Bầu cử Quốc hội Mỹ - Dịch chuyển cán cân quyền lực

VTV News-Chủ nhật, ngày 09/11/2014 14:49 GMT+7

TS Đỗ Sơn Hải (phải) trao đổi trong chương trình "Toàn cảnh thế giới"

Đây là những nội dung chính được TS Đỗ Sơn Hải - Trưởng Khoa Chính trị Quốc tế Học viện Ngoại giao - phân tích trong chương trình “Toàn cảnh thế giới” sáng 9/11.

Ngày 4/11 vừa qua, cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ đã đem lại quyền kiểm soát cả hai Viện của Quốc hội cho Đảng Cộng Hòa. Lần đầu tiên kể từ năm 2006, Đảng Dân Chủ đã để mất quyền kiểm soát Thượng Viện về tay Đảng Cộng Hòa. Đây sẽ là trở ngại lớn cho chính quyền của Tổng thống Obama khi phải đối diện với một Quốc hội đối lập trong suốt 2 năm cuối của nhiệm kỳ. Như vậy, cả hai Đảng đều đang nắm trong tay “quân át chủ bài” riêng cho mình và sẽ khó phân thắng bại nếu không có một sự thỏa hiệp.

Với đa số phiếu bầu, Đảng Cộng Hòa đã nắm quyền kiểm soát cả hai Viện của Quốc hội

Với đa số phiếu bầu, Đảng Cộng Hòa đã nắm quyền kiểm soát cả hai Viện của Quốc hội

Nhận định về hướng đi tiếp theo của Tổng thống Obama với thế “thiểu số” trong Quốc hội hiện nay, TS Đỗ Sơn Hải cho rằng: “Tôi nghĩ không phải chỉ Tổng thống Obama với sự thất cử của bên phe Dân Chủ của ông tại cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vừa rồi, mà ngay cả bên Đảng Cộng Hòa cũng sẽ có những sự nhân nhượng thỏa hiệp. Nói cách khác, cả hai phía đều đang có những vấn đề tương đối giống nhau. Tóm tắt lại, có 3 vấn đề lớn: Vấn đề thứ nhất, tất cả những việc làm trong 2 năm tới dường như là để chạy đà, chuẩn bị cho cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016. Vấn đề thứ hai, mặc dù Tổng thống Obama đưa ra những chính sách không sai, tuy nhiên sự triển khai còn chậm, vì vậy cần có một sự thay đổi, cần hai bên thỏa hiệp. Vấn đề thứ ba chính là đặc điểm của hệ thống chính trị Mỹ: Cân bằng và Kiểm soát”.

Khi được hỏi về những điều chính quyền của Tổng thống Obama có thể làm trong 2 năm cuối cùng của nhiệm kỳ và sự tác động đối với những chính sách của ông, đặc biệt là chính sách đối ngoại, TS Đỗ Sơn Hải cho biết: “Tuy rằng thời gian chỉ còn 2 năm, nhưng Tổng thống Obama không thể cứ khoanh tay ngồi nhìn. Nếu ông chỉ dừng lại, chỉ tỏ ra chán nản, dư âm sẽ để lại rất xấu cho Đảng Dân Chủ trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016. Nếu như Đảng Cộng Hòa ngăn cản nhiều quá, họ cũng sẽ phải chịu cái giá cho cuộc bầu cử năm 2016. Trên cơ sở đó, việc giải quyết vấn đề đối ngoại liên quan đến vấn đề đối nội rất nhiều. Dường như Tổng thống không có ý né tránh việc đối nội nhưng ông vẫn sẽ sử dụng quyền hành pháp của mình. Nói cách khác, Tổng thống Obama đã gửi ra một thông điệp là “tôi sẽ làm tròn hết trách nhiệm với cương vị là nhà lãnh đạo cao nhất của nước Mỹ trong vòng 2 năm để hướng nước Mỹ tới một tương lai, hoàn thành các nhiệm vụ”. Nếu như Thượng Viện và Hạ Viện phản ứng trái chiều với thông điệp này, cử tri sẽ có dịp đánh giá rõ ràng. Trong 2 năm đó, tôi cho rằng Tổng thống Obama sẽ giải quyết khá nhiều vấn đề trong nước. Dường như sự cọ xát đó có thể chính là thước đo để cử tri Mỹ có dịp cân nhắc trong vòng 2 năm rằng Tổng thống không dừng lại hay chán nản sau thất bại của cuộc bầu cử này mà ngược lại, ông rất tích cực, thậm chí đề nghị bên Quốc hội có những hợp tác chặt chẽ hơn”.

TS Đỗ Sơn Hải - Trưởng Khoa Chính trị Quốc tế, Học viện Ngoại giao

TS Đỗ Sơn Hải - Trưởng Khoa Chính trị Quốc tế, Học viện Ngoại giao

Bàn luận về chính sách “Xoay trục Châu Á sang khu vực Châu Á - Thái Bình Dương” của Tổng thống Obama, TS Đỗ Sơn Hải có chút phân vân: “Đúng là ông Obama đã khẳng định quyết tâm thực hiện những nhiệm vụ nhà lãnh đạo phải làm trong 2 năm tới, tuy nhiên nếu chính sách căng thẳng quá sẽ ảnh hưởng đến phía Quốc hội và có thể có những thất bại, bế tắc. Tôi nghĩ rằng thời gian tới, chính sách xoay trục vẫn tiếp tục theo đà đó và hầu như không có sự thay đổi”.

Đối với vấn đề chiến trường Mỹ bị tê liệt bởi tình trạng bất đồng giữa Quốc hội và Chính quyền tại Mỹ, TS Đỗ Sơn Hải cho rằng: “Cả hai Đảng đều có những chỉnh sửa: Đối với phía Đảng Dân Chủ, đây là một bài học xương máu, muốn thắng cử ở 2016 thì họ phải có những điều chỉnh. Đối với Đảng Cộng Hòa, họ cũng phải rút kinh nghiệm bởi chiến thắng này không có nghĩa là tất cả và chưa chắc đến năm 2016 họ sẽ thắng cử nhờ chiếm đa số tại Quốc hội. Tôi nghĩ rằng chiến trường ở Mỹ đi vào ổn định hơn là bất đồng, bế tắc”.

Về việc tận dụng cơ hội chiến thắng của Đảng Cộng Hòa, TS Đỗ Sơn Hải cho biết: “Tôi nghĩ rằng họ sẽ tận dụng sự đa số của mình để thông qua dự luật Hạ Viện cũng như Thượng Viện nhanh hơn. Tuy nhiên, những dự luật này cũng cần Tổng thống thông qua. Theo tôi nghĩ, một mặt họ sẽ thông qua những dự luật, nhưng những dự luật này sẽ được làm mềm đi. Đảng Cộng Hòa sẽ tận dụng lợi thế của mình ở cả hai Viện để đàm phán với Tổng thống và gây sức ép với Tổng thống. Tuy nhiên, lợi thế này dùng để đàm phán hơn là gây sức ép”.

Khi được hỏi về tác động từ kết quả của cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ lần này tới cuộc chạy đua vào năm 2016, TS Đỗ Sơn Hải cho rằng: “Như tôi đã nói, cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ này có ý nghĩa như một bước chạy đà, chuẩn bị cho cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016. Tôi nghĩ nhiều đến cuộc bầu cử vào năm 2016 hơn là kết quả ở lưỡng Viện”.

Để lắng nghe chi tiết những phân tích của TS Đỗ Sơn Hải trong chương trình "Toàn cảnh thế giới" về các vấn đề này, các bạn có thể theo dõi qua video dưới đây:

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước