Truy vết bằng công nghệ - hiệu quả nhưng không phải ai cũng hiểu

P.V-Thứ sáu, ngày 15/10/2021 12:48 GMT+7

VTV.vn - Khi dịch bệnh xảy ra, nhiều người tỏ ra băn khoăn về việc công nghệ giúp ích gì, hiệu quả như thế nào trong phòng chống dịch?

Trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát, từ Chính phủ cho đến các địa phương, các phương tiện thông tin đại chúng đều kêu gọi người dân ứng dụng công nghệ để cung cấp thông tin di chuyển, y tế. Dù không dễ nhìn thấy bằng mắt thường nhưng những gì công nghệ làm được trong và sau đại dịch này đóng vai trò như một phần thiết yếu trong công cuộc phòng chống dịch COVID-19.

Hoạt động truy vết truyền thống

Một khi virus lây nhiễm trong cộng đồng, các ca nghi nhiễm, ca nhiễm F0 xuất hiện. Lúc đó, Đội truy vết phối hợp với ngành Y tế tiến hành truy vết (trích xuất thông tin từ người nghi nhiễm đã tiếp xúc với ai, đi đâu), sớm bóc tách các F0, F1... Việc truy vết nhằm xác định được nguồn lây nhiễm của ca bệnh, xác định những người có yếu tố nguy cơ về lây nhiễm dịch.

Tuy nhiên, phương pháp truy vết truyền thống thường có những khó khăn, nguyên nhân chính do thông tin không đầy đủ, thiếu chính xác.

Về vấn đề này, ông Lê Văn Tuấn - Giám đốc Sở TT-TT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tại một buổi hội thảo của Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch COVID-19 quốc gia đã chia sẻ: "Công tác truy vết phụ thuộc rất nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, phụ thuộc vào người Điều tra viên và các F, sự hợp tác, cung cấp thông tin chính xác đầy đủ. Đối với các F, hỏi cái gì trong 14 ngày vừa rồi thì không ai nhớ được hết. Đó là sự thật và tâm lý rất bình thường".

"Thứ nhất là không ai có thể nhớ hết, hoặc có một số chuyện cá nhân, tế nhị, họ không muốn nói ra, cái này rất bình thường và chúng ta hiểu đó là tâm lý con người. Thứ hai là do tâm lý hoảng loạn. Khi đã thành F rồi, đặc biệt là thành F0 thì lúc đấy đa phần lo lắng, bảo họ nhớ hết được gặp ai, đi đâu là khó".

Vì vậy, việc truy vết truyền thống tốn kém công sức và thời gian trong khi bỏ sót, không truy vết triệt để được. Trong khi đó, đối với COVID-19, chỉ một đốm nhỏ cũng có thể trở thành cơn bão nếu không ngăn chặn kịp thời. Cá biệt có một số trường hợp ca nhiễm, ca nghi nhiễm mà thông qua các biện pháp điều tra thông thường không xác định được các "mốc dịch tễ". Đó là chưa kể đến trường hợp F0 có vấn đề gì, không thể khai báo được thì công tác truy vết càng khó hơn nữa.

Truy vết bằng công nghệ hiệu quả như thế nào?

Có hai giải pháp là ứng dụng truy vết tiếp xúc gần và quét mã QR.

Với công nghệ, mọi thứ đều rõ ràng, chính xác. Ví dụ, F0 có thể quên đã tới địa điểm nào đó thì lúc này, nền tảng quản lý thông tin người ra vào bằng công nghệ quét mã QR sẽ hỗ trợ hiển thị các địa điểm F0 đã tới. Lịch sử quét mã QR cũng sẽ lưu lại những người tới cùng lúc với F0, và giúp đội ngũ truy vết được những trường hợp F1, F2...

Truy vết bằng công nghệ - hiệu quả nhưng không phải ai cũng hiểu - Ảnh 1.

Quét mã QR giúp dễ dàng truy vết lịch sử di chuyển của các trường hợp F0, F1, F2... (Ảnh: TTXVN)

Ngoài ra, ứng dụng truy vết tiếp xúc gần như PC-Covid sẽ phát huy hiệu quả nếu F0 đã gặp gỡ những người khác, vào thời gian nào sẽ lưu lại trên máy của người dùng, khi là ca nghi nhiễm, ca F0, Cơ quan Y tế có thẩm quyền sẽ trích xuất dữ liệu tiếp xúc, dựa vào đó sẽ truy vết được những trường hợp F1, F2... Với việc truy vết hiệu quả bằng công nghệ tính bằng mili giây, thay vì mất hàng giờ, hàng ngày như truyền thống, giúp giảm tải cho đội ngũ Y tế.

Thực tế đã chứng minh hiệu quả khi áp dụng công nghệ, như ứng dụng PC-Covid, việc triển khai quét mã QR tại nhiều thành phố, địa phương và nền tảng phản ánh. Điển hình như TP. Hà Nội đã áp dụng rất hiệu quả công nghệ vào phòng, chống dịch. TP. Hà Nội thành công kiểm soát được dịch như hiện nay dựa vào sự quyết liệt của Chính phủ, của các cấp lãnh đạo thành phố, của các Sở ban ngành, của đội ngũ Y tế và của công nghệ.

Ưu điểm của nền tảng hỗ trợ truy vết bằng công nghệ

Nhiều người dân khi cài đặt ứng dụng PC-Covid thường thắc mắc tại sao phải cài đặt ứng dụng phòng, chống dịch.

Theo các chuyên gia, khi áp dụng công nghệ là cài đặt và sử dụng PC-Covid, sử dụng quét mã QR khi tới các địa điểm công cộng, vấn đề truy vết các ca nghi nhiễm, ca F0 sẽ rất nhanh chóng, tính bằng giây, sẽ bóc tách được các F0 ra khỏi cộng đồng sớm, không để virus lây lan. Lúc đó, cuộc sống sẽ sớm trở về bình thường mới mà không phải giãn cách xã hội tốn hàng nghìn tỷ đồng, cuộc sống người dân sinh hoạt bình thường và thành phố phát triển kinh tế, xã hội.

TP. Hà Nội đang là ví dụ mạnh mẽ cho việc này. Trước đó, với sự tư vấn của Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch COVID-19 quốc gia và cung cấp dữ liệu từ hệ thống Bluezone (tiền thân của PC-Covid), tokhaiyte.vn, TP. Hà Nội đã giám sát, xét nghiệm gần 14.000 trường hợp ho, sốt, qua đó ghi nhận ít nhất 95 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 rải rác khắp các quận, huyện. Sau khi truy vết tiếp xúc, tiếp tục xét nghiệm các trường hợp liên quan, đã có thêm gần 700 ca mắc tại cộng đồng được phát hiện, chiếm gần 40% số ca mắc ghi nhận của toàn thành phố.

Truy vết bằng công nghệ - hiệu quả nhưng không phải ai cũng hiểu - Ảnh 2.

Ứng dụng Bluezone hỗ trợ cảnh báo nếu bạn đã tiếp xúc gần người nhiễm COVID19

Có được kết quả nhanh chóng như trên là do trước đó Hà Nội đã đẩy mạnh việc quét mã QR khi đến các địa điểm. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng kêu gọi người dân tiếp tục khai báo y tế trên ứng dụng Bluezone (hiện tại là PC-Covid), nhất là đối với những người có biểu hiện ho, sốt, đau họng.

Thấy rõ hiệu quả từ TP.Hà Nội, nhiều tỉnh thành khác cũng đang thực hiện và đạt hiệu quả tương tự. Theo các chuyên gia, mô hình sử dụng công nghệ vào phòng, chống dịch cần được nhân rộng khắp cả nước, nhất là hiểu được vấn đề truy vết bằng công nghệ quan trọng như thế nào. Điều này cần cả người dân cùng phối hợp thì công nghệ sẽ càng phát huy hiệu quả rõ rệt trong thời gian tới.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước