để đạt được những kết quả cao hơn nữa, không thỏa mãn với những kết quả đạt được, cho dù tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm trong nước 9 tháng đầu năm đạt 6,5%, mức cao nhất trong 5 năm vừa qua.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhờ chỉ số giá tiêu dùng tháng 9 giảm 0,21% so với tháng trước nên chỉ số giá tiêu dùng từ đầu năm đến nay chỉ tăng 0,74%. Chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp nhưng Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định nền kinh tế không có dấu hiệu giảm phát, do tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đều tăng. Thu ngân sách đạt khá cao và tăng 7% so với dự toán. Nhìn chung, nền kinh tế đã có sự phục hồi rõ nét với tốc độ tăng trưởng của quý 3 đạt 6,81% đưa tốc độ tăng trưởng của 9 tháng lên đến 6,5%, mức cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Xuất khẩu đạt trên 120 tỷ USD, trong khi đó nhập siêu chỉ ở mức gần 4 tỷ USD, bằng 3,2% tổng kim ngạch nhập khẩu, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 5%. Trong khi đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt trên 17 tỷ USD, tăng 53% so với cùng kỳ năm ngoái còn số vốn giải ngân lên tới 10 tỷ USD.

Các thành viên Chính phủ cho biết, nếu xét theo bối cảnh năm nay có nhiều biến động rất mạnh như giá dầu giảm còn một nửa, Trung Quốc điều chỉnh tỷ giá đồng nhân dân tệ và có tốc độ tăng trưởng thấp hơn làm ảnh hưởng lớn đến nhiều nền kinh tế, song các nhà kinh tế nước ngoài đánh giá Chính phủ Việt Nam đã có phản ứng chính sách kịp thời, bình tĩnh và hiệu quả. Do vậy, khả năng năm nay sẽ hoàn thành toàn diện 14 chỉ tiêu là rất cao và nếu không có gì quá đột biến, tốc độ tăng trưởng kinh tế của năm nay sẽ cao hơn 6,5%.

Còn đối với những khó khăn của ngành nông nghiệp, các thành viên Chính phủ cho rằng, do nhu cầu của thị trường nông, thủy sản thế giới nhất là cao su, cà phê giảm nên nền nông nghiệp Việt Nam cũng phải chấp nhận thực tế này, hơn nữa do năm ngoái ngành nông nghiệp đạt mức tăng trưởng rất cao nên trong bối cảnh hiện nay khó duy trì được tỷ lệ tăng trưởng cao. Còn trong lĩnh vực du lịch, số khách nước ngoài đã tăng trở lại mấy tháng gần đây, tuy nhiên, do đầu năm số khách giảm mạnh nên chưa bù lại được.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, thị trường nông, thủy sản là khó khăn lớn nhất của nền kinh tế hiện nay, bên cạnh đó, với năng lực như hiện nay ngành chăn nuôi sẽ khó cạnh tranh khi thực hiện các Hiệp định thương mại tự do. Chính vì vậy, Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần chỉ đạo tái cơ cấu quyết liệt lĩnh vực này, vì đây là đời sống, thu nhập của nông dân và đóng góp trực tiếp vào tăng trưởng của nền kinh tế. Thủ tướng cũng yêu cầu các thành viên Chính phủ không được chủ quan mà phải nỗ lực hơn nữa với tinh thần cao nhất để hoàn thành các nhiệm vụ đặt ra cho năm nay.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các Bộ trưởng cần tăng cường chỉ đạo đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước theo hướng quyết liệt nhưng phải chặt chẽ để tránh gây thiệt hại cho nhà nước. Bên cạnh đó cần có giải pháp để doanh nghiệp trong nước phát triển nhanh hơn nữa, vừa thu hút thêm đầu tư nước ngoài. Vì trong bối cảnh hội nhập hiện nay nền kinh tế không thể đóng cửa với các nhà đầu tư nước ngoài để bảo vệ các doanh nghiệp trong nước.

Thủ tướng đề nghị Hội đồng chính sách tiền tệ quốc gia nghiên cứu thêm về lãi suất tiền đồng nhằm có giải pháp phù hợp hỗ trợ cho các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các Bộ trưởng cũng cần chỉ đạo thực hiện quyết liệt Nghị quyết 19 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nhất là trong lĩnh vực thuế, hải quan, tiếp cận đất đai và điện năng. Đề cập đến Dự thảo Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, Thủ tướng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư cập nhật lại tình hình thực tế đã tốt hơn năm ngoái rất nhiều cũng như phân tích nguyên nhân để đề ra giải pháp khắc phục báo cáo Quốc hội cho ý kiến. Theo dự thảo kế hoạch phát triển kinh tế xã hội cho nhiệm kỳ tới, Chính phủ đề ra mục tiêu tăng trưởng bình quân từ 6,5 đến 7% mỗi năm. Đến năm 2020 GDP bình quân đầu người đạt khoảng 3.680-3.740 USD.

Cũng tại phiên họp này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội khẩn trương ban hành tiêu chí giảm nghèo đa chiều đi liền với nguồn lực để thực hiện được các tiêu chí này. Cho ý kiến về báo cáo về Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia và tuyển sinh Đại học, Cao đẳng chính quy năm nay của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, về cơ bản kỳ thi tốt nghiệp trung học quốc gia là thành công. Thiếu sót lớn nhất là do truyền thông chưa tốt và Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo đã nghiêm túc rút kinh nghiệm. Do vậy, các đợt xét tuyển sau này đã khắc phục được các thiếu sót từ đợt 1. Thủ tướng khẳng định, kết quả của Kỳ thi trung học quốc gia năm nay là đúng đắn theo chủ trương của Trung ương Đảng và Chính phủ, được dư luận đồng tình. Nhưng Bộ Giáo dục và Đào tạo cần nghiêm túc nhìn nhận những thiếu sót, tồn tại để rút kinh nghiệm trong quá trình hoàn thiện phương án thi Trung học phổ thông quốc gia và xét tuyển sinh đại học, cao đẳng cho những năm tới, trong lộ trình đổi mới giáo dục đào tạo.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam  TV Online.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước