Thung lũng Silicon - Biểu tượng phát triển của ngành CNTT

Kiều Trình-Chủ nhật, ngày 24/11/2013 13:00 GMT+7

 Là nơi tập trung những tập đoàn, công ty công nghệ lớn của thế giới như: Google, Apple, Intel, Facebook... có thể nói thung lũng Silicon là biểu tượng cho sự phát triển của ngành công nghệ thông tin.

Từ lịch sử hình thành và phát triển của thung lũng Silicon cho thấy, một trung tâm công nghệ cao thành công phải bắt đầu với một đại học ưu tú có thể thu hút được những tài năng trẻ và một chính sách cởi mở để hấp dẫn được những ý tưởng sáng tạo của toàn thế giới. Bên cạnh đó không thể không kể đến những nhà đầu tư táo bạo sẵn sàng chấp nhận rủi ro để phát triển các kế hoạch tiềm năng, ngay từ khi mới chỉ là những ý tưởng ban đầu.

Một lý do nữa để thung lũng Silicon vẫn là nơi tập trung của những công ty vừa khởi nghiệp tại Mỹ và có lẽ của toàn thế giới, vì nó từng là nơi xuất phát của những công ty như thế trong quá khứ. Những sáng lập viên của những công ty đó vẫn còn hiện diện ở thành phố này và sau khi thành công, họ lại tiếp tục đầu tư vào những công ty mới khởi nghiệp khác.

Ông Dave McClure, nhà đồng sáng lập của chương trình hỗ trợ khởi nghiệp “500 Starups” nói: “Tại sao các trường dạy kiến thức về kinh doanh có thể trả 100.000 USD/năm/người để họ chỉ ngồi đọc lý thuyết suông trong khi chúng tôi có thể đưa bạn 120.000 USD để bạn tự xây dựng những ý tưởng của mình. Nếu có thất bại, bạn sẽ được những bài học kinh nghiệm. Còn nếu thành công, nó sẽ mở ra cho bạn một cơ hội để phát triển kinh doanh”.

Ông Larry Li, nhà đồng sáng lập Trung tâm Công nghệ Zpark cho biết: “Ở thung lũng Silicon, bạn không cần phải có các mối quan hệ quen biết, chỉ cần bạn chăm chỉ và làm tốt công việc của mình, sẽ có người tìm đến với bạn. Nhưng ở một số nước, mối quan hệ lại quan trọng hơn, bạn cần phải biết bạn đang nói chuyện với ai, nói với họ như thế nào, có mọi loại nguyên tắc kinh tế xã hội mà bạn phải tuân thủ. Không có nhiều nguyên tắc ở thung lũng Silicon, thực ra chúng tôi thích những người phá vỡ các nguyên tắc và đó là cách bạn tiếp cận được với các ý tưởng Công nghệ”.

Từng có nhiều năm kinh nghiệm làm việc tại thung lũng Silicon, anh Bùi Trường Sơn, Giám đốc công ty phần mềm Felix cho rằng: mặc dù có rất nhiều lợi thế để có thể phát triển nhanh chóng nhưng song hành cùng với nó là áp lực của sự cạnh tranh. Nếu một ý tưởng chưa có sự chuẩn bị kĩ để có thể bắt đầu thì nó sẽ nhanh chóng bị đào thải bởi những công ty lớn hơn và có giàu tiềm năng hơn.

Ông Bùi Trường Sơn nói: “Trên thực tế, khi các công ty được thành lập ở thung lũng Silicon thì điều đó không đồng nghĩa với thành công mà điều đó chỉ đồng nghĩa là họ đang ở trong một môi trường năng động khi mà mọi thứ chuyển động rất nhanh và họ có thêm cơ hội gặp gỡ các nhà đầu tư. Nhưng ngược lại, các nhà đầu tư cũng có các nguyên tắc chọn lọc các ý tưởng rất là kĩ càng. Chính vì vậy, chúng ta chỉ có thể coi đó là môi trường có mật độ cao các nhà đầu tư chứ đó không phải là thiên đường cho phép mọi công ty có thể thành công”.

Hiện nay, việc đầu tư và phát triển công nghệ cao theo mô hình thung lũng Silicon đã được triển khai áp dụng tại nhiều nước trên thế giới như Ấn Độ hay Hàn Quốc… Mỗi nước lại có một đặc điểm phát triển riêng, tuy nhiên thước đo để đánh giá mức độ thành công vẫn sẽ là những sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường, xã hội và khả năng thương mại hóa. Điều này sẽ chỉ có được khi đó là một mô hình, chiến lược kinh doanh khả thi và có đội ngũ đủ năng lực thực hiện mô hình và chiến lược đó.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước