Hiểm họa từ việc sơ cứu sai cách cho người gặp tai nạn

Tuấn Hải - Thu Hiền - Đức Tiến (Trung tâm Tin tức VTV24)-Thứ tư, ngày 22/11/2017 14:08 GMT+7

VTV.vn - Phần lớn người dân hiện còn thiếu những kỹ năng sơ cứu dẫn đến tình trạng người bị nạn không được sơ cứu ban đầu hoặc sơ cứu không đúng cách.

Mỗi ngày tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tiếp nhận hơn 100 ca cấp cứu, trong đó có đến 70 - 80% là tai nạn thương tích. Điều đáng nói là không ít người bị nạn không được sơ cứu ban đầu hoặc sơ cứu không đúng cách, trong đó có trường hợp bệnh nhân Đào Tuyết Anh - người bị tai nạn giao thông ở Thái Nguyên.

Anh Đào Anh Tùng - người nhà bệnh nhân Đào Tuyết Anh - cho biết: "Khi người nhà của tôi bị tai nạn, người dân gần đó bắt taxi đưa thẳng xuống viện, không ai sơ cứu được. Bản thân chúng tôi là người nhà cũng không biết sơ cứu như thế nào".

"Phần lớn bệnh nhân được đưa thẳng từ địa điểm tai nạn vào Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đều không được sơ cứu. Bệnh nhân được chuyển đến bệnh viện hoàn toàn không có những phương tiện cố định tay hoặc chân bị gãy", bác sĩ Nguyễn Hải Nam, Trưởng kíp trực cấp cứu, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Hà Nội, cho hay.

Hiểm họa từ việc sơ cứu sai cách cho người gặp tai nạn - Ảnh 1.

Nếu sơ cứu đúng cách sẽ cứu sống được 1.000 nạn nhân TNGT mỗi năm.

Không chỉ thiếu kỹ năng sơ cứu ban đầu, nhiều người khi phát hiện người thân gặp tai nạn còn rơi vào tình trạng hoảng loạn, lo lắng, không đủ bình tĩnh để xử lý tình huống. Trường hợp tai nạn ngã cầu thang của ông Nguyễn Hữu Sơn (Bắc Ninh) là một trong số đó.

Anh Nguyễn Hữu Long - người nhà bệnh nhân Nguyễn Hữu Sơn - cho biết: "Khi tai nạn xảy ra, gia đình tôi lúc đó rất bối rối, không biết sơ cứu bằng cách nào. Việc đầu tiên chúng tôi nghĩ đến là gọi anh em đến thật nhanh để đưa người bị nạn vào bệnh viện".

Các bác sĩ cho biết, khi người bị nạn không được sơ cấp cứu ban đầu hoặc sơ cấp cứu không đúng cách sẽ dẫn tới nguy cơ bệnh càng trầm trọng hơn, thậm chí để lại hậu quả vô cùng đáng tiếc.

PGS.TS. Nguyễn Xuân Hùng, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Hà Nội, nói: "Có những trường hợp vì bệnh nhân không được phát hiện đầy đủ về thương tích để hỗ trợ y tế ngay từ đầu nên đã dẫn đến tử vong".

Một nghiên cứu của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức trên 300.000 nạn nhân nhập viện vì tai nạn giao thông từng chỉ rõ chỉ có 5 - 10% bệnh nhân được sơ cứu tại chỗ. Trong khi đó, theo tính toán của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, nếu được cấp cứu kịp thời và đúng cách, có thể giảm được 10% số người bị chết do tai nạn giao thông, tương ứng khoảng 1.000 nạn nhân mỗi năm.

VIDEO: Sơ cứu người bị tai nạn giao thông VIDEO: Sơ cứu người bị tai nạn giao thông

Trang bị những kỹ năng sơ cứu người bị tai nạn là rất cần thiết để cứu người bị tai nạn, giảm thiểu được mức độ thương vong đáng tiếc.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước