CMC tham dự Tuần lễ công nghệ thông tin Nhật bản - Japan IT Week Osaka 2022

P.V-Thứ bảy, ngày 22/01/2022 16:58 GMT+7

VTV.vn - Tại sự kiện Japan IT Week Osaka 2022, CMC Japan đã giới thiệu nhiều sản phẩm, giải pháp và dịch vụ chuyển đổi số.

CMC Japan đã mang các sản phẩm thuộc lĩnh vực trí tuệ Nhân tạo, các giải pháp chuyển đổi số và các dịch vụ gia công phần mềm chất lượng cao tới Tuần lễ công nghệ thông tin Nhật Bản - Japan IT Week Osaka 2022. Sự kiện diễn ra trong ba ngày từ 19 - 21/1/2022, quy tụ nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực CNTT tham gia và thu hút hơn 5.000 khách tham quan.

Giải pháp chuyển đổi số

Tại triển lãm, CMC Japan đã đem đến cho khách hàng hai giải pháp chuyển đổi số là: dịch vụ Cloud MSP và dịch vụ IT Outsourcing từ các Global Delivery Center (GDC).

Cloud MSP là hoạt động thuê ngoài quản lý một phần hoặc toàn bộ tài nguyên, cơ sở hạ tầng đám mây của một tổ chức với một nhà cung cấp dịch vụ bên thứ ba. Dịch vụ này cho phép các khách hàng khai thác sức mạnh của điện toán đám nhờ các chuyên gia của bên cung cấp dịch vụ.

IT Outsourcing là hoạt động sử dụng nhà cung cấp dịch vụ bên ngoài để cung cấp một số hoặc tất cả các chức năng CNTT theo yêu cầu của doanh nghiệp bao gồm quản lý cơ sở hạ tầng, chỉ đạo chiến lược và hỗ trợ khi gặp sự cố.

Hiện nay, CMC Global sở hữu ba GDC tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng cùng hai văn phòng đại diện tại Nhật Bản. Quy trình làm việc tại CMC Global đạt chuẩn CMMi level 3, bảo mật thông tin theo chuẩn ISO 9001/2015 và ISO 27001/2013. Đặc biệt, trong các dự án lớn và có yêu cầu bảo mật cao, CMC Global có những khu vực riêng biệt để đảm bảo không rò rỉ thông tin ra bên ngoài.

Hơn 4 năm gia nhập tại thị trường Nhật Bản, CMC Japan đã hợp tác với hơn 100 khách hàng ở nhiều lĩnh vực như: dịch vụ tài chính, sản xuất, dịch vụ lưu trú, các cơ sở phúc lợi và các dự án thuộc khối chính phủ... Trong đó, nhiều khách hàng của CMC Japan nằm trong danh sách Fortune 500.

Đặc biệt, Japan IT Week Osaka là sự kiện đầu tiên của CMC Japan tại thành phố này sau khi đặt văn phòng đại diện thứ hai tại đây.

Được biết đến là trung tâm văn hóa, chính trị và kinh tế của khu vực Kansai với sức đóng góp xếp thứ hai vào nền kinh tế Nhật Bản, Osaka là thành phố sở hữu nhiều khu thương cảng, công nghiệp và các trung tâm hành chính quan trọng. Chính vì vậy, nơi đây được xem là cái nôi của hàng loạt các ngành công nghiệp trọng điểm, các ngành thương mại, tài chính, dịch vụ và công nghệ cao.

CMC Japan kỳ vọng sẽ mang kinh nghiệm, năng lực công nghệ và nguồn nhân lực CNTT hàng đầu Việt Nam để chinh phục các khách hàng tại Osaka nói riêng và khu vực Kansai nói chung, đóng góp vào sự chuyển dịch của kinh tế Osaka.

Giải pháp nhận diện khuôn mặt giúp giảm sức ép dân số già tại Nhật Bản

Tại Tuần lễ công nghệ thông tin Japan IT Week Autumn 2021, CMC đã giới thiệu giải pháp nhận diện khuôn mặt CIVAMS có thể được sử dụng tại các nhà dưỡng lão nhằm kiểm soát ra vào, theo dõi thông minh và phát hiện kịp thời các tình huống nguy hiểm với các cụ già.

Với ưu điểm vượt trội như tính chính xác 99,2% trong điều kiện ánh sáng tự nhiên và không che chắn, 98,95% với gương mặt đeo khẩu trang, nhận diện khuôn mặt từ nhiều góc độ và không cần nhìn trực diện vào camera, CIVAMS sẽ giúp các viện dưỡng lão nắm bắt được danh tính những người ra vào, kiểm tra được các cụ già đi lạc và chấm công cho nhân viên tại đó. Đặc biệt, trong thời điểm dịch bệnh, CIVAMS là giải pháp an toàn và tối ưu để đảm bảo an toàn cho các cụ già và nhân viên trong các nhà dưỡng lão.

Theo báo cáo Markets and Markets của Global Information, sau khủng hoảng COVID-19, nhu cầu kiểm soát an ninh không tiếp xúc như nhận diện gương mặt tăng cao, dự kiến mỗi năm tăng 17,2% trong giai đoạn 2020 - 2025 và đạt 8,5 tỷ USD vào năm 2025, trong đó Nhật Bản được dự đoán có tốc độ tăng trưởng cao hơn so với trung bình toàn cầu.

Chia sẻ về triển vọng của CIVAMS tại thị trường Nhật Bản, bà Nguyễn Thị Thu Hằng - Tổng Giám đốc CMC Japan cho biết: "Trong giai đoạn đầu, việc ứng dụng CIVAMS tại các nhà dưỡng lão của Nhật Bản là hướng đi chiến lược của CMC tại thị trường này. Chúng tôi luôn tin tưởng về những giá trị tích cực mà CIVAMS mang đến cho xã hội và con người Nhật Bản, để từ đó xây dựng một sợi dây gắn kết, phát triển bền vững trong tương lai".

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hằng, bên cạnh tốc độ nhận diện nhanh và độ chính xác cao, CIVAMS không phụ thuộc vào phần cứng có sẵn và dễ dàng triển khai tại các cơ sở, khu vực đã có trang thiết bị camera an ninh ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Đây là ưu điểm giúp CIVAMS có nhiều cơ hội phát triển và được triển khai rộng rãi tại các trường học, bệnh viện, khu công sở, trung tâm thương mại, giao thông… như một giải pháp đáng tin cậy cho kiểm soát nhân sự, an ninh công cộng và bảo mật tại quốc gia này.

Báo cáo của World Bank cho thấy, tỷ lệ người cao tuổi (trên 65 tuổi) tại Nhật Bản chiếm 28,4% vào năm 2020 và xu hướng tiếp tục tăng lên trong các năm tới. Nhật Bản đang đối mặt với sức ép dân số già do tỉ lệ kết hôn và sinh con ở người trưởng thành giảm trước áp lực về kinh tế.

Trước thực trạng này, nước Nhật đang đối mặt với nguy cơ thiếu hụt lao động. Số lượng các doanh nghiệp tại Nhật Bản khá lớn nhưng người dân ở độ tuổi lao động chiếm tỷ lệ thấp, đặc biệt nhân lực trong lĩnh vực CNTT thiếu hụt nghiêm trọng. Việc giám sát người già thiếu minh mẫn, hay quên cũng gặp nhiều khó khăn, dẫn đến nhiều trường hợp không mong muốn như mất dấu, tai nạn giao thông hoặc các sự cố về hỏa hoạn… gây ảnh hưởng đến an nguy của nhiều người.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước