Vietnam ICT Summit 2015 bàn về "Quản trị thông minh"

P.V-Thứ năm, ngày 25/06/2015 15:11 GMT+7

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Vietnam ICT Summit 2015

VTV.vn - Những chia sẻ, trao đổi tại Diễn đàn để tìm ra nút thắt và các giải pháp đột phá bằng ứng dụng CNTT trong các lĩnh vực y tế, giao thông, giáo dụng đào tạo và dịch vụ công.

Hôm nay (25/6), Diễn đàn Cấp cao Công nghệ Thông tin - Truyền thông Việt Nam 2015 (Vietnam ICT Summit) đã chính thức khai mạc tại Hà Nội. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Cựu Thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama là khách mời đặc biệt của Diễn đàn và đã có bài phát biểu quan trọng trong phiên khai mạc.

Với chủ đề "CNTT và Quản trị thông minh", Diễn đàn đã thu hút sự tham gia của trên 500 đại biểu trong và ngoài nước. Đặc biệt, Diễn đàn có sự tham dự của không chỉ các doanh nghiệp trong ngành CNTT mà 2/3 các đại biểu đăng ký tham dự diễn đàn đến từ các cơ quan, tổ chức doanh nghiệp ứng dụng CNTT từ khắp các tỉnh thành trên cả nước. Đây là sự thay đổi rất lớn trong thành phần tham dự diễn đàn so với các năm trước, chứng tỏ sức hút của chủ đề diễn đàn năm nay cũng như thể hiện CNTT giờ đây đã được sự quan tâm ngày càng lớn hơn của cộng đồng xã hội.

Trong phiên khai mạc, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã nhấn mạnh CNTT là một công cụ kỳ diệu của nhân loại không thể không sử dụng. CNTT đem lại cơ hội tuyệt vời cho tất cả mọi người kể cả những người không may mắn, không có lợi thế như những người khuyết tật, nông dân. Phó Thủ tướng bày tỏ vui mừng trước sự phát triển một cách tự tin và có tính đột phá của CNTT nước nhà nhất là từ sau Diễn đàn năm ngoái. CNTT trong năm qua có tốc độ tăng trưởng 16%. Việt Nam đứng trong top 5  nước tăng trưởng CNTT nhanh nhất Thế giới. Trong lĩnh vực dịch vụ phần mềm thuê ngoài, Việt Nam còn đứng đầu bảng xếp hạng của thế giới; chưa kể 1 loạt hiện tượng những cá nhân, doanh nghiệp trẻ, các doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) của chúng ta không chỉ ở Việt Nam mà ở nước ngoài, đã có những sản phẩm được cả thế giới thừa nhận. Tuy nhiên Phó thủ tướng cũng bày tỏ sự không hài lòng khi Chính phủ điện tử của Việt Nam bị LHQ đánh giá tụt hạng tới 19 bậc trong đó đáng quan tâm nhất là sự phát triển dịch vụ công điện tử của Việt Nam còn chậm.

Phó Thủ tướng cho rằng chúng ta đã có đầy đủ các văn bản, từ Đảng, Nhà nước, các chiến lược cụ thể, vấn đề là tổ chức thực hiện nó như thế nào. Phó Thủ tướng nhấn mạnh một số giải pháp để tạo đột phá đó là thúc đẩy thuê dịch vụ CNTT; cần có chính sách ưu đãi đặc biệt về thuế dối với lĩnh vực CNTT để thu hút đầu tư và nhân tài phát triển CNTT; cần tạo được một “hệ sinh thái”  1 hệ sinh thái để cộng đồng CNTT từ 1 cá nhân, 1 nhóm, 1 tập đoàn lớn như FPT, Viettel, CMC, hay các DN nước ngoài như Intel, Oracle có thể tham gia... Vấn đề mà Phó Thủ tướng nhấn mạnh và yêu cầu các DN thực hiện đó là cần phải làm nhanh lên, chạy đua. "Gần đây tôi có cơ hội được quan sát 1 số nhà tu hành ở 1 số tôn giáo khác nhau, họ rất chậm rãi, bình thản, không vội vàng, không nhanh. Nếu quan sát kỹ từng động tác rất chậm rãi, không hấp tấp nhưng không làm 1 động tác thừa nào cả - khi được hỏi, họ nói rằng từ khi bước vào tu hành chỉ nguyện theo mục đích ấy, chỉ để tốc độ đạt tới mục đích, không phải tốc độ của từng công đoạn, hãy đặt tiến độ, tốc độ vào việc thuê dịch vụ, từng bước 1 phải thật bài bản, chắc chắn".

Phát biểu trong phiên khai mạc, Bộ Trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son đã nêu bật những thành tựu mà ngành CNTT-TT đã đạt được đồng thời chỉ ra nhiều điểm bất cập trong việc đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT tại Việt Nam như: hệ thống thông tin và quản lý dữ liệu của các ngành chưa đồng bộ, liên thông; kinh phí đầu tư cho ứng dụng, phát triển CNTT còn khiêm tốn; chất lượng và số lượng nhân lực trong lĩnh vực CNTT chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế; khả năng ứng dụng CNTT vào quản trị cơ quan, doanh nghiệp còn hạn chế; cơ chế ưu đãi, hỗ trợ cho các doanh nghiệp CNTT chưa có tính đột phá.

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son

Bộ trưởng đã nêu ra 7 nhiệm vụ giải pháp mà bộ sẽ tập trung triển khai quyết liệt để khắc phục những những tồn tại, bất cập đồng thời khai thác hiệu quả tiềm năng lợi thế của CNTT, bao gồm: phát huy sự chỉ đạo của UBQG về ứng dụng CNTT; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan tổ chức trong việc ứng dụng CNTT; tiếp tục bổ sung hoàn thiện cơ chế chính sách; hỗ trợ việc đầu tư, nghiên cứu - phát triển, sáng tạo các sản phẩm, dịch vụ CNTT trọng điểm; Xây dựng hệ thống hạ tầng thông tin quốc gia đồng bộ, hiện đại; Thúc đẩy thuê dịch vụ CNTT và phát triển nguồn nhân lực CNTT.

Chia sẻ tại Diễn đàn, đại diện của IBM và Fujitsu - những tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới cũng đã chia sẻ những giải pháp công nghệ cho việc quản trị: thiên tai, nguồn lực, nông nghiệp, giao thông, y tế và giải pháp tổng thể xây dựng đô thị thông minh nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống dân cư.

Sau phiên khai mạc, Diễn đàn có 4 tọa đàm chuyên sâu

Sau phiên khai mạc, Diễn đàn có 4 tọa đàm chuyên sâu

Sau phiên khai mạc toàn thể, Diễn đàn đã lần lượt thảo luận theo 4 tọa đàm chuyên sâu nhằm tập trung trao đổi, thảo luận về xu thế, chiến lược và các giải pháp để ứng dụng hiệu quả CNTT trong quản trị các ngành, lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt là trong một số ngành, lĩnh vực đang là mối quan tâm hàng đầu của Chính phủ, các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp và cộng đồng xã hội như: dịch vụ công; y tế, bảo hiểm, giao thông, đô thị và nguồn nhân lực CNTT.

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch VINASA chia sẻ: “Trước đây, khi Internet ra đời xóa nhòa biên giới không gian và thời gian, khiến thế giới của chúng ta như phẳng hơn. Giờ đây với sự bùng nổ của nền tảng công nghệ SMAC và xu hướng IoT khiến thế giới của chúng ta trở lên nhanh hơn bao giờ hết, và giường như không còn có sự giới hạn về tốc độ. Lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, các quốc gia đi sau có cơ hội nắm bắt CNTT để tăng tốc phát triển với tốc độ không hạn chế. Đây là cơ hội tuyệt vời để Việt Nam tăng tốc phát triển”.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước