Ý nghĩa của việc ban hành quy chế giám sát và phản biện xã hội

Trung Khánh-Thứ sáu, ngày 24/01/2014 20:03 GMT+7

Hội nghị lần thứ 13 Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (khóa VII). (Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN)

Chỉ hai tuần sau khi Quốc hội thông qua Hiến pháp sửa đổi năm 2013, vào ngày 12/12/2013, Bộ Chính trị đã ban hành quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị xã hội, quy định việc MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng và xây dựng chính quyền.

Một tháng sau, ngày 11/01/2014, Ban Dân vận Trung ương đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt và triển khai các quyết định trên của Bộ Chính trị. Có thể nói chưa bao giờ, việc cụ thể hóa một nội dung của Hiến pháp lại được triển khai nhanh chóng như nội dung giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam.

Giờ đây, MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị xã hội đã có đầy đủ chức năng, nhiệm vụ và quy chế để thực hiện nhiệm vụ của mình.

Nói về ý nghĩa của việc ban hành quy chế này, bà Trần Thị Bích Thủy, Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương cho biết có ba ý nghĩa lớn. Thứ nhất, đó là sự cụ thể hóa cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ và cũng là sự đổi mới về phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị xã hội.

Việc ban hành quy chế giám sát và phản biện xã hội là tiền đề để MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị xã hội làm tốt hơn chức năng đại diện và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp nhân dân, của đoàn viên, hội viên của tổ chức mình; là phương thức để mở rộng dân chủ, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Đây cũng chính là điều kiện để MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị xã hội đổi mới nội dung phương thức hoạt động của mình – một ý nghĩa hết sức quan trọng.

Ý nghĩa thứ ba đó là nhân dân có điều kiện góp phần xây dựng các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đảm bảo được tính đúng đắn, sát với thực tiễn khi các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước được thực thi sao cho hợp lòng dân và khả thi.

Việc ban hành quy chế lần này sẽ tăng cường chức năng giám sát mà từ xưa tới nay MTTQ Việt Nam vẫn làm. Nói về vấn đề này. ông Nguyễn Thiện Nhân, ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam đưa ra giải thích rõ hơn: “Lâu nay, MTTQ Việt Nam có thể cùng đi giám sát với các đoàn của Đại biểu Quốc hội của HĐND, nhưng tổ chức đoàn giám sát riêng và kết quả đó được phản hồi rõ ràng là chưa có cơ chế.

Cơ chế ổn định vừa qua đó là 6 tháng một lần, HĐND các cấp và Quốc hội họp, MTTQ có một báo cáo về ý kiến của nhân dân và cử tri trong đó nêu ra những vấn đề nhân dân hoan nghênh về phát triển đất nước, nêu bức xúc của nhân dân, nêu kiến nghị về sửa đổi chính sách cũng như xác định các việc cần làm ngay. Sau khi MTTQ đã trình bày, HĐND và Quốc hội tiếp thu đến đâu, trả lời tới đâu thì không có văn bản chính thức với kiến nghị đó.

Nhưng với kiến nghị này, HĐND và Quốc hội phải có văn bản trả lời. Quy chế xác định rõ một năm tại hai kỳ họp HĐND và Quốc hội, sau khi MTTQ gửi báo cáo giám sát, các cấp ủy HĐND và Quốc hội có trách nhiệm chỉ đạo xem xét kiến nghị đó và có những ý kiến trả lời với cơ quan giám sát. Đây là cơ chế đảm bảo ý kiến người dân được nghe đến cùng, sau đó MTTQ lại tiếp tục theo dõi kết quả thực hiện đến đâu. Đây là cơ chế làm cho việc giám sát thực sự có hiệu quả”.

Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, mời quý độc giả theo dõi video dưới đây:

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước