Hiện đại hóa giáo dục: CNTT có vai trò chủ chốt?

N.B-Thứ tư, ngày 04/07/2012 07:00 GMT+7

Tại nhiều nước phát triển, CNTT đang tham gia tích cực vào hiện đại hóa giáo dục, và đó cũng là bài học cho nền giáo dục Việt Nam nhằm phát triển nhân lực cho các mục tiêu phát triển.

CNTT sẽ góp phần thay đổi diện mạo ngành giáo dục? (Ảnh minh họa)

Với vai trò đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển đất nước, nhiều nền giáo dục trên thế giới không ngừng đổi mới thông qua các ứng dụng CNTT.
Đài Loan tự hào trong các mạng giáo dục trực tuyến tốc độ cao và chi phí - thấp ở tất cả các cấp. Tất cả các trường tiểu học, trung học cơ sở, phổ thông trung học và các trường đại học trong cả nước được kết nối thông qua mạng Giảng dậy - Học tập Đài Loan.
Tại Mỹ, hầu hết các trường học đều có chương trình dạy học qua mạng, xóa đi khoảng cách giữa các vùng miền.
Hàn Quốc đặc biệt chú trọng đến sách giáo khoa điện tử. Đến năm 2015, tất cả học sinh cấp 2 và cấp 3 sẽ học qua việc sử dụng sách giáo khoa số hóa và các tài liệu trực tuyến khác trên máy tính, điện thoại thông minh và các thiết bị số khác.
Tất cả các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới đều chú trọng phát triển năng lực cá nhân. Từ dạy và học thụ động sang dạy và học tích cực, giáo viên không còn đóng vai trò đơn thuần là người truyền đạt kiến thức, giáo viên trở thành người thiết kế tổ chức, hướng dẫn các hoạt động độc lập hoặc theo nhóm nhỏ để học sinh tự lực chiếm lĩnh nội dung học tập, chủ động đạt các mục tiêu kiến thức, kĩ năng, thái độ theo yêu cầu của chương trình.
Theo Tiến sỹ Trương Gia Bình, Chủ tịch Vinasa: "Không có nước giàu nào có hệ thống giáo dục tồi và cũng không có nước nghèo nào có hệ thống giáo dục tốt. Do vậy, để trở thành nước mạnh thì Việt Nam cũng cần có nền giáo dục hiện đại."
Ngành giáo dục và những bức xúc
Ngành giáo dục Việt Nam hiện nay đang tồn tại nhiều bất cập: Lạc hậu so với các nước, đào tạo không gắn với nhu cầu thực tiễn; không tạo ra đội ngũ nhân lực đảm bảo chất và lượng. Người học phải luôn đối phó với một chương trình học quá nặng nề, phương pháp giảng dạy nhồi nhét lỗi thời, và một cơ chế đào tạo không tạo chủ động cho người học, không khuyến khích phát triển năng lực cá nhân.
Bên cạnh đó, là tình trạng thiếu trường học, nghèo nàn về trang thiết bị giảng dạy, đặc biệt ở khu vực vùng sâu vùng xa, tình trạng mù chữ và bỏ học còn rất cao.
Hiện tượng giám thị ném phao thi cho học sinh ở THPT dân lập Đồi Ngô (Bắc Giang) là vụ việc tiêu cực thi cử đình đám trong kỳ thi vừa qua, nhưng chắc chắn không phải là hiện tượng duy nhất… Cho thấy tiêu cực trong thi cử là vấn đề bức xúc trong ngành giáo dục, bệnh thành tích còn rất nặng nề.
Chất lượng giáo dục thấp, không có quy hoạch nguồn nhân lực. Một trong những vấn đề đau đầu với các doanh nghiệp hiện nay là có được đội ngũ nhân lực đủ mạnh để thực hiện các mục tiêu phát triển. Hầu hết các sinh viên khi ra trường đều thiếu kỹ năng và kinh nghiệm thực tế, hạn chế về trình độ ngoại ngữ. Khi tuyển dụng nhân sự mới, hầu hết các đơn vị sử dụng lao động cho biết họ phải đào tạo lại, tỷ lệ làm trái ngành trái nghề vẫn rất cao.
Vấn đề đặt ra và cần được khắc phục trong đào tạo nhân lực hiện nay là giáo dục chưa phát triển kịp với nhu cầu phát triển kinh tế xã hội. Trong khi cần là lĩnh vực chủ chốt, tạo ra đội ngũ nhân lực đủ mạnh để giải quyết các bức xúc trong phát triển kinh tế - xã hội, đưa đất nước bắt nhịp với sự phát triển chung của thế giới... thì ngành giáo dục Việt Nam hiện nay lại đang đối diện với những thách thức...
Làm thế nào để nâng cao chất lượng giáo dục? Làm thế nào để Việt Nam có được lực lượng lao động được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng? Làm thế nào để phát huy truyền thống ham học, tinh thần cầu tiến của thế hệ trẻ Việt Nam?
CNTT sẽ thay đổi hệ thống giáo dục?
Với vai trò là hạ tầng của hạ tầng, CNTT có thể thay đổi hệ thống giáo dục một cách toàn diện, triệt để, đưa nền giáo dục của Việt Nam bắt nhịp chung với xu thế hiện đại hóa, thực hiện sứ mệnh đào tạo đội ngũ nhân lực cho đất nước.
CNTT góp phần giải quyết tình trạng thiếu giáo viên, thiếu trường lớp, thiếu học liệu, thiếu minh bạch trong khảo thí và tạo bình đẳng hơn giữa giàu - nghèo, vùng miền, giới tính.
Dạy và học trực tuyến giúp học sinh lĩnh hội kiến thức mọi lúc, mọi nơi, đồng thời phát huy tính độc lập, tự giác của học sinh. Với CNTT, học sinh Việt Nam có thể dễ dàng tiếp cận và học được kiến thức không chỉ trên phạm vi toàn quốc mà còn trên phạm vi toàn cầu…
Hệ thống SGK điện tử giúp tiết kiệm chi phí in SGK giấy hàng năm rất tốn kém và ảnh hưởng môi trường; SGK điện tử cho phép cập nhật điều chỉnh nội dung nhanh chóng, thuận tiện.
Đổi mới giáo dục thông qua tin học hóa trở thành nhu cầu bức thiết. Trong đó, với những thế mạnh không thể phủ nhận, CNTT được kỳ vọng sẽ góp phần thay đổi diện mạo ngành giáo dục Việt Nam.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước