Trào lưu chơi ảnh trên điện thoại

Hải Mỹ-Thứ tư, ngày 13/02/2013 00:00 GMT+7

Dân chơi ảnh trên điện thoại có điều kiện tài chính cũng thường xuyên đổi máy để trải nghiệm khả năng chụp ảnh của các loại điện thoại. (Ảnh: Hải Mỹ)

Nhiều hội, nhóm dành cho những người có sở thích chụp ảnh trên điện thoại được thành lập trên các diễn đàn, mạng xã hội để trao đổi kinh nghiệm và khoe ảnh.

Gần một năm trở lại đây, trên nhiều diễn đàn về công nghệ, nhiếp ảnh tại Việt Nam đều có các topic về chủ đề chụp ảnh trên điện thoại. Còn trên các mạng xã hội, hàng loạt các hội như Hội những người thích chụp ảnh bằng điện thoại, Hội những người thích chụp ảnh và quay video bằng iPhone... cũng được thành lập. Không chỉ khoe ảnh đẹp, trao đổi kinh nghiệm, các nhóm này còn tổ chức những buổi offline đi chụp ảnh dã ngoại, tổ chức thi ảnh chụp bằng điện thoại.

Phương châm của họ là “điện thoại gì không quan trọng, quan trọng là chụp như thế nào” để nhấn mạnh kỹ năng của người chụp. Anh Nguyễn Tuấn Dũng, thành viên diễn đàn Winphoneviet, cho rằng chụp một ảnh bằng điện thoại mà đẹp còn khó hơn chụp bằng máy ảnh DSLR dòng entry-level. Theo anh, các máy ảnh hỗ trợ tự động nhiều trong khi camera của điện thoại cảm biến nhỏ, thiết bị nhẹ nên chụp được một ảnh nét đã là khó. Dù vậy, mỗi người khi xem các bức ảnh chụp bằng điện thoại đều thưởng thức nó theo cách riêng. Thành viên Viethoaute cũng của diễn đàn trên cho rằng "ảnh đẹp không nhất thiết phải rõ nét, chân thực. Quan trọng là khoảnh khắc và góc nhìn".

Vì điện thoại là vật thiết yếu của mỗi người nên dân chơi ảnh trên điện thoại khá đa dạng, bất kể sinh viên, học sinh hay đã đi làm, miễn là thích chụp ảnh, phần lớn có tuổi đời khá trẻ. Mỗi người đến với thú vui này vì một lý do khác nhau, có người vì đơn giản là thích chụp ảnh nhưng không đủ tiền mua máy, người thích tính sẵn sàng của điện thoại (luôn bên người và có thể chụp ngay tức khắc) nhờ đó có thể “chộp” được nhiều khoảnh khắc chợt đến. Cũng có người vì nhu cầu công việc cần chụp để lưu giữ các ý tưởng, người lại thích chụp đối tượng trong trạng thái tự nhiên (chụp mà không biết mình bị chụp) mà điện thoại là thiết bị chụp ảnh trá hình… Riêng với những người chụp ảnh trên smartphone, điều họ thích nữa là khả năng chia sẻ ngay lập tức lên mạng xã hội nhờ tính năng kết nối Internet của thiết bị.

Anh Đông Hà, diễn đàn Vnphoto chia sẻ, chơi ảnh chụp trên điện thoại không phải mới xuất hiện mà có từ cách đây vài năm, khi những chiếc điện thoại Nhật Bản với camera “khủng” mới được bán tại thị trường trong nước. Nhưng phải đến khi các điện thoại chạy Android có giá hợp lý, các ứng dụng chỉnh sửa ảnh được tải về dễ dàng, việc chia sẻ ảnh ảnh tiện lợi, khi đó, sở thích này mới thực sự lan rộng. Ngay trong diễn đàn của anh, khá nhiều người chụp bằng máy chuyên nghiệp lâu năm nay cũng tham gia các hội nhóm chụp bằng điện thoại.

Từ đam mê, thích chụp và hay chụp, nhiều người đã trở thành những cộng tác viên tích cực của một số trang thông tin trực tuyến. Nhiều bức ảnh của họ trở thành tư liệu quý cho những bài báo vì sự việc diễn ra rất chóng vánh và vì có thiết bị di động luôn sẵn sàng nên họ đã nhanh tay chụp được.

Khác với dân nhiếp ảnh chuyên nghiệp thường tôn trọng ảnh gốc, đả kích ảnh chỉnh sửa qua các phần mềm, dân chơi ảnh trên điện thoại lại coi việc sử dụng các ứng dụng hỗ trợ chụp ảnh, chỉnh sửa ảnh là một phần không thể thiếu. Trung bình, họ đều sử dụng từ 4 đến 5 ứng dụng liên quan đến ảnh, trong đó, nhiều app cho phép người dùng chỉnh sửa ảnh ngay trên máy, hoặc cung cấp chế độ chụp với các hiệu ứng lạ mắt như ảnh đen trắng, ảnh tư liệu, ảnh màu cục bộ, ảnh phơi sáng dài... để tạo cảm giác các tấm hình đó như được ra đời từ máy ảnh chuyên nghiệp DSLR khiến dân chơi thích thú. Các ứng dụng được dân chơi ảnh di động nhiều nhất là Photogram, SoMeefree, Fhotoroom, Photo Enhance, Photoshop Express…

Cũng giống như dân chơi ảnh chuyên nghiệp, những người chơi ảnh trên điện thoại có điều kiện tài chính thường xuyên đổi máy để khám phá khả năng chụp ảnh của từng model. Anh Dũng, người đã sử dụng số điện thoại nhiều gấp ba số tuổi chia sẻ, "dòng Sky nên chụp nơi đủ ánh sáng, hạn chế chụp bằng đèn flash vì dòng này màu hơi nhợt nhạt. Nếu phải chụp bằng đèn flash ngoài phải đứng xa từ một đến 2 mét, bật flash lên trước để máy tự động lấy nét sẽ tốt hơn. Nokia N70 nên hạn chế chụp cự ly xa vì hay bị mờ. Lumia 920 có khả năng chụp tốt trong điều kiện thiếu sáng nhờ camera có khả năng tự phát sáng khi lấy nét...". Vì chất lượng ảnh chụp của mỗi máy rất khác nhau tùy thuộc cấu hình, hệ điều hành, nên trong nhiều cuộc thi ảnh chụp bằng điện thoại, tiêu chí được đề cao là góc chụp, ý tưởng, lời bình (độ nét chỉ là tiêu chí phụ).

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước