t

uối thập niên 1980, Apple đang hồi sinh mạnh mẽ. Dưới quyền John Sculley, Apple không còn bất ổn định như thời Steve Jobs mà đã hoạt động bài bản hơn rất nhiều. Trong lúc Bill Gates vẫn chưa kịp hoàn thiện Windows, thành công của Macintosh, thành tựu cuối cùng của Jobs trước khi bị Sculley sa thải, đã giúp cho Apple vươn lên đỉnh cao của ngành hi-tech.

John Sculley

Nhưng cũng giống như Apple của ngày hôm nay sống chết bằng iPhone, Apple của những năm 80 phải sống nhờ vào Macintosh. Khi doanh số Mac bão hòa, Apple sẽ rơi vào cảnh khốn đốn.

John Sculley hiểu rõ rằng Apple không được phụ thuộc vào Mac. Năm 1986, Sculley nảy sinh một ý tưởng có thể giúp thay thế cả Mac lẫn PC để tạo ra một nền tảng điện toán mới: một chiếc máy tính bảng có trí thông minh nhân tạo siêu việt để thực sự giúp ích cho người dùng. Nói cách khác, một "thiết bị số hỗ trợ cá nhân" đúng nghĩa.

Ý tưởng Knowledge Navigator

Tình cờ, một kỹ sư tài năng dưới trướng Apple cũng đang mang một ý tưởng tương tự.

Cha đẻ thực sự của Newton và của điện toán cảm ứng là Steve Sakoman, cũng là tác giả của một trong những chiếc laptop đầu tiên trên thế giới, HP Portable. Ngay từ khi vẫn còn làm việc cho HP vào đầu những năm 1980, Sakoman đã tin rằng màn hình chạm cùng các phần mềm nhận diện chữ viết sẽ sớm thay thế cho bàn phím để trở thành phương tiện nhập liệu chủ chốt của tương lai.

HP không tin vào tầm nhìn của Sakoman. Năm 1984, ông chuyển về Apple khi được Steve Jobs mời phát triển những chiếc laptop gắn mác Táo đầu tiên. Đến khi Jobs bị Sculley hạ bệ, các dự án laptop bị hủy bỏ và Sakoman bị điều sang phát triển các phiên bản Mac cỡ lớn.

Chán ngán với công việc mới, Sakoman bèn tìm cách tách khỏi Apple và tự thành lập một công ty sản xuất máy tính cầm tay. Huyền thoại công nghệ này còn kéo theo cả Jean Louis Gassée – người lãnh đạo bộ phận Macintosh sau khi Steve Jobs rời Apple – về làm CEO cho công ty mới của mình.

Jean Louis Gassée

Ban lãnh đạo của Apple vội vã đâm đơn kiện công ty của Sakoman. Nhằm hòa giải giữa hai bên, Gassée bèn đề xuất với Sculley cho phép Sakoman tự thực hiện một dự án "máy tính cầm tay" của riêng mình dưới chướng Apple. Chẳng mảy may quan tâm xem chiếc "máy tính cầm tay" đó là gì, Sculley bật đèn xanh cho dự án mới.

Với cảm hứng từ logo đầu tiên của Apple là hình ảnh Isaac Newton ngồi dưới một cây táo, Sakoman quyết định đặt tên cho chiếc máy tính cầm tay của mình là Newton. Cũng giống như đội ngũ Macintosh đầu tiên dưới quyền Steve Jobs, đội ngũ Newton của Sakoman rời bỏ đại bản doanh Apple để tìm đến một nhà kho bỏ hoang tại Bubb Road, Cupertino nhằm tập trung phát triển ý tưởng mới.

Với cảm hứng từ logo đầu tiên của Apple là hình ảnh Isaac Newton ngồi dưới một cây táo, Sakoman quyết định đặt tên cho chiếc máy tính cầm tay của mình là Newton. Cũng giống như đội ngũ Macintosh đầu tiên dưới quyền Steve Jobs, đội ngũ Newton của Sakoman rời bỏ đại bản doanh Apple để tìm đến một nhà kho bỏ hoang tại Bubb Road, Cupertino nhằm tập trung phát triển ý tưởng mới.

Số phận có những trò đùa rất trớ trêu, và cũng giống như iPhone, hình hài ban đầu của Newton không phải là máy cầm tay mà là máy tính bảng. Theo ý tưởng ban đầu, Newton sẽ có kích cỡ bằng giấy A4, có thể nhận diện chữ viết và một giao diện tương tác hoàn toàn mới. Phiên bản mẫu đầu tiên của Newton có tên gọi Figaro.

Như bất kỳ một ý tưởng đột phá nào khác, dự án Newton nhanh chóng phình to một cách mất kiểm soát. Các kỹ sư của Sakoman thoải mái nhồi nhét tính năng vào Figaro, ví dụ như màn hình LCD (hãy nhớ đây là thập niên 80) hay kết nối hồng ngoại. Hàng chục bản mẫu phần cứng ra đời nhưng phần mềm thì vẫn đầy lỗi. Đáng lo nhất, Figaro vẫn chưa thể nhận diện chữ viết tay, vốn là tính năng cốt lõi nhất trong ý tưởng Newton.

Nguyên mẫu Figaro đầu tiên

Số phận lại can thiệp vào cuộc đời của Newton một cách kỳ lạ. Trong một đêm công tác tại Moskva, vị phó tổng của Apple lúc đó là Al Eisentat bỗng nghe thấy những tiếng gõ cửa vội vã. Ngoài cửa là một người lạ mặt đang hoảng sợ nhìn ra xung quanh vì sợ bị theo dõi. Người này đưa cho Eisentat một chiếc đĩa mềm chứa thuật toán nhận diện chữ viết rồi cất bước bỏ chạy.

Khi trở về Mỹ, vị phó tổng Apple chuyển chiếc đĩa mềm lại cho Sakoman. Thuật toán nhận diện của người Xô-viết lạ mặt kia tỏ ra tương đối chính xác và thậm chí còn biết "tự học" để tương thích với các kiểu chữ viết khác nhau.

Được cởi trói về công nghệ, Newton đối mặt với thử thách tiếp theo: Pocket Crystal, chiếc máy tính cầm tay do bộ phận "con cưng" của Gassée là ATG phát triển.

Số phận mỉm cười với Newton khi mức tăng trưởng doanh số của Macintosh đột ngột giảm... 95% còn 10 triệu USD trong năm 1990. Sculley đã vô tình trao quyền cho Microsoft được copy hệ điều hành Mac, và nhờ có Windows 2.0 đã lột xác so với Windows 1.0, các nhà sản xuất PC giá rẻ như Compaq, Gateway và Dell bắt đầu lấn át Apple. Bất chấp tình thế bất lợi này, Gassée vẫn kiên quyết bảo vệ chiến lược "giá cao – lời khủng" dành cho Mac, vì cuối cùng thì gần như toàn bộ các khoản lãi lớn của Apple vẫn sẽ đổ về bộ phận Macintosh của Gassée. Bất chấp sự phản đối của Gassée, Apple ra mắt một chiếc Mac Classic giá rẻ và... bất ngờ thành công.

Mac Classic

Thành công của Mac Classic khiến Gassée mất đi vị thế tại Apple. Đầu năm 1990, Sculley bổ nhiệm Michael Spindler vào vị trí COO, phát đi tín hiệu rằng tương lai của Gassée tại Apple đã chấm dứt (Tim Cook đã từng là COO trong nhiều năm trước khi được Steve Jobs trao lại ghế CEO). Tháng 3/1990, Gassée kéo theo Sakoman rời bỏ Sculley để thành lập một công ty mới có tên gọi Be Inc.

Ngay cả khi không còn Gassée, dự án Pocket Crystal vẫn là một mối đe dọa rất lớn tới Newton do được sự hậu thuẫn của nhiều tên tuổi lớn từ phe Macintosh. Một lần nữa, định mệnh lại can thiệp, biến vị thế đối đầu với Pocket Crystal thành cơ hội tỏa sáng cho Newton. Khi phó chủ tịch Apple là Larry Tesler được Sculley cử đi "cóp nhặt" các tính năng từ Figaro về dùng cho Pocket Crystal, ông đã bị thuyết phục bởi sự hấp dẫn của chiếc Figaro có tới 3 vi xử lý, thời lượng pin nhiều... tuần và trọng lượng "chỉ" khoảng 3.5kg.

Gassee và Sakoman bỏ Apple để thành lập Be Inc

Một vài bài trình diễn sau đó đã giúp cho Newton thu phục được cả Tesler, Sculley lẫn Michael Tchao, giám đốc marketing của Apple. "Nhà vua" Sculley tỏ ra âu yếm Newton hơn cả, bởi chiếc tablet này hoàn toàn giống với ý tưởng mà ông đã từng hy vọng sẽ thay thế Macintosh thành nguồn sống cho Táo: một cỗ máy đủ thông minh để dự đoán hành vi của người dùng và chủ động thực hiện các tác vụ cần thiết.

Ví dụ, Newton có thể tự động lọc mail, gắn tên gọi trong email vào danh bạ, lục tìm thông tin thời gian và chủ động yêu cầu người dùng xác nhận lịch hẹn.

Nếu bạn cảm thấy quen thuộc khi đọc tên những tính năng kể trên thì lý do là bởi chúng đều là những điểm hấp dẫn nhất được Apple, Google và Microsoft mang ra quảng bá cho trợ lý ảo trong những năm gần đây. Thật lạ lùng, ngay cả một Apple đang bệ rạc vì đấu đá nội bộ và cũng không có Steve Jobs vẫn có thể nghĩ ra những ý tưởng đi trước thời đại tận 20 năm.

Một mặt, Sculley "đuổi khéo" bộ sậu Pocket Crystal ra thành lập một công ty riêng có tên gọi là General Magic. Mặt khác, vị CEO của Táo đưa Newton vào giai đoạn phát triển chính thức và yêu cầu nhóm Sakoman phải hoàn thiện một chiếc Newton có giá dưới 1.500 USD trước thời điểm 12/4/1992.

Larry Tesler

Ý tưởng Newton lúc này đã được phát triển thành 3 bản mẫu khác nhau. Ra mắt đầu tiên là chiếc Figaro phóng đại có tên gọi Senior, kích cỡ tương đương giấy A4 và giá thành khoảng 5.000 USD. Một năm sau, phiên bản Newton cỡ trung ra mắt và nhanh chóng bị loại bỏ. Phiên bản mẫu cuối cùng là Junior với kích cỡ nhỏ gọn.

Đây là lúc nội bộ Newton lục đục. Tesler muốn lựa chọn Senior với quan điểm rằng một sản phẩm nhỏ bé và "kém cỏi" như Junior sẽ tạo ra tiền lệ xấu cho nền tảng Newton. Ngược lại, Tchao khẳng định một chiếc tablet đắt đỏ như Senior sẽ khiến Newton không thể hấp dẫn được người tiêu dùng phổ thông, nguồn sống chủ yếu của Apple.

Newton Junior (trên), vừa (dưới, trái) và Senior (dưới, phải)

Cuối cùng, Tchao dùng chính những thế mạnh của Senior để hạ bệ Tesler. Trong một chuyến bay cùng với John Sculley, Tchao hết lời chỉ trích nhóm Senior chỉ muốn theo đuổi các công nghệ viển vông thay vì phát triển ra một sản phẩm có tính thực tế: một trong những tính năng vượt trội của Senior so với Junior là khả năng kết nối không dây qua hồng ngoại sẽ không thể hoạt động trong môi trường quá nhiều ánh sáng, buộc người dùng phải... tắt đèn để sử dụng! Sculley đồng ý với Tchao, và chẳng mấy chốc Tesler nhận lệnh khai tử Senior để tập trung vào Junior.

Với mục tiêu được xác định, các kỹ sư của Apple bắt tay vào làm việc với sự hứng khởi không thua kém gì đội ngũ Mac dưới thời Steve Jobs. Họ tin rằng chiếc Newton "nhỏ bé" sẽ thay đổi cả thế giới.

Những con người này sẽ sớm nhận gáo nước lạnh đầu tiên: một nền tảng mới như Newton đòi hỏi một hệ điều hành mới, hiện đang có tên gọi là Pink. Bản thân Pink cũng đi kèm một ngôn ngữ lập trình mới có tên gọi Ralph.

Chipset AT&T Hobbit

Đi kèm với Ralph là độ phức tạp nằm ngoài khả năng xử lý của chip Hobbit. Lúc này, thay vì sử dụng 3 chip Hobbit theo thiết kế Figaro ban đầu, Newton Junior chỉ dùng một chip duy nhất để tiết kiệm pin và giảm chi phí.

Cùng lúc, chủ sở hữu của Hobbit là nhà mạng AT&T yêu cầu Apple trả thêm 1 triệu USD để hoàn thiện sản phẩm. Không muốn mất thêm tiền cho một con chip yếu đuối, Tesler khăn gói tìm tới một công ty nhỏ tại Anh là ARM.

Ở thời điểm hiện tại, mỗi năm có khoảng 1,5 tỷ con chip sử dụng thiết kế của ARM được bán ra trên thị trường.

Khi được Apple "phát hiện" vào năm 1990, ARM (Acorn RISC Machine) mới chỉ là một bộ phận nhỏ thuộc nhà sản xuất máy tính Acorn, được thành lập chỉ vì Intel không chịu cung cấp bản mẫu miễn phí cho Acorn phát triển PC. Thành tựu đầu tiên của ARM là một con chip có hiệu năng tương đương với chip Motorola 68000 trên máy Mac nhưng chỉ cần một nửa số bán dẫn. Nhờ đó, chip ARM có thể giảm thiểu điện năng tiêu thụ và nhiệt lượng, một tôn chỉ quan trọng giúp ARM có thể đánh bại Intel 20 năm sau.

Nhận thấy tiềm năng di động, ngày 9/8/1990, Apple mua lại 43% cổ phần của ARM. Với sức mạnh vượt trội, ARM6 thay thế Hobbit trở thành vi xử lý cho Newton.

Acorn Archimedes
ARM1

Ấy vậy mà ARM6 vẫn không đủ sức hỗ trợ Ralph. Cực chẳng đã, các kỹ sư của Apple phải tiến hành cắt giảm Ralph thành một phiên bản mới có tên "Dylan" và nhanh chóng bị kiện bởi huyền thoại nhạc Folk Bob Dylan do... trùng tên. Dù sao, bắt đầu từ thời điểm này, Apple đã chính thức gắn bó với ARM.

Bản mẫu đầu tiên của MessagePad

Biến cố của Hobbit và ARM cho thấy một sự thật quan trọng: tầm nhìn Newton mang tới một khối lượng công việc khổng lồ, khó ước tính và cực kỳ rủi ro cho Apple. Để giảm thiểu rủi ro, Apple muốn biến Newton thành một nền tảng điện toán không giới hạn vào một nhà sản xuất duy nhất. Sau khi bỏ qua Matsushita và Sony, Apple chọn Sharp làm đối tác đầu tiên để sản xuất chiếc MessagePad, phiên bản hoàn thiện đầu tiên của Newton Junior.

Cùng lúc, cuộc hồi sinh Apple-hậu-Steve-Jobs đã hoàn thành tốt đẹp và John Sculley đang được coi là ngôi sao sáng của thế giới công nghệ. Năm 1991, ông tích cực tham gia vận động tranh cử cho ứng viên tổng thống Đảng Dân Chủ Bill Clinton. Bằng cách này, nhà lãnh đạo của Apple đã ngấm ngầm trở thành người đại diện của Thung lũng Silicon trên trường chính trị Hoa Kỳ.

Tận dụng vị thế mới, Sculley hết lời tô vẽ cho vai trò quan trọng của "thiết bị số hỗ trợ cá nhân" trong tương lai điện toán. Tại CES Las Vegas diễn ra vào ngày 7/1/1992, Sculley đưa ra dự đoán rằng thị trường phần cứng, phần mềm cho PDA sẽ đạt gaiá trị 3 nghìn tỷ đô vào cuối thập niên 90. Báo giới phát cuồng vì tuyên bố "ông vua" đang cai trị Thung lũng Silicon.

Sculley ngồi cạnh Hillary Clintoan trong lễ phát biểu của Bill Clinton.

Cao hứng, nhà lãnh đạo của Apple đặt ra kế hoạch giới thiệu Newton tới thế giới tại CES Chicago sắp sửa diễn ra vào mùa hè. Cho dù CES Chicago diễn ra khá lâu sau hạn định ban đầu của Sculley (2/4/1992), các kỹ sư của Apple vẫn phát hoảng vì kế hoạch mới. Ngôn ngữ lập trình Ralph bị loại bỏ khiến cho toàn bộ phần mềm của Newton phải được thiết kế lại từ đầu. Đội ngũ dưới quyền Tesler và Capps lao đầu vào làm việc tới mức những chiếc máy Newton của Apple sẽ luôn ở trạng thái nóng bỏng tay.

May mắn thay cho họ, màn trình diễn đầu tiên của chiếc Newton đầy lỗi tại CES Chicago diễn ra một cách êm thấm, không có bất cứ sự cố nào xảy ra - dù Apple đã gian lận bằng cách gắn "nhờ" Newton vào máy Mac. Được chiêm ngưỡng ý tưởng các thiết bị điện toán cá nhân sử dụng giao diện dạng ghi chú thay cho giao diện desktop quen thuộc, cả báo giới lẫn cộng đồng hi-tech tung hô Newton lên tận mây xanh. Microsoft, Amstrad và Palm nhanh chóng nhảy vào cuộc đua PDA. Vài tuần sau, General Magic, công ty sinh ra từ chính dự án Pocket Crystal bị Apple ruồng bỏ ngày nào cũng vén màn sản phẩm cạnh tranh với Newton.

MessagePad

Tất cả nói lên sự thật rằng chưa đến tay người dùng nhưng Newton đã định hướng cho toàn bộ thị trường công nghệ, theo cùng một cách iPhone và iPad sẽ gây ảnh hưởng sau này. Lúc này, chiếc PDA của Táo đã được giao phó về bộ phận Điện tử Tương tác Cá nhân (PIE) do một chuyên gia công nghệ đến từ Phillips là Gaston Bastiaens lãnh đạo. Ngày phát hành của MessagePad được Bastiaens dời đến ngày 29/7/1993 nhưng không công bố với báo giới.

Lịch trình không rõ ràng khiến cho tương lai của Newton bị đặt dấu chấm hỏi. Apple buộc phải xóa bỏ hoài nghi bằng cách đưa chiếc PDA của mình đến trình diễn tại sự kiện lớn tiếp theo, CES Las Vegas diễn ra vào tháng 1/1993. Sức ép lên đội ngũ phát triển gia tăng theo cấp số mũ và 3 tuần trước CES, một kỹ sư phần mềm trong dự án Newton tự sát.

Con tàu Newton vẫn phải đi tiếp với sự giám sát của các bác sĩ tâm lý. Đến sát thềm CES 1993, hàng trăm con người của Apple đã kiệt quệ. May mắn cho họ là màn trình diễn chiếc Newton vẫn đầy lỗi lại một lần nữa diễn ra gần như hoàn hảo. Tính năng truyền dữ liệu hồng ngoại lần đầu xuất hiện trên thị trường gây ấn tượng mạnh mẽ; báo giới lại một lần nữa phát cuồng vì Newton và gần như quên luôn sự thật rằng ngày lên kệ của sản phẩm đã lại bị đẩy lùi đến mùa hè năm đó.

Từng đó là không đủ để níu chân con người đã dành 6 năm dìu dắt Newton. Sau khi CES kết thúc, Tesler rời bỏ Apple.

Sức ép chưa dừng lại ở đây. Tại CeBit 1993 diễn ra vài tuần sau, Apple công bố nền tảng Newton sẽ có sự góp mặt của Siemens và Motorola, hiện vẫn đang là 2 gã khổng lồ công nghệ. Đáng tiếc rằng cũng tại CeBit, đội ngũ kiệt quệ của Apple phát hiện ra rằng đối thủ Amstrad đã kịp copy ý tưởng Newton sang một sản phẩm có tên gọi "Pen-Pad". Trong nỗi thất vọng tràn trề, họ hiểu rằng nếu không hoàn thiện kịp thời, Newton sẽ thất bại trong chính cuộc đua do chính Apple khởi xướng.

Kết thúc CeBit, Newton được ngừng giai đoạn phát triển alpha và chuyển sang beta. Điều này (nên) có nghĩa rằng chiếc MessagePad cũng như hệ điều hành đã được chốt danh sách tính năng và cũng sẽ không bị treo nữa. Một hạn định mới được đặt ra: đến ngày 26/5/1993, Apple sẽ phải cung cấp phần mềm để Sharp cài đặt lên những chiếc MessagePads đã được sản xuất.

Ấy vậy mà chẳng mấy kỹ sư chịu chấp nhận chốt tính năng và MessagePad vẫn tiếp tục treo cứng. Đến ngày 1/5, phần mềm Newton vẫn còn... 3.700 lỗi phần mềm.

Đến ngày 26/5, Bastiaens, Tchao và Spindler phải đối mặt với sự thật rằng hệ điều hành của Newton vẫn còn tới hơn... 1.000 lỗi. Người Nhật chắc chắn sẽ nổi giận nếu như Apple tiếp tục đẩy lùi lịch trình và làm rối loạn dây chuyền của Sharp. Không còn cách nào khác, Bastiaens ra quyết định mạo hiểm: cung cấp phần mềm beta cho Sharp để cài đặt lên 4.000 chiếc MessagePad đầu tiên để dùng làm sản phẩm mẫu thay vì bán ra thị trường.

Spindler, người kế nhiệm John Sculley (trái) và Bastatiens, lãnh đạo bộ phận Newton
Tờ rơi Macworld

Chính vào lúc này, Apple lỗ nặng. John Sculley từ nhiệm, Spindler lên thay với tâm trí đặt gần như toàn vẹn vào ván bài Newton.

Con tàu Newton vẫn phải đi tiếp. Ngay trước thềm ra mắt, 2.000 mẫu MessagePad được phát hiện gặp lỗi ứng dụng ghi chú, buộc các kỹ sư phải tháo rời thẻ nhớ để cài đặt bản vá thủ công. Hàng trăm mẫu khác gặp lỗi rơi chân đế sau khi đã cập bến nhà kho Sacramento của Apple. Trong một sự kiện truyền hình, Sculley và Tchao không hiểu vì lý do gì lại chọn MessagePad để gửi fax tới bang Iowa, lúc đó đang bị... lũ lụt nặng nề. Số phận một lần nữa mỉm cười, fax được gửi thành công và cuộc trình diễn trước 16 triệu khán giả đã diễn ra một cách hoàn hảo.

Đến ngày 2/8/1993, sự kiện Macworld Boston bắt đầu. Hàng nghìn iFan rời sân bay quốc tế Logan và đến tham dự Macworld trong không khí lễ hội vui vẻ. Các tờ rơi quảng cáo của Apple đã mang tới một thông tin quan trọng: "Bắt đầu nhận đơn đặt hàng MessagePad". Rời hội trường MacWorld, họ được thử nghiệm những chiếc Newton chạy phần mềm beta được Capps hoàn thiện vào... một ngày trước đó.

Sculley newton

Tổng cộng, dự án phát triển Newton đã tiêu tốn của Apple khoảng 100 triệu USD. Khi được hoàn thiện, MessagePad được bán ra với giá 900 USD và nhanh chóng trở thành sản phẩm "hot" nhất của Apple. Trong vòng 3 tháng đầu tiên, Apple đã bán được 50.000 chiếc MessagePad. Nhưng số phận đã không mỉm cười với Newton trong thử thách quan trọng nhất: thị trường người tiêu dùng.

Cũng giống như nhiều sản phẩm tiền khởi, Newton vấp ngã vì đã đưa ra quá nhiều lời hứa rồi chỉ thực hiện nửa vời. Tai hại nhất trong số này là công nghệ nhận diện chữ viết chưa hoàn thiện. Trong series biếm họa Doonesbury, tác giả khẳng định chiếc PDA của Apple sẽ nhận diện "Catching On" thành "Egg Freckles" ("Trứng Tàn nhang"). Khi tất cả người dùng đều đồng cảm với Doonesbury, cụm từ "Egg Freckles" cũng trở thành một phần của văn hóa Mỹ trong nỗi buồn và sự bất lực của Apple.

Bài học từ Egg Freckles là rất rõ ràng: nếu bạn có một ý tưởng hay, đừng vội khoe khoang mà hãy kiên nhẫn hoàn thiện thành phẩm trước khi bán ra thị trường. Công nghệ nhận diện có cội nguồn Liên Xô của Apple thực chất là cực kỳ siêu việt khi có thể "học" chữ viết của người dùng trong vòng 2 tuần. Thế nhưng, khoảng thời gian đó vẫn là quá dài với người tiêu dùng vốn mù công nghệ - một điều sau này Steve Jobs sẽ ghi nhận khi phát triển các sản phẩm để đời như iPod, iPhone và iPad.

Trong những năm sau đó, đội ngũ Apple đã nỗ lực hết sức để cải thiện công nghệ chữ viết cũng như các điểm yếu khác của chiếc MessagePad đầu tiên để tạo ra một nền tảng Newton OS 2.0 thực sự hoàn thiện. Đáng tiếc, nỗ lực đó là không đủ để khắc phục hậu quả từ những con số dự đoán sai lầm của John Sculley về nguồn cung thị trường cũng như lòng tin đã mất từ người tiêu dùng. Cùng với chiếc Mac đang chết dần chết mòn, Newton khiến Apple lỗ 816 triệu USD vào năm 1996 và 1,1 tỷ USD vào năm 1997. Theo số liệu ước tính, Apple đã đầu tư 1 tỷ USD vào Newton và chỉ thu lại khoảng 1/4 khoản tiền đó. Số máy Newton có mặt trên thị trường tại mỗi thời điểm không bao giờ vượt quá 200.000.

Cuộc đời chóng vánh của Newton cũng kết thúc theo cách của định mệnh. Năm 1996, Apple rục rịch đi tìm một nền tảng mới để thay thế Mac OS cũ, và chẳng hiểu sao 2 lựa chọn cuối cùng cũng là 2 cái tên đầy duyên nợ với Newton: Be Inc. (của Sakoman và Gassée) và NeXT của Steve Jobs. Thua cuộc trước Steve Jobs, Be Inc. được bán lại cho Palm và Sakoman trở thành tác giả của Palm OS, một trong những thành tựu lớn của thế giới di động thời kỳ tiền-Android.

Steve Jobs Next

Trở lại với câu chuyện mà có lẽ là ai cũng biết: chỉ vài tháng sau khi Apple mua lại NeXT để biến NeXTSTEP thành Mac OS X, Jobs được chọn trở lại ghế CEO. Một trong những quyết định đầu tiên của Jobs là khai tử toàn bộ nền tảng Newton, khi chiếc laptop đầu tiên chạy Newton OS là eMate 300 vẫn chưa kịp tròn một năm tuổi đời.

Newton iPhone

Cuộc đời thực sự của Newton ngắn ngủi hơn rất nhiều so với những ngày tháng phôi thai đầy sóng gió, nhưng chiếc PDA này vẫn để lại di sản trên khắp thế giới công nghệ. 2 kỹ sư từng tham gia phát triển Newton OS tách ra khỏi Apple và phát triển Pixo OS, hệ điều hành sau này sẽ được Jobs mua về để dùng cho iPod.

Công nghệ nhận diện chữ viết của Newton tìm đường đến với Windows CE, đối trọng của Symbian thời kỳ tiền-iPhone. Những ý tưởng như hòm mail tự động lọc thông tin lịch hẹn, ghi chú dạng checklist hay danh bạ "động" (cho phép thêm trường thông tin tùy ý) cũng sẽ có mặt trên iOS về sau.

Tiếp đến là ARM, hãng chip được thành lập để phát triển chip cho Newton. Tính đến 2011, Steve Jobs đã bán gần hết cổ phần gần 43% của Apple tại hãng chip Anh để mang về cho Apple 1,1 tỷ USD. Khoản tiền này chẳng thấm đâu so với trị giá hiện tại của ARM, nhưng vào những năm cuối 1990 đầu 2000, nếu không bán cổ phiếu ARM thì Apple chắc chắn đã phá sản trước khi kịp ra mắt iPod.

ARM Apple

Cũng nhờ thoát khỏi vòng kiểm soát của Apple mà ARM trở thành trái tim của toàn bộ cuộc cách mạng di động, đặc biệt là trên những chiếc smartphone Android. Về phần mình, tuy không còn kiểm soát ARM nhưng Apple vẫn được thế giới nể phục khi tùy biến ARM thành các dòng chip A_ và A_x để tạo thế mạnh riêng cho iPhone và iPad.

Newton iPad

Bên cạnh những di sản công nghệ, Newton còn để lại nhiều bài học quý báu. Bạn sẽ thấy sau này Apple luôn kín tiếng về những sản phẩm chưa ra mắt và cũng sẽ luôn đặt yếu tố chất lượng hoàn thiện lên trên số lượng tính năng. Tất cả đều là để tránh những sai lầm chết người của chiếc PDA tiền khởi.

Nhưng di sản lớn nhất của Newton không phải là ARM hay những bài học để đời. Khi khai tử Newton, Steve Jobs khẳng định rằng bút cảm ứng stylus không phải là một phương tiện nhập liệu "tự nhiên" như ngón tay người dùng. Ngược lại, Jobs cũng thừa nhận tiềm năng từ ý tưởng thiết bị cảm ứng có khả năng hỗ trợ người dùng một cách thông minh. Chính từ ý tưởng này, Jobs đã cùng Jonathan Ive chế tạo ra iPhone với màn hình cảm ứng đa điểm. Chỉ duy nhất ý tưởng này đã giúp cho iPhone đánh bại Symbian, BlackBerry OS và Palm OS để trở thành tiêu chuẩn smartphone của thời đại mới. Cuộc cách mạng di động bắt đầu từ đây, nhưng tất cả đều có khởi điểm là một thiết bị được dìu dắt bởi chính vị CEO đã đuổi cổ Steve Jobs khỏi Apple.

Bài viết: Lê Hoàng

Photo: Internet

Thiết kế: AnhGreen, Hoàng Nguyễn

Theo Tri Thức Trẻ

06/09/2016