Làng cổ Đường Lâm vẫn loay hoay giữa bảo tồn và phát triển

Trung tâm Tin tức VTV24-Thứ sáu, ngày 13/04/2018 14:28 GMT+7

VTV.vn - Những giải pháp để phát triển du lịch và bảo tồn di tích ở Đường Lâm đã được nói đến rất nhiều nhưng sau bao năm, gần như chưa có giải pháp nào thành hiện thực.

Dù đã hơn 10 năm được công nhận danh hiệu làng cổ cấp quốc gia, nhưng đến nay du lịch làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) vẫn ì ạch trên con đường phát triển. Nếu nhắc đến những yếu tố giúp du lịch Đường Lâm phát triển bền vững để giải quyết được những khúc mắc của người dân có 3 vấn đề cần phải đặc biệt lưu tâm đó là môi trường, văn hóa và kinh tế.

Đối chiếu cả 3 yếu tố này, chưa có tiêu chí nào Đường Lâm có thể đáp ứng được. Dù đang hết sức ì ạch trong quá trình phát triển nhưng hàng năm, làng cổ Đường Lâm vẫn đón khoảng 17.000 lượt khách tới thăm quan, du lịch.

Một bài toán nhỏ ở đây mà chúng ta có thể thực hiện ngay là: Hiện tại, vé thăm quan di tích làng cố có giá từ 10.000 - 20.000 đồng/lượt. Nhân con số này với 17.000 lượt du khách thì số tiền thị xã Sơn Tây thu được chỉ khoảng 2 tỷ đồng/năm. Khoản tiền ít ỏi này không những không được tái đầu tư cho du lịch, mà theo đại diện Ban Quản lý làng cổ Đường Lâm, số tiền còn chưa đủ để trả lương cho cán bộ của ban quản lý.

Eo hẹp về mặt chi phí nên số tiền được dùng để phát triển du lịch và tạo ra những dịch vụ mới nhằm thu hút du khách gần như không có. Chỉ có một số tiền được chi đều đặn hàng năm đó là tiền ngân sách chi cho việc tu bổ và tôn tạo di tích của UBND thành phố Hà Nội và thị xã Sơn Tây. Cụ thể, trong giai đoạn 5 năm, từ năm 2015 - 2020, ngân sách thành phố đã quyết định chi 20 tỷ đồng để tu bổ cho 40 ngôi nhà cổ bị xuống cấp. 

Không phải tất cả người dân ở Đường Lâm đều được hưởng lợi từ di sản nhà cổ, thế nhưng, đa phần lại đều phải tuân thủ theo quy định của Ban Quản lý di tích và Luật Di sản. Trong đó có việc, dù nhà cổ có xuống cấp thì người dân cũng không được tự ý sửa mà phải đợi cơ quan chức năng có đủ kinh phí để tu bổ. 

Thực tế này đã làm phát sinh nhiều vấn đề khi ngân sách thì có hạn, cuộc sống người dân ngày càng phát triển. Gần 10 năm qua, UBND xã Đường Lâm vẫn chưa triển khai có hiệu quả việc giãn dân trong khu vực làng cổ. Kết quả, mỗi người lại phải tự tìm cho mình một cách khác nhau để đảm bảo cuộc sống.

Ở Đường Lâm, hiện có 99 ngôi nhà cổ có niên đại từ 100-400 năm tuổi đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Nhưng đến nay mới chỉ có khoảng 1/4 số nhà được tôn tạo. Dù mới chỉ trùng tu được 5 năm, nhưng có nhiều ngôi nhà cổ lại đang xuống cấp, khiến người dân không muốn tiếp tục sinh sống và sử dụng. 

Gần đây, có trường hợp người dân tự tháo dỡ nhà cổ 200 năm tuổi để phản đối sai sót của chính quyền địa phương trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Những thực trạng này đang gây lãng phí lớn cho nguồn ngân sách của Nhà nước.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước