Ngành công nghiệp vi mạch Việt Nam khởi sắc

Duy Ly -Thứ bảy, ngày 26/11/2011 07:00 GMT+7

Theo các chuyên gia đến từ nhiều nước trên thế giới, Việt Nam hiện đang có khá nhiều lợi thế, đặc biệt là có nguồn nhân lực dồi dào, để phát triển ngành công nghiệp vi mạch.

Kỹ sư thiết kế vi mạch tại Khu CNC TP.HCM. (Ảnh: CESTC)

Sự kiện Bộ KH-CN lần đầu tiên phê duyệt đầu tư và uỷ quyền cho ĐHQG-HCM làm chủ đầu tư dự án “Thiết kế và chế tạo chip, thẻ, đầu đọc RFID và xây dựng hệ thống ứng dụng” với tổng số vốn đầu tư lên tới gần 146 tỷ đồng, đã phần nào hé mở về một tương lai gần của ngành công nghiệp vi mạch VN. Sự mạnh dạn đầu tư này còn cho thấy những dấu hiệu khả quan, tạo động lực quan trọng để chuyển từ nền công nghiệp thâm dụng lao động sang một nền công nghiệp kỹ thuật cao.
Theo các chuyên gia đến từ nhiều nước trên thế giới, Việt Nam hiện đang có khá nhiều lợi thế như: nguồn nhân lực trẻ, dồi dào, đạt nhiều giải thưởng cao về thiết kế vi mạch trên thế giới... Đây sẽ là một trong những bàn đạp vững chắc giúp ngành công nghiệp sản xuất vi mạch, bán dẫn của Việt Nam có cơ hội phát triển. Ước tính đến năm 2012, thị trường Việt Nam sẽ cần đến khoảng 1,9 tỷ USD các sản phẩm từ công nghiệp vi mạch bán dẫn. Tuy nhiên, để làm chủ được thị trường này thì ngay từ bây giờ, đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam có những chiến lược phát triển dài hơi hơn.
Ông Nguyễn Quân, Bộ trưởng bộ Khoa học và Công nghệ nói: “Chúng ta không thể đi mua đi mượn linh kiện mãi. Tôi kỳ vọng với sự đầu tư này, Việt Nam sẽ có những bước đột phá mang thương hiệu của mình”.
Các chuyên gia Việt Nam cho rằng, thời gian gần đây, việc những tập đoàn khổng lồ về công nghệ như Intel, Renesas, Applied Micro, Splendid…đầu tư vào Việt Nam là một tín hiệu vui. Tuy nhiên, để Việt Nam có thể đứng vững trên "cái kiềng" của nền công nghiệp công nghệ cao như các quốc gia khác và có thể cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại thì yếu tố liên kết, cùng hợp tác giữa nhà nước - tư nhân cần được đẩy mạnh hơn bao giờ hết.
Ông Ngô Đức Hoàng, Giám đốc ICDREC, ĐH Quốc gia TP.HCM cho biết: “Sở dĩ từ trước đến nay ngành sản xuất vi mạch của Việt Nam vẫn còn thua các quốc gia khác là do còn mạnh ai nấy làm… Qua sự kiện này, việc liên kết cần được quan tâm nhiều hơn”.
Ngành công nghiệp điện tử Việt Nam vốn còn nhỏ bé so với các nước trên thế giới. Ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam có thể nói chỉ mới ở bước khởi đầu và tạo đà trên đường đua với các sản phẩm vốn đã gặt hái được nhiều thành công ở các cường quốc như Mỹ, Nhật. Với sự non trẻ của mình, thì việc định hướng và lựa chọn ra một phân khúc thị trường, với một công nghệ vừa phải, phù hợp với điều kiện trong nước đang là điều mà không chỉ người dân, mà ngay cả Chính phủ cũng đang trông đợi vào sự bứt phá của ngành KHCN Việt Nam khi công nghiệp vi mạch đã được xếp vào loại ưu tiên hàng đầu trong sản phẩm quốc gia và phát triển công nghệ cao trong thời gian tới.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước