Sự cố Galaxy Note7 tác động không lớn đến kim ngạch xuất khẩu

P.V-Thứ bảy, ngày 29/10/2016 14:46 GMT+7

VTV.vn - Số liệu về tình hình xuất nhập khẩu tháng 10/2016 của Tổng cục Thống kê cho thấy, sự cố Galaxy Note 7 tác động chưa đáng kể đến kim ngạch xuất khẩu.

Tổng cục Thống kê vừa chính thức công bố số liệu thống kê về tình hình xuất nhập khẩu của Việt Nam trong tháng 10 và 10 tháng đầu năm.

Trong đó, đối với nhóm hàng điện thoại và linh kiện, xuất khẩu của Công ty Samsung chiếm tỷ trọng chủ yếu trong tổng xuất khẩu nhóm hàng này của Việt Nam. Trong tháng 9, sự cố lỗi pin của sản phẩm Galaxy Note 7 của Samsung dẫn đến quyết định của Công ty thu hồi và ngừng xuất khẩu sản phẩm này được dự báo là sẽ khiến kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này sụt giảm. "Thực tế cho thấy sự cố Galaxy Note 7 có ảnh hưởng đến hoạt động của Samsung Việt Nam, đặc biệt làm giảm lợi nhuận nhưng tác động chưa đáng kể đến kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này, cụ thể là trong tháng 9 kim ngạch đạt 2,913 tỷ USD, cao hơn một chút so với tháng 8(2,906 tỷ USD) và tăng 3,2% so với tháng 9/2015. Điều đó cho thấy hoạt động xuất, nhập khẩu của Samsung Việt Nam nói riêng và xuất khẩu nói chung chưa bị ảnh hưởng đáng kể bởi sự cố này" – Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho biết.

Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra nguyên nhân: một phần sản phẩm Note 7 được phân phối ngay tại thị trường trong nước trong khi xuất khẩu sản phẩm này chiếm tỷ trọng không lớn. Mặt khác Samsung Việt Nam đã thúc đẩy xuất khẩu các dòng sản phẩm điện thoại khác để bù vào kim ngạch Galaxy Note 7.

"Sự cố Galaxy Note 7 sẽ tác động trực tiếp đến việc giảm kim ngạch xuất khẩu nói chung nhưng mức độ không lớn. Sự cố này cũng có thể ảnh hưởng gián tiếp đối với việc tiêu thụ và xuất khẩu các dòng sản phẩm khác của Samsung, tuy nhiên với thế mạnh về kiểu dáng, giá cả cạnh tranh, dự báo mức độ tác động giảm kim ngạch xuất khẩu trong hai tháng còn lại của năm 2016 sẽ không lớn". – Tổng cục Thống kê đưa ra dự báo.

Tình hình xuất nhập khẩu tháng 10 và 10 tháng năm 2016

(Nguồn: Tổng cục Thống kê)

Xuất khẩu tháng 9 đạt 15,4 tỷ USD, cao hơn 418 triệu USD so với ước tính trước đó. Nhập khẩu tháng 9 đạt 14,6 tỷ USD, thấp hơn 546 triệu USD so với ước tính do một số mặt hàng phục vụ sản xuất giảm như: Điện tử, máy tính và linh kiện 6,3% (163 triệu USD), Vải 10,6% (90 triệu USD), Sợi dệt 21% (34 triệu USD), Nguyên phụ liệu dệt, may da giày 7,4% (32 triệu USD). Do xuất khẩu cao hơn và nhập khẩu thấp hơn mức ước tính nên tháng 9 đạt xuất siêu cao tới 864 triệu USD, 9 tháng xuất siêu 3,7 tỷ USD.

Tháng 10 ước tính nhập siêu nhẹ với 200 triệu USD đưa mức xuất siêu 10 tháng xuống 3,5 tỷ USD. Mặc dù cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu nhưng khu vực trong nước vẫn tiếp tục nhập siêu mạnh với mức 16 tỷ USD, trong khi khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài vẫn tiếp tục xuất siêu tới 19,5 tỷ USD.

Nhập siêu 10 tháng từ Trung Quốc ước tính 23 tỷ USD, giảm 14% so cùng kỳ, từ ASEAN ước 4,9 tỷ USD, tăng 14,5%, từ Hàn Quốc ước 16,2 tỷ USD, tăng 2,4%. Với EU và Mỹ, Việt Nam tiếp tục xuất siêu tương ứng với 18,2 tỷ USD và 25,1 tỷ USD, tăng 7,9% và 19,6%. Với Nhật Bản, Việt Nam đã chuyển từ tình trạng xuất siêu năm 2014 trở về trước sang nhập siêu, ước tính 10 tháng năm 2016 là 250 triệu USD.


TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước