Hệ điều hành của tương lai - Vẫn còn là ẩn số!

H.A-Thứ hai, ngày 10/01/2011 11:57 GMT+7

iOS, Android hay trước đó là Symbian...mỗi hệ điều hành đều thể hiện ưu thế nhất định của mình, làm cho cuộc chiến di động hiện trở nên nóng bỏng hơn lúc nào hết. Liệu có hay không sự đổi ngôi trên thị trường này? Và đâu sẽ là hệ điều hành của tương lai?

Giải mã thành công của Androi

- Tăng trưởng mạnh mẽ và vươn lên vị trí thứ hai trên thị trường hệ điều hành chỉ chưa đầy 2 năm chính thức ra mắt. Hàng loạt các hãng có hay không có hệ điều hành của riêng mình đều tuyên bố sẽ tiếp tục sản xuất các thiết bị chạy trên nền tảng mở này của Google.

- Hàng ngày có khoảng 100 nghìn điện thoại Android được bán ra trên toàn cầu. Google thậm chí còn tuyên bố với người dùng ứng dụng của họ rằng: “Đừng trả tiền cho chúng tôi, chúng tôi sẽ trả tiền cho bạn”. Có nghĩa các ứng dụng mà họ cung cấp trên nền tảng Android sẽ không chỉ miễn phí mà còn giúp người dùng kiếm lợi từ đó.

- Tất cả đủ để chứng tỏ năm 2010 là năm đặc biệt thành công của Android. Vậy lý do vì sao mà nền tảng mở này lại hấp dẫn đến vậy?

Theo anh Tuấn Anh, Admin GSM.vn: "Android là nền tảng hệ điều hành mở, Google cho tất cả các hãng sản xuất phần cứng tích hợp hệ điều hành của mình, gần như không yêu cầu gì khắt khe. Những người phát triển ứng dụng cũng như sản xuất phần cứng có thể thoải mái sản xuất sản phẩm của mình theo nền tảng mở và miễn phí này".

Anh Nguyễn Ngọc Cường, Giám đốc Công ty Phần mềm Phù Đổng thì cho rằng: "Android có chiến lược phát triển, sản xuất phần mềm với chi phí thấp. thậm chí miễn phí. Họ học được những bài học rất tốt từ Windown Mobile và điều quan trọng là họ kích thích được đội ngũ lập trình viên viết các ứng dụng, đa số là ứng dụng miễn phí cho hệ điều hành. Nền tảng này thân thiện với các dòng máy khác nhau từ dòng máy cao cấp đến những dòng máy giá rất là thấp".

Sự thành công ấn tượng của Android cũng mở ra một hướng mới cho các hãng khi Symbian đã bắt đầu lỗi thời và Windown Mobile lại khá nặng nề với nhiều ràng buộc. Cùng với đó là những hạn chế khi dùng hệ điều hành của các người khác là những lý do nhiều hãng thiết bị quyết định thoát ra tìm hướng đi riêng. Trong đó đáng chú ý là sự bắt tay giữa Nokia và Intel cho ra nền tảng Meamo, bên cạnh Symbian và sự ra mắt Bada của Samsung trong năm 2010 vừa qua.

Theo ông Nguyễn Văn Đạo, Phó Tổng Giám đốc Công ty điện tử Samsung Vina: "Hiện tại Samsung đang đẩy mạnh phân khúc smartphone. Do vậy, Samsung quyết định cho ra mắt một nền tảng của riêng mình, để rộng rãi trong sản xuất, thiết kế, chủ động đưa ra những phân khúc smartphone phù hợp với người tiêu dùng".

Anh Nguyễn Ngọc Cường thì cho rằng: "Phát triển điện thoại bao giờ cũng kèm dịch vụ gia tăng - bất kỳ nền tảng nào cũng vậy. Các hãng sản xuất không muốn lệ thuộc vào kho ứng dụng của người khác, họ xây dựng nền tảng riêng của mình và xây dựng những kho ứng dụng riêng".

Hệ điều hành nào sẽ lên ngôi?

Cũng như nhiều bạn trẻ khác, bạn Hoàng Đức Huynh đặc biệt yêu thích các sản phẩm công nghệ mới. Vì vậy, nên dù chỉ sử dụng thường xuyên một số sim duy nhất phục vụ cho việc liên lạc, nhưng hiện tại bạn sở hữu đến 3, 4 chú dế, mỗi chiếc lại chạy một hệ điều hành khác nhau. Theo Đức Huynh, mỗi hệ điều hành đều có lợi thế riêng, và cũng vì vậy, mỗi chiếc điện thoại đều có những tính năng phù hợp cho mục đích sử dụng khác nhau.

Trên thực tế, việc có trong tay hơn một chiếc smartphone không còn là chuyện hiếm trong giới trẻ hiện tại. Bất chấp thị phần điện thoại đang có sự chênh lệch nhất định, thì cơ hội cho các hệ điều hành vẫn tương đối đồng đều.

Nếu như Android đang thắng thế về mặt thiết bị, thì iOS vẫn đang tiếp tục bành trướng trên thị trường điện thoại thông minh. Trong khi đó, Symbian dù đã mất hơn 1/6 thị phần chỉ trong một năm qua, nhưng hệ điều hành này của Nokia vẫn chưa để mất vị trí số 1. Cùng khoảng thời gian đó, BlackBerry của RIM mặc dù thị phần giảm nhưng số lượng máy bán ra vẫn tiếp tục tăng.

Song song với việc củng cố tên tuổi của các hệ điều hành đã thành danh, thì những hệ điều hành chạy trên nền tảng mở dù chỉ mới ra mắt thị trường chưa lâu, nhưng cũng đã có những chiến lược bài bản, cho thấy họ thực sự là những đối thủ đáng gờm. Ông Nguyễn Văn Đạo, Phó Tổng giám đốc Samsung Vina cho biết: "Cùng với việc ra mắt Bada, Samsung cũng tổ chức cuộc thi viết ứng dụng cho nền tàng này, vừa là một kênh giới thiệu sản phẩm mới, vừa tăng cường kho ứng dụng của mình".

Cục diện thị trường điện thoại cho thấy, không có hệ điều hành duy nhất và cũng không có hệ điều hành tối ưu. Mỗi hệ điều hành có ưu điểm riêng, mỗi hãng có chiến lược riêng để giữ thị phần của mình. Cũng vì vậy, với cùng 1 câu hỏi: Đâu là hệ điều hành của tương lai, chúng tôi đã nhận được những ý kiến rất khác nhau.

Anh Nguyễn Ngọc Cường, Giám đốc Công ty Phần mềm Phù Đổng cho rằng: "Nếu nói về số lượng thiết bị thì 2011 sẽ là năm của Android. iPhone cũng khá mạnh nhưng lựa chọn sản phẩm không được nhiều, không đa dạng. Lợi thế của Bada chính là hỗ trợ trực tiếp các nhà phát triển. Đó sẽ là động lực cho hệ điều hành này phát triển".

Theo anh Tuấn Anh, Admin GSM.vn: "Tốc độ phát triển sản phẩm của Apple rất đều và rất nhiều nhưng để dẫn đầu trong cuộc chiến hệ điều hành chắc chắn Apple phải cố gắng rất nhiều. Có những biểu hiện cho thấy họ đang rất cố gắng như chuẩn bị ra iPhone 5, bắt đầu đầu tư công nghệ cho sản phẩm iPhone 6, chứng tỏ họ luôn luôn có ý thức dẫn đầu thị trường. Trong năm 2011 tôi vẫn tin là iOs của Apple tiếp tục dẫn đầu thị trường".

Đích đến của cuộc chiến hệ điều hành?

"Đi về hướng lợi cho người tiêu dùng. Khi hệ điều hành mở ra, mục đích đầu tiên là tăng tính năng linh động, linh hoạt và tính năng tiện dụng cho người tiêu dùng. Như vậy người tiêu dùng sẽ có nhiều chọn lựa hơn" - ông Nguyễn Văn Đạo khẳng định.

Ông Nguyễn Ngọc Cường cũng cho rằng: "Cuộc chiến hiện tại thực chất là cuộc chiến làm thay đổi thói quen người dùng. Nhà phát triển nào viết ra nền tảng đáp ứng thói quen người dùng mới thì người ấy sẽ thắng. Do vậy, người lợi nhất chính là người dùng".

Năm 2010 chứng kiến sự xuất hiện của hàng loạt smartphone hướng đến nhiều phân khúc khách hàng khác nhau. Cùng với đó là con số hàng trăm nghìn ứng dụng trên App Store, Ovi Store hay kho ứng dụng của Google... đã mang đến cho người tiêu dùng nhiều lựa chọn về thiết bị, cũng như được thụ hưởng nhiều tính năng trên chiếc điện thoại của mình. Rõ ràng, sẽ vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về hệ điều hành của tương lai, nhưng nỗ lực của các hãng và cuộc cạnh tranh ngày càng nóng bỏng trên thị trường hệ điều hành đang mang đến quyền lợi nhiều nhất cho cộng đồng người dùng.

Nếu như hơn 10 năm trước, với lợi thế là nhà sản xuất điện thoại di động lớn nhất thế giới, Nokia đã tung ra hệ điều hành Symbian dành cho những chiếc điện thoại thông minh thì nay, thị trường này đã có sự tham gia của khá nhiều tên tuổi lớn. Mỗi hệ điều hành đều đang thể hiện những ưu điểm riêng và cả những nhược điểm cần được khắc phục khiến cho cuộc cạnh tranh trên thị trường này ngày càng khốc liệt khiến cho đáp án của câu hỏi: Hệ điều hành nào sẽ lên ngôi vẫn chưa thể có ở thời điểm này.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước