Hơn 2/3 người dùng Internet bị tội phạm mạng tấn công

PV-Thứ sáu, ngày 08/10/2010 14:00 GMT+7

Nghiên cứu mới của Norton trên 7.000 người dùng Web lần đầu tiên đánh giá tác động tâm lý của người dùng đối với hình thức tội phạm mạng. Các nạn nhân cảm thấy bị lừa đảo… và tức giận.

Lần tới khi bạn lướt Web thì hãy nhớ tới điều này: Bạn có thể trở thành nạn nhân tiếp theo của tội phạm mạng chỉ sau một động tác nhấp chuột. Một nghiên cứu mới của hãng sản xuất phần mềm bảo mật Norton vừa công bố đã tiết lộ một thực tế động trời, đó là 2/3 (khoảng 65%) người dùng Internet toàn cầu đã trở thành nạn nhân của tội phạm mạng, bao gồm các hình thức tấn công bằng virus máy tính, lừa đảo thẻ tín dụng trực tuyến, và đánh cắp danh tính người dùng. Các quốc gia có nhiều nạn nhân bị tấn công nhất phải kể đến Trung Quốc (83%), tiếp theo là Brazil và Ấn Độ (76%).
Báo cáo tội phạm mạng Norton: Tác động về mặt con người đã rọi sáng vào khía cạnh tâm lý người dùng liên quan tới dạng tội phạm này. Nghiên cứu đầu tiên về tác động tâm lý đối với hình thức tội phạm mạng cho thấy phản ứng gay gắt nhất của nạn nhân là cảm giác tức giận (58%), bực mình (51%), cảm thấy bị lừa (40%); và trong nhiều trường hợp nạn nhân thường đổ lỗi cho mình vì không biết cách tự bảo vệ. Chỉ có 3% nghĩ rằng họ sẽ không bị tội phạm mạng tấn công, và gần 80% không cho rằng những tên tội phạm mạng sẽ bị đem ra xét xử, một thực tế cho thấy thái độ lưỡng lự và vô vọng của người dùng trong việc chống lại dạng tội phạm này.
“Chúng ta đành phải chấp nhận tội phạm mạng bởi đó là điều không thể khác được và không ai có thể giúp đỡ được. Nó giống như việc gian lận ở gara sửa xe, nếu anh không biết nhiều về xe thì anh không thể cãi lý với thợ sửa. Nói chung mọi người buộc phải chấp nhận tình cảnh đó mặc dù cảm thấy rất chán nản”, Tiến sĩ Joseph LaBrie, trợ lý giáo sư về tâm lý học tại Trường đại học Loyola Marymount, Mỹ, phát biểu.
Mặc dù chịu áp lực về mặt tâm lý, bị đe dọa toàn cầu và phải hứng chịu các rắc rối và thiệt hại do tội phạm mạng gây ra nhưng kết quả của báo cáo cho thấy người dùng dường như sẽ không thay đổi cách ứng xử của mình. Chỉ có một nửa số người dùng trưởng thành (51%) nói rằng họ sẽ thay đổi cách ứng xử nếu họ trở thành nạn nhân của những vụ tấn công đó. Đáng lo ngại hơn là chưa tới 44% số người trưởng thành được hỏi nói đã báo cảnh sát về vụ việc.
Một nạn nhân của tội phạm mạng tên là Todd Vinson nói: “Tôi không có sự chuẩn bị về mặt tinh thần lẫn tài chính cho những vụ việc kiểu này, bởi tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ trở thành nạn nhân. Tôi cảm thấy bị xâm phạm khi có ai đó thực sự đã vào nhà mình để thu thập thông tin, hoặc giả cả gia đình tôi bị tổn thương trước hành vi phạm tội đó. Tôi không thể làm được gì, và lo lắng tự hỏi rằng những thông tin đó có bị thu thập một cách trái phép không, hoặc chúng có đang nằm trong tay kẻ xấu nào đó đang chờ cơ hội để sử dụng hay không”.
Trong khi đó, để giải quyết một vụ tội phạm mạng lại rất phức tạp. Theo bản báo cáo của Norton, thời gian trung bình để giải quyết một vụ án tội phạm mạng kiểu này thường mất tới 28 ngày với chi phí trung bình vào khoảng 334USD. 28% những người được hỏi đều nói rằng rắc rối lớn nhất mà họ phải đối mặt trong trường hợp này là thời gian cần để giải quyết dứt điểm vụ việc.
Thế nhưng theo ông Effendy Ibrahim, Trưởng bộ phận kinh doanh tiêu dùng và cố vấn luật về an toàn Internet của Symantec khu vực châu Á, việc báo lại cho cơ quan chức năng về hành vi phạm tội này là cần thiết dù cho có thể sẽ mất thời gian. “Tất cả chúng ta đều mất tiền cho tội phạm mạng dù là trực tiếp hay thông qua các thiệt hại lâu dài mà các tổ chức tài chính của chúng ta phải gánh chịu. Bọn tội phạm mạng đang đánh cắp một cách có chủ đích các tài khoản nhỏ để tránh bị phát hiện; thế nhưng “góp gió sẽ thành bão”, những tài khoản này sẽ mang lại cho chúng những khoản thu đáng kể. Nếu không báo lại những tổn thất mà mình phải gánh chịu, có thể bạn sẽ giúp cho những tên tội phạm tránh bị lôi ra ánh sáng. Tất nhiên, để giải quyết được vấn đề sẽ rất tốn kém về mặt thời gian và tiền bạc, bởi theo cách này hay cách khác thì các nạn nhân cũng đang phải trả một cái giá nào đó, và tác hại của chúng không chỉ là vấn đề mất mát tiền bạc mà còn ảnh hưởng tới cả tâm lý người dùng nói chung”, ông Effendy Ibrahim cho biết.
Khía cạnh “tác động về mặt con người” trong báo cáo của Norton cũng đào sâu vào thực tế vi phạm của người dùng ở mức nhẹ đối với bạn bè, gia đình, người thân và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ. Đó là gần một nửa trong số những người được hỏi cho rằng việc tải về một bản nhạc, album nhạc hoặc một bộ phim trên mạng mà không trả phí cũng không vi phạm điều gì. 24% người được hỏi tin rằng việc xem trộm e-mail hoặc thông tin lướt Web của một ai đó là không phạm pháp. Trong khi đó, một số hành vi như tải nhạc trên mạng có thể khiến cho người dùng đối mặt với nhiều nguy hiểm về an toàn thông tin hơn.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Norton, người dùng vẫn có thể áp dụng một số biện pháp đơn giản để tự bảo vệ mình. “Người dùng thường có xu hướng không tự bảo vệ mình và máy tính bởi họ nghĩ rằng việc đó quá phức tạp”, nhận xét của Anne Collier, đồng Giám đốc tổ chức ConnectSafely.org đồng thời là biên tập viên của NetFamilyNews.org – tổ chức đã hợp tác với Norton để hoàn thành bản nghiên cứu này. “Thế nhưng mọi người vẫn có thể thực hiện một số bước tự bảo vệ cơ bản, chẳng hạn như sử dụng và nâng cấp thường xuyên phần mềm bảo mật trên máy tính. Hoặc với nạn tội phạm trực tuyến, tốt nhất là người dùng nên có những bước phòng tránh để ngăn chặn thiệt hại có thể xảy ra".
Một trong những biện pháp phòng tránh tốt nhất để bảo vệ bạn là lướt Web với phần mềm bảo mật được cập nhật mới nhất và có khả năng bảo vệ toàn diện, đó là Norton Internet Security 2011 vừa được chính thức ra mắt.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước