Nhiều doanh nghiệp lơ là việc xây dựng tiêu chuẩn quốc tế

KT-Thứ năm, ngày 15/08/2013 10:00 GMT+7

Không thấy có đại diện của các doanh nghiệp ICT lớn như Viettel, FPT, CMC, VNPT,... tham gia hội thảo về xây dựng tiêu chuẩn do Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam tổ chức sáng 15/8/2013.

 Nhiều doanh nghiệp ICT quốc tế đã tăng năng lực cạnh tranh vượt trội khi đưa được những lợi thế công nghệ của mình vào các tiêu chuẩn quốc tế hoặc sớm nắm bắt thông tin về xu hướng phát triển chuẩn. Tuy nhiên, các "đại gia" ICT Việt như Viettel, FPT... vẫn chưa làm được điều này.

Tại Hội thảo "Sự tham gia của các bên liên quan vào quá trình xây dựng tiêu chuẩn" do Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức sáng 15/8/2013, ông Trần Văn Học, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (VINATAS) cho biết nhiều doanh nghiệp ICT trên thế giới đã tăng thị phần, giảm chi phí đầu tư khi tham gia quá trình xây dựng các tiêu chuẩn quốc tế.

Chẳng hạn, Công ty Tyco Electronics/AMP, một công ty lớn trong lĩnh vực hệ thống lắp nối điện - điện tử đã tăng thị phần nhờ việc biết được xu hướng thay đổi công nghệ khi tham gia hoạt động xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia, khu vực và quốc tế. Đồng thời, còn tìm cách để công nghệ của mình có "dấu ấn" trong các tiêu chuẩn quốc tế nhằm làm lợi cho công ty.

Hoặc Công ty Integraph sau khi nắm bắt thông tin về xu hướng phát triển keyboard (bàn phím) máy tính trong quá trình thông qua dự thảo tiêu chuẩn quốc tế IEC đã không đầu tư vào tính năng không bắt buộc phải có trong những sản phẩm xuất sang châu Âu. Vì vậy, đã giảm được một khoản chi phí lớn trong việc sản xuất sản phẩm xuất khẩu.

Trao đổi với phóng viên ICTnews, TS. Vũ Văn Diện, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, nêu thêm một ví dụ minh họa về việc các doanh nghiệp ICT quốc tế rất coi trọng việc tham gia xây dựng các tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực. Đó là trường hợp Siemens, nhiều năm trước đã công bố "có chân" ở 192 vị trí trong các tổ chức quốc tế và khu vực, nhờ đó có thể gây ảnh hưởng có lợi cho mình trong quá trình xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc tế. Lãnh đạo Siemens đã từng sang tận Việt Nam đề nghị ủng hộ 1 tiêu chuẩn sắp được ban hành có thể tăng lợi thế cạnh tranh cho Siemens.

Cả TS. Vũ Văn Diện và ông Trần Văn Học đều có cảm giác băn khoăn khi tới giờ vẫn chưa biết đến một doanh nghiệp CNTT-TT lớn nào của Việt Nam có thể tận dụng được những lợi thế như Siemens, Tyco Electronics/AMP hoặc Integraph.

"Trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu, các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc tế ngày càng được coi trọng bởi có thể giảm thiểu, gỡ bỏ các rào cản thương mại. Khi doanh nghiệp tham gia xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn trong nước cũng như quốc tế, các công nghệ, giải pháp hợp lý của doanh nghiệp được đưa vào tiêu chuẩn, quy chuẩn, trở thành tài sản chung của đất nước và thế giới thì chính doanh nghiệp sẽ được lợi trước tiên. Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn có cơ hội trao đổi kinh nghiệm, giao lưu học hỏi với các đơn vị cùng ngành. Song các doanh nghiệp ở Việt Nam vẫn chưa tận dụng được những lợi thế này, chỉ mải lo cho công việc kinh doanh "cơm áo gạo tiền" đơn thuần, thậm chí còn rất lười góp ý cho các dự thảo về tiêu chuẩn, quy chuẩn. Những doanh nghiệp CNTT-TT lớn như Viettel, FPT... nên có 1 bộ phận chuyên trách về tiêu chuẩn hóa và cần phải suy nghĩ, đầu tư nhiều hơn cho việc tham gia xây dựng các tiêu chuẩn Việt Nam, tiêu chuẩn quốc tế và khu vực", TS. Vũ Văn Diện phân tích.

Ở góc nhìn khác của người trong cuộc, lý giải một trong những nguyên nhân khiến các doanh nghiệp ICT Việt Nam ít quan tâm tới việc xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, một giám đốc công ty phần mềm chia sẻ với phóng viên ICTnews rằng đã và đang có không ít tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong lĩnh vực CNTT-TT được ban hành chỉ có tính hình thức chứ không có tính thực thi hoặc rất khó thực thi. Mặt khác, hiện ở Việt Nam vẫn còn thiếu nhiều tiêu chuẩn, quy chuẩn cần thiết để áp dụng kịp thời cho sự phát triển mạnh mẽ của các giải pháp, công nghệ.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước