Giải pháp cho 1 triệu nhân lực CNTT

N.B-Thứ năm, ngày 02/02/2012 07:00 GMT+7

Một trong những nội dung quan trọng của đề án nước mạnh là phấn đấu nước ta có được 1 triệu nhân lực CNTT vào năm 2020. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu, cần có những giải pháp đột phá ngay từ bây giờ, nếu không sẽ chỉ là ước mơ.

Với 1 triệu kỹ sư CNTT, Việt Nam sẽ nằm trong top 5 quốc gia có nguồn nhân lực hấp dẫn nhất; là điểm đến của các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới; là động lực hiện thực hóa các mục tiêu phát triển…
Ông Nguyễn Nhật Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Công nghệ Hài Hoà cho rằng: “1 triệu nhân lực CNTT là con số phù hợp và là mục tiêu ta cần phải phấn đấu”.
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Phần mềm Việt Nam: “1 triệu đó là quy mô của 5 nước hàng đầu thế giới. Nếu chúng ta có 1 triệu nhân lực CNTT sẽ là điểm đến của các hãng, tập đoàn công nghệ cao trên thế giới”.
Theo bà Lê Thị Ngọc Diệp, Phó Tổng Giám đốc VNG: “Tất cả các công ty đang hoạt động ở lĩnh vực CNTT sẽ rất vui mừng vì có sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng, giúp công ty có nguồn nhân lực để đón đầu cơ hội kinh doanh”.
Giới CNTT kỳ vọng rằng, với con số 1 triệu, Việt Nam không chỉ có cơ hội hiện thực hóa các mục tiêu phát triển, trở thành nước mạnh nhờ CNTT mà ngành CNTT Việt Nam còn có được một vị thế khác. Tuy nhiên, làm thế nào để trong vòng chưa đầy 10 năm nữa, chúng ta có được con số đáng mơ ước đó? Cùng với vai trò chính của ngành giáo dục thì các doanh nghiệp đang làm gì và cần làm gì để góp phần hiện thực hóa mục tiêu chung?
1 triệu: Đâu là giải pháp?
VNG tour là chương trình được thiết kế cho sinh viên năm thứ 2 và 4 nhằm tham quan, tìm hiểu môi trường làm việc thực tại doanh nghiệp. Thông qua chương trình này, sinh viên CNTT và nhiều ngành kinh tế có được cái nhìn tổng thể và định hướng nghề nghiệp trong ngành Internet.
Những hoạt động như thế này không có nhiều ý nghĩa với việc tuyển dụng của doanh nghiệp, tuy nhiên lại rất cần thiết trong nỗ lực gia tăng hứng thú của đội ngũ nhân lực tương lai với lĩnh vực CNTT.
Đặc biệt, trong thời gian gần đây, tỷ lệ học sinh có nguyện vọng theo học CNTT đang sụt giảm nhanh chóng. Theo kết quả khảo sát do Đại học FPT tiến hành, trong 11.000 học sinh phổ thông được hỏi thì chỉ có 6,25% cho biết muốn theo học ngành CNTT, trong khi tỷ lệ này của năm 2009 là 8,76%.
Hiện tại, nhiều doanh nghiệp đang tổ chức các chương trình thực tập cho sinh viên năm cuối, tạo cơ hội cho sinh viên tham gia vào các dự án thực nhằm rút ngắn khoảng cách giữa học đường và môi trường làm việc thực. Thông qua chương trình này, rất nhiều doanh nghiệp đã tuyển dụng được một số lượng nhất định nhân sự hàng năm.
Bà Lê Thị Ngọc Diệp cho biết: “Trong năm 2010, VNG đã tuyển chọn được 25 bạn thông qua chương trình Fresher. Chúng tôi đặt mục tiêu tuyển dụng nhiều hơn, nhưng chú trọng vào chất lượng hơn là số lượng. Những nhân sự chúng tôi tuyển chọn từ các trường đại học dần dần đã trở thành những cá nhân có thành tích công việc cao của công ty. Chỉ trong vòng 2 năm các bạn có thể đảm nhận những dự án rất quan trọng và điều hành những sản phẩm rất thành công của công ty”.
Ông Trương Gia Bình cho rằng: “Để đạt được quy mô và tầm vóc ngành CNTT ngày hôm nay, các doanh nghiệp đều tham gia vào việc đào tạo hoặc đào tạo nhân viên để giải quyết công việc của mình. Đóng góp thứ hai của các doanh nghiệp là họ mở các trung tâm đào tạo. Cái này đã có từ cách đây 20 năm”.
Các doanh nghiệp đang có đóng góp không nhỏ trong đào tạo nguồn nhân lực, trước hết là để phục vụ cho nhu cầu nội tại. Tuy nhiên, để có tầm vóc nguồn nhân lực như ngày hôm nay, và bức tranh CNTT như ngày hôm nay thì nguồn cung chính vẫn là từ hệ thống các cơ sở đào tạo chính quy về CNTT. Nếu như năm 2005 mới chỉ có 7 khoa CNTT, thì đến năm 2010 đã có tới 133 trường đại học, 153 trường cao đẳng và 351 trường trung học chuyên nghiệp có đào tạo CNTT.
Chủ tịch Vinasa, ông Trương Gia Bình cho rằng: “Vấn đề đào tạo nguồn nhân lực phải kết hợp sức mạnh tổng hợp của tất cả các lực lượng. Đầu tiên chúng ta phải nói đến là đào tạo nội bộ. Sinh viên CNTT tốt nghiệp ra trường chưa thể đáp ứng hết được nhu cầu của ngành, họ còn cần cả những kiến thức chuyên ngành nữa. Nguồn lực thứ hai là khối xã hội hóa bao gồm các doanh nghiệp, các tổ chức đứng ra đào tạo. Lực lượng thứ 3 quan trọng nhất và hiện nay vẫn chiếm tuyệt đại đa số là các trường công”.
Vấn đề đặt ra và cần được khắc phục trong đào tạo nhân lực hiện nay là giáo dục chưa phát triển kịp với nhu cầu phát triển kinh tế xã hội. Đặc biệt trong những ngành còn mới mẻ như CNTT thì vấn đề này càng lộ rõ. Con số 1 triệu nhân lực rõ ràng không phải là mục tiêu khó đạt được, nhưng để có 1 triệu nhân lực đủ tiêu chuẩn quốc tế thì vấn đề đào tạo cần được nhìn nhận nghiêm túc ngay từ bây giờ.
Ông Nguyễn Nhật Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Công nghệ Hài Hoà khẳng định: “Doanh nghiệp và nhà trường phải tiến lại với nhau. Ngành giáo dục cũng ý thức được vấn đề nhưng để thay đổi chất lượng thì quy trình đào tạo phải 4, 5 năm. Cùng với thay đổi đội ngũ giáo viên, giáo trình thì phải 10 năm sau mới có thể thấy kết quả. Giáo dục là sự nghiệp toàn dân, không chỉ Bộ GD - ĐT mà các bộ, cụ thể là Bộ TT – TT và các doanh nghiệp cần được tạo điều kiện để tham gia vào quá trình chung, thì mới hi vọng chúng ta có 1 triệu nhân lực tốt vào năm 2020”.
Đánh giá cao tầm quan trọng của nhận thức, ông Trương Gia Bình cho rằng: “Khi có nhận thức rõ chúng ta có thể làm được tất cả. Hiện nay ở FPT, chúng tôi đào tạo ra những kỹ sư để làm việc ở bất kỳ nơi nào trên thế giới. Cần có nhận thức sâu sắc về ngoại ngữ, và khung kiến thức quốc tế thì chúng ta sẽ tìm ra lời giải khả thi”.
Vị thế Việt Nam với 1 triệu kỹ sư CNTT
Với 1,3 triệu kỹ sư CNTT, Ấn Độ có vị thế là cường quốc công nghiệp phần mềm. Trung Quốc được mệnh danh là công xưởng sản xuất của thế giới. Liệu Việt Nam có được vị thế tương tự từ CNTT và nhờ CNTT?
Ngành CNTT toàn cầu đang thiếu khoảng 3 triệu kỹ sư, 5 năm nữa, con số thiếu hụt ước tính là 10 triệu. Nguồn nhân lực đang là một lợi thế. Nhưng chỉ một số ít quốc gia có đủ điều kiện để tận dụng cơ hội này, trong đó có Việt Nam.
Chủ tịch Vinasa – ông Trương Gia Bình nhận định: “Thế giới đi vào phân công lao động sâu, mỗi quốc gia sẽ nổi bật và có ưu thế trong một lĩnh vực. Việt Nam đang bước vào cửa sổ dân số vàng. Việt Nam có 1 số lượng rất đông người trẻ tuổi. Không phải nước nào cũng có cơ hội như vậy”.
Là quốc gia 86 triệu dân, ở ngưỡng cửa dân số vàng và tinh thần ham học hỏi là tiền đề cơ bản cho tham vọng có 1 triệu nhân lực cho ngành công nghiệp CNTT-TT, đưa Việt Nam vào danh sách các quốc gia có nhân lực CNTT-TT cỡ triệu người. Hiện tại mới chỉ có Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ có được quy mô này. Trong 5 - 10 năm nữa, cũng chỉ có vài nước như Việt Nam, Brasil là có lợi thế về nguồn vốn nhân lực. Rõ ràng, cơ hội để Việt Nam có được vị trí của một cường quốc đang hiện hữu...
“Số lượng 1 triệu người đã khó, và tính hiệu quả của con số 1 triệu người cũng là vấn đề rất đau đầu. Tuy nhiên, nếu chúng ta đặt 1 triệu ấy trong khuôn khổ VN trở thành nước mạnh nhờ CNTT thì đạt mục tiêu 1 triệu cũng dễ và tính tích hợp vào các ngành kinh tế khác cũng dễ. Nếu muốn thúc đẩy nhanh, đưa CNTT 1 cách hài hòa, sâu vào các ngành kinh tế xã hội khác thì đội ngũ cầu nối cũng cần tính đến”.
Quy mô 1 triệu kỹ sư CNTT là con số cần thiết, khả thi và là mục tiêu toàn ngành cần phấn đấu. Nhưng thực tế, việc đào tạo CNTT nhằm cung cấp nhân lực cho ngành kinh tế mang tính thị trường, nên cũng cần phải được dẫn dắt bởi các quy luật của thị trường. Đây là vấn đề ngành giáo dục cần lưu tâm để đến năm 2020, chúng ta không chỉ có được 1 triệu nhân lực CNTT, mà còn có quy mô nhân lực hàng triệu đạt chuẩn Quốc tế.
Với đặc thù là ngành mang hàm lượng chất xám cao, việc phát triển nguồn nhân lực cho CNTT-TT được nhấn mạnh như là giải pháp then chốt của đề án nước mạnh vừa được Thủ tướng Chính phủ thông qua ngày 22/9/2010. Việt Nam hiện đang được coi là hội tụ đầy đủ các yếu tố để biến mục tiêu 1 triệu nhân lực CNTT thành hiện thực vào năm 2020. Nhưng nếu không có những giải pháp thúc đẩy toàn diện và quyết liệt thì con số 1 triệu mãi mãi chỉ là giấc mơ. Bỏ qua cơ hội này, đồng nghĩa với việc VN mất cơ hội có được vị thể mới trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước