Groupon Việt gặp khó?

N.B-Thứ hai, ngày 13/02/2012 12:20 GMT+7

Phát triển mạnh mẽ trong 2 năm trở lại đây, với tham vọng mang lại thành công cả về doanh thu và thương hiệu như mô hình Groupon, tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, mua theo nhóm tại Việt Nam đang bộc lộ những hạn chế.

Trước hết phải kể đến việc website mua theo nhóm do VNG sáng lập - Zingdeal tuyên bố ngừng hoạt động từ 8/2. Thực tế, việc đóng cửa Zingdeal không ảnh hưởng nhiều đến thị trường, khi thị phần của website này quá nhỏ, và VNG - đơn vị quản lý Zingdeal - cũng đã cam kết sẽ đảm bảo quyền lợi của khách hàng và đối tác.

Mặc dù vậy, xét về mặt tâm lý, việc một website mua theo nhóm công khai tuyên bố dừng hoạt động đã tác động không nhỏ đến hàng trăm doanh nghiệp tương tự khi một thương hiệu lớn như VNG cũng phải tuyên bố từ bỏ hình thức kinh doanh này. Dù theo tuyên bố của VNG: "Dừng kinh doanh một sản phẩm là việc làm hoàn toàn bình thường, khi doanh nghiệp thay đổi chiến lược, tập trung cho những lĩnh vực chủ chốt" - thì trên thực tế, việc kinh doanh kém hiệu quả là chuyện có thật, và những doanh nghiệp chiếm thị phần nhỏ tại thị trường này đang bắt đầu phải có những suy nghĩ nghiêm túc.

Thông tin từ một website chiếm thị phần lớn nhất trong mô hình mua theo nhóm ở thời điểm hiện tại, chỉ riêng trong tháng Tết, doanh nghiệp này đã sụt giảm tới 35% doanh thu. Sau Tết tình hình cũng chưa thấy khả quan hơn, khi khách hàng không mấy mặn mà săn tìm các sản phẩm giảm giá, và doanh nghiệp cũng chưa có nhiều "deal" hấp dẫn khách hàng.
Đấy là chưa kể, phát hiện của nhiều khách hàng cho thấy tại nhiều website mua theo nhóm, giá thực của sản phẩm đã bị đẩy lên so với thực tế. Khi đó, con số giảm đến hàng chục % của nhiều sản phẩm chỉ là con số ảo. Có thể, lỗi này thuộc về chính các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm và các doanh nghiệp kinh doanh mua theo nhóm cũng chỉ là nạn nhân, nhưng niềm tin của khách hàng đã bị sụt giảm đáng kể.
"Trên trang chủ của công ty Pi Việt Nam lẫn website nhanhnhanh.vn đều đăng tải thông tin bán máy tính bảng Pi C003 với giá 6.000.000đ nhưng mua qua nhanhnhanh.vn sẽ được giảm giá 2.000.000đ nên người tiêu dùng có thể mua với giá cuối là 4.000.000đ. Tuy nhiên, khi liên hệ trực tiếp với nhân viên bán máy của Pi Việt Nam thì nhân viên cho biết có thể mua tại công ty với giá 4.000.000đ mà không cần thông qua nhanhnhanh.vn. Như vậy có thể thấy hai đơn vị trên bắt tay nhau cùng “tâng” giá và làm thương hiệu cho nhau. Bản thân khách hàng không có lợi hay được giảm giá" - phát hiện của phóng viên ANTĐ.
Sự phát triển mạnh mẽ của mô hình mua theo nhóm tại Việt Nam là thực tế dễ nhận thấy trong thời gian qua. Tuy nhiên, cũng do phát triển quá nóng, nhiều doanh nghiệp đã bộc lộ những hạn chế, từ việc cung cấp cho khách hàng những chương trình giảm giá hấp dẫn, việc giao phiếu, hay vướng mắc trong khâu thanh toán.
Theo khảo sát tại nhiều website mua theo nhóm, thập chí với cả những doanh nghiệp chiếm đến hơn 1/3 thị phần như Nhóm Mua, thì chưa website nào thực sự có lãi. Hầu hết các doanh nghiệp này đang hoạt động từ vốn đầu tư: "Không chỉ có Nhóm Mua, mà mô hình mua theo nhóm hiện tại đang phải bù lỗ để chờ sự bùng nổ của thị trường. Nhưng chúng tôi luôn tin tưởng vào sự thành công, từ kinh nghiệm của nhà đầu tư, sự am hiểu tâm lý khách hàng và doanh nghiệp Việt" - đại diện Nhóm Mua cho biết.
Liệu sau Zingdeal, còn những website nào sẽ phải tuyên bố ngừng hoạt động? Sau 2 năm, liệu khách hàng đã thực sự bị hấp dẫn và bỏ thời gian săn tìm những sản phẩm giảm giá? Và bao giờ Groupon Việt mới thực sự có lãi?... Chặng đường 2 năm phát triển không phải là ngắn, nhưng chưa đủ dài để có thể giải đáp những câu hỏi này, nhất là với loại hình kinh doanh điện tử - vốn đặt ra nhiều kỳ vọng, nhưng cũng không ít hoài nghi về khả năng thành công.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước