Các ông lớn công nghệ đã “rót” bao nhiêu tiền vào Việt Nam?

Khôi Linh (Dân Trí)-Thứ sáu, ngày 01/01/2016 23:22 GMT+7

VTV.vn - Nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn tiếp tục đầu tư, mở rộng sản xuất tại Việt Nam như: Samsung, LG, Panasonic, Canon, Intel…

Một bài báo trên tờ Bloomberg (Mỹ) từng nhận xét Việt Nam đang trở thành “công xưởng của thế giới”. Với lợi thế có dân số trẻ, chi phí lao động rẻ hơn các nước trong khu vực cùng với các lợi thế về vị trí chiến lược, kinh tế vĩ mô ổn định khiến Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn với nhiều nhà sản xuất trên thế giới.

Trong những năm gần đây, chỉ số đầu tư nước ngoài FDI vào Việt Nam tăng mạnh mẽ, đặc biệt là ở lĩnh vực sản xuất điện tử. Riêng tại khu vực phía Bắc, 2 thành phố Bắc Ninh và Thái Nguyên đã trở thành “trung tâm” thu hút đầu tư vốn nước ngoài FDI trong tất cả các lĩnh vực, trong đó ngành sản xuất điện tử chiếm phần lớn trong tổng số vốn đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam trong những năm qua.

Theo đánh giá của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn đầu tư FDI trong ngành công nghiệp điện tử. Theo số liệu thống kê mới nhất, cho đến nay, ngành này đã thu hút hơn 10 tỷ USD vốn FDI đến từ các tên tuổi lớn như Samsung, Foxconn, LG, Panasonic, Intel.

Năm 2015 đã kết thúc, đánh giá về ngành công nghệ Việt Nam, Bộ TT&TT cho hay công nghiệp CNTT trở thành ngành kinh tế có tốc độ phát triển nhanh, bền vững, doanh thu cao, có giá trị xuất khẩu lớn. “Việt Nam đủ khả năng phát triển, sản xuất các sản phẩm, dịch vụ CNTT đáp ứng tốt nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế, tạo nền tảng để phát triển kinh tế tri thức, góp phần làm chủ các hệ thống thông tin, bảo đảm an toàn thông tin và chủ quyền số quốc gia”, báo cáo tổng kết của Bộ TT&TT nhận định.

Bộ TT&TT cũng nhấn mạnh trong điều kiện nền kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn và phục hồi chậm nhưng nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn tiếp tục đầu tư, mở rộng sản xuất tại Việt Nam như: Samsung, LG, Panasonic, Canon, Intel... Tổng doanh thu công nghiệp CNTT tiếp tục đạt mức cao, tạo ra nhiều việc làm cho xã hội, đóng góp ngày càng tăng vào tăng trưởng GDP cũng như xuất khẩu của cả nước.

Quan sát các dòng vốn FDI trong những năm gần đây có thể thấy, các đại gia công nghệ đã liên tiếp đổ dồn vốn đầu tư vào Việt Nam với nhiều dự án lớn nhỏ. Cho đến thời điểm hiện tại, tính tổng số vốn đầu tư từ Samsung đã lên tới con số 14,8 tỷ USD, trong đó có 600 triệu USD vừa được doanh nghiệp này đổ vào dự án khu Công nghệ cao TPHCM, nâng tổng số vốn đầu tư vào dự án này lên 2 tỷ USD. Riêng tại Thái Nguyên, trong năm nay, Samsung đã dốc tiếp 3 tỷ USD để xây 2 nhà máy sản xuất điện thoại thiết kế kim loại, nâng tổng số vốn đầu tư tại nhà máy Samsung Thái Nguyên lên 5 tỷ USD.

Trong những năm qua cũng chứng kiến sự dịch chuyển cơ sở sản xuất sang Việt Nam của các ông lớn công nghệ. Cụ thể, năm 2013, Samsung chuyển nhà máy sản xuất smartphone từ Trung Quốc sang Việt Nam. Năm 2014, Microsoft dời dây chuyền Nokia từ Trung Quốc sang Việt Nam. Hiện tại Microsoft đã rót 302 triệu USD vào Việt Nam. Đến tháng 3/2015, LG Electronics thông báo chuyển bộ phận sản xuất TV từ Thái Lan sang Việt Nam, nâng tổng số vốn đầu tư của LG vào Việt Nam lên 1,5 tỷ USD. Trong khi đó, Intel cũng đã đầu tư 1 tỷ USD để xây dựng nhà máy lắp ráp chip lớn nhất của Intel tại Việt Nam... Ngoài ra, một số hãng điện thoại Archos (Pháp) và Compal (Đài Loan) cũng muốn xúc tiến mở rộng đầu tư vào Việt Nam sau khi hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương - TPP được ký kết.

Đánh giá về xu hướng dịch chuyển cơ sở sản xuất sang Việt Nam của các ông lớn công nghệ, Cục Đầu tư nước ngoài cho rằng, một trong những lí do là vì sản xuất điện tử với chi phí cận biên thấp thường tập trung ở những quốc gia có lợi thế về chi phí lao động thấp. Đây cũng là một trong những lý do khiến Việt Nam đang trở thành “công xưởng thế giới” theo nhận định của Bloomberg.

Nhờ những nguồn vốn đầu tư từ các “ông lớn”, từ năm 2013 đến nay, tỷ trọng xuất khẩu ngành điện tử luôn chiếm vị trí dẫn đầu trong các ngành xuất khẩu của Việt Nam, tổng giá trị xuất khẩu đã vượt ngưỡng 30 tỷ USD.

Tuy vậy, phần lớn những hoạt động sản xuất được chuyển giao cho Việt Nam đều có giá trị gia tăng thấp. Tại một hội nghị mới đây, Samsung Việt Nam cho biết, trong số 80 doanh nghiệp vệ tinh đang cung cấp linh kiện, phụ kiện, tỷ lệ doanh nghiệp Việt Nam cung cấp chỉ dưới 10%, chủ yếu cung ứng in ấn và bao bì, phần hưởng giá trị gia tăng thấp nhất, không tiếp thu được công nghệ cao, không có sức lan tỏa tới nền kinh tế.

Trong bài báo trên tờ Bloomberg, một nhà phân tích Mỹ cho rằng: Năng suất của ngành sản xuất tại Việt Nam rất thấp là cản trở lớn nhất cho việc phát triển hơn nữa của Việt Nam”.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước