Bức tranh ngành công nghiệp Game Việt

PV-Thứ sáu, ngày 27/11/2009 15:56 GMT+7

Hiệp hội Hiệp hội doanh nghiệp phần mềm Việt Nam (VINASA) cùng Câu lạc bộ Doanh nghiệp Game và Nội dung số (VGB) vừa phối hợp tổ chức hội thảo: Thực trạng ngành Game Việt Nam và Triển vọng phát triển game Việt.

Đây là một hoạt động được tổ chức thường niên từ năm 2006 nhằm đánh giá tình hình và đưa ra những định hướng phát triển chung cho các doanh nghiệp Game Việt Nam. Tham dự hội thảo có đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông, lãnh đạo VINASA, VGB và đại diện hầu hết các doanh nghiệp game trong cả nước. Ngoài ra còn có khá đông các chuyên gia về game, các sinh viên đang được đào tạo chính quy về phát triển game trong các trường đại học và trung tâm CNTT, các cơ quan báo chí tham dự hội thảo.
Bức tranh ngành công nghiệp Game Việt
Trong những năm gần đây, ngành công nghiệp Game và nội dung số đã phát triển với tốc độ rất nhanh. Số lượng các doanh nghiệp phát hành Game tại Việt Nam tuy chưa nhiều nhưng với doanh số lớn và tăng trưởng nhanh đã góp phần quan trọng vào sự phát triển doanh thu của ngành công nghiệp nội dung số tăng trung bình khoảng 45%/năm, với doanh thu năm 2008 đạt 440 triệu USD (Theo Bộ Thông tin và truyền thông). Sự phát triển của ngành đã mang về mức doanh thu lớn cho các nhà phát hành Game; góp phần không nhỏ trong trong sự phát triển chung của ngành công nghiệp nội dung số Việt Nam và đồng thời thúc đẩy sự phát triển của hạ tầng viễn thông Việt Nam.
Tại hội thảo, các doanh nghiệp đã cùng nhau đánh giá tổng thể tình hình hoạt động thị trường game Việt Nam năm 2008 – 2009, chỉ ra những khó khăn, vướng mắc trong phát triển ngành game tại Việt Nam. Theo ông Trương Hoài Trang – Phó chủ tịch của VINASA, Việt Nam là thị trường Game lớn nhất trong khu vực với 53 game đã được phát hành (30 game online) của hơn 20 công ty phát hành game. Cộng đồng Game thủ lên đến 12 triệu người. Tuy vậy, thị trường cũng đang dần trở lên bão hòa với sự cạnh tranh rất khốc liệt điển hình là năm 2008 – 2009, rất nhiều game nhập về nhưng phát hành không thành công, chỉ có duy nhất 1 game mới thành công, tạo được chỗ đứng trên thị trường. VINASA và VGB cũng đã đưa ra danh sách 10 game mới đưa vào phát hành không thành công trong năm 2009, như một minh chứng cho thấy sự khốc liệt trong kinh doanh game online đã bắt đầu.
Các đại biểu tham dự cũng đánh giá thị trường Game Việt Nam đã bước vào giai đoạn khó khăn. Đó không chỉ là những khó khăn về mặt thị trường và nhân lực, mà còn là sự thiếu nghiêm trọng những nghiên cứu, báo cáo khoa học chính xác của các chuyên gia trong ngành. Các doanh nghiệp game cũng đã thảo luận về những định hướng phát triển mới. Một ví dụ được đưa ra là xu hướng phát triển những Game cho điện thoại di động, đặc biệt là trong giai đoạn thị trường di động đang phát triển bùng nổ và hệ thống cơ sở hạ tầng cũng đang được các nhà cung cấp đầu tư nâng cấp để chuyển sang công nghệ 3G. Bên cạnh đó, để duy trì và đảm bảo tốc độ phát triển cho ngành, các đại biểu cũng đề xuất có được những sự trợ giúp ở tầm vĩ mô của các cơ quan quản lý.
Đi tìm hướng đi mới
Có một thực trạng đáng buồn là hầu như tất cả các game đang được phát hành tại Việt Nam đều là các game nhập khẩu từ nước ngoài về, chủ yếu là từ Trung Quốc và Hàn Quốc. Doanh thu của các nhà phát hành thu được đều phải chia sẻ với đối tác nước ngoài. Trong khi đó công tác hỗ trợ game mỗi khi có lỗi của các đối tác này chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế và doanh nghiệp Việt Nam phải chịu thêm nhiều khoản chi phí cho việc khắc phục sự cố này. Thêm vào đó, các cấp quản lý các nhà phát hành và đặt biệt là người chơi đều rất khó chịu vì các game thủ phải làm quen, nhập vai các nhân vật nước ngoài, tìm hiểu những lịch sử văn hóa của các nước xuất khẩu game trong khi những truyền thống văn hóa tốt đẹp, những anh hùng dân tộc, và lịch sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam không được truyền tải tới người chơi…Đây là vấn đề đã đã làm trăn trở cộng đồng Game Việt nhiều năm và tốn không ít giấy mực của báo chí.
Hiện tại, đã có một vài doanh nghiệp Game đang đầu tư có quy mô cho phát triển game Việt với tham vọng sẽ là người đầu tiên phát triển thành công game Online Việt Nam, một số doanh nghiệp khác cũng đang có định hướng này cho sự phát triển trong tương lai của doanh nghiệp mình. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng chưa cởi mở thông tin về ý tưởng phát triển game Việt, dường như vì muốn giữ bí mật ý tưởng kinh doanh hoặc chưa thực sự tự tin vào khả năng thành công.
Với việc tổ chức Hội thảo năm nay, VINASA và VGB tiếp tục khẳng định nỗ lực thúc đẩy sự phát triển lành mạnh ngành công nghiệp giải trí điện tử Việt Nam, tạo diễn đàn để các doanh nghiệp game Việt Nam cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác phát triển. Đồng thời Hội thảo cũng đưa ra các khuyến nghị chính thức với Bộ Thông tin và Truyền thông về phát triển công nghiệp game Việt Nam, trong đó có đề nghị nhanh chóng xem xét thay thế Thông tư 60 ban hành từ năm 2006 để phù hợp hơn với thực tế và tạo điều kiện cho ngành Game nước ta phát triển.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước