Thị trường internet Việt Nam - nhiều chuyển biến

Q.T-Chủ nhật, ngày 30/08/2009 09:49 GMT+7

Nhu cầu sử dụng internet đang tiếp tục tăng cao tại Việt Nam bất chấp những tác động của khủng hoảng kinh tế. Internet đã trở thành “máu thịt” của nhiều lĩnh vực. Khi năm 2009 đã đi qua được hơn một nửa, thị trường internet được ghi nhận là có nhiều chuyển biến...

Thị trường nhiều chuyển biến

Theo con số của Trung tâm Internet Việt Nam, tính đến tháng 7/2009, cả nước đã có trên 21 triệu người sử dụng internet, chiếm trên 25 % tổng dân số. Bản báo cáo mới nhất của Liên minh viễn thông quốc tế cũng cho biết, Việt Nam là một trong những nước có tốc độ phát triển internet nhanh nhất thế giới. Với tỷ lệ 1/5 dân số sử dụng Internet, Việt Nam đã vượt khá xa các nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người (GDP) - nhóm quốc gia thu nhập thấp.

Bên cạnh con số gần 2,2 triệu thuê bao băng thông rộng của cả nước, hiện có trên 90% DN tại Việt Nam đã kết nối Internet và có sử dụng dịch vụ băng thông rộng, nhu cầu sử dụng máy tính cá nhân cũng ngày một tăng mạnh.

Ở các thành phố lớn, cuộc chiến giữa các ISP đang thực sự rất khốc liệt khi mà từ trước đến nay, tất cả các ISP đều hướng sự tập trung của mình đến thị trường này. Trong thời điểm hiện tại, khi internet sắp bị bão hoà ở thị trường này, nhất là là Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh, các ISP bắt đầu đẩy mạnh việc cạnh tranh bằng tốc độ đường truyền, giá cước rẻ hơn, nhiều khuyến mại hơn. Bên cạnh duy trì đường ADSL bình thường, các ISP đã bắt đầu tập trung cho phân khúc dịch vụ Leasdline, hướng đến phục vụ đối tượng là các cơ quan, doanh nghiệp cần đường truyền internet băng thông rộng, tốc độ cao. Đặc biệt, khi mà nhu cầu sử dụng của người dùng ngày càng đa dạng và cao cấp, các ISP bắt đầu đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ ứng dụng internet cho các thuê bao của mình như thoại internet, truyền hình trực tuyến... coi đây là vũ khí cạnh tranh lợi hại.

Như vậy, bên cạnh cuộc chiến về đường truyền, các ISP đang bước vào một cuộc chiến mới: cạnh tranh dịch vụ, giải pháp trên mạng internet, tất cả đều hướng đến mục tiêu khách hàng. Điều này sẽ thực sự mang lại lợi ích cho người dùng và tác động tích cực đến sự phát triển của internet Việt Nam.

Theo ông Trần Hải Nam, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH FPT Viễn thông miền Bắc “Khách hàng từ chỗ chỉ sử dụng được duy nhất một dịch vụ trên một đường truyền thôi thì nay gần như họ sử dụng được gần như tất cả các dịch vụ giải trí tại gia đình. Các ISP đã tạo nên một sân chơi mới, có cạnh tranh nhưng mang lại nhiều lợi ích”.

Ông Nguyễn Anh Dũng, GĐ thị trường khu vực khu vực miền Nam – Công ty điện toán và truyền số liệu VDC cho rằng “Xu hướng của người sử dụng đã thay đổi rất là nhiều”.

“Nếu như trước đây người ta chỉ cần có internet và với giá rẻ thì bây giờ họ đang cần những tiện ích nhiều hơn, những giá trị gia tăng trên Internet. Trước đây nhu cầu là đường truyền thì bây giờ là giải pháp... Với nhu cầu ngày càng đa dạng, ngày càng cao như vậy thì các nhà cung cấp dịch vụ ngày càng phải đưa ra nhiều dịch vụ giá trị gia tăng trên mạng” – Ông Dũng nói.

Đối với thị trường nông thôn, ngoài VDC, các ISP khác vốn chỉ tập trung khai thác tại thị trường thành phố nay đã bắt đầu để mắt đến thị trường này, coi đây là một trong những thị trường tiềm năng. Trên thực tế, khi mà internet đã phủ khắp các thành phố lớn, thì việc các ISP chuyển hướng xuống thị trường nông thôn là điều tất yếu.

Ở nông thôn, thậm chí là vùng sâu, vùng xa các nhà mạng như VDC đã có mặt từ rất lâu, internet cũng đã xuất hiện ở những nơi khó khăn nhất nhưng nhà cung cấp vẫn chưa tính đến lợi nhuận, chưa thực sự nghĩ đến yếu tố kinh doanh. Đó vẫn chỉ là những dịch vụ viễn thông công ích, mang lại giá trị thương hiệu nhiều hơn là kinh tế. Giờ đây, mọi chuyện đã khác, khi các thuê bao internet ở khu vực nông thông không ngừng tăng, bài toán kinh doanh đã có thể được tính đến.

Ông Nguyễn Anh Dũng, GĐ thị trường khu vực khu vực miền Nam – Công ty điện toán và truyền số liệu VDC phân tích: “Thị trường internet ở các tỉnh và các vùng nông thôn sẽ là thị trường tiềm năng. Trong thời gian tới thì thị trường Hà Nội, TP.HCM gần như đã bước đến mức bão hoà... Chúng tôi ghi nhận gần đây, tốc độ phát triển thuê bao tại các vùng nông thôn thì lại tăng cao, tăng cao hơn rất nhiều.

Ông Trần Hải Nam, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH FPT Viễn thông miền bắc cho biết FPT đang “tiến quân” vào các tỉnh thành khác bên cạnh thị trường Hà Nội và TP.HCM. “Có thể thấy nền kinh tế ngày càng phát triển thì các thị trường tỉnh lẻ cũng đang phát triển rất là mạnh, nếu nói về tốc độ phát triển là không hề thua kém thậm chí là hơn các thành phố lớn. FPT có một chiến lược gọi là “quảng canh” tức là xuất hiện nhiều ở địa bàn mới hơn”.

Cuộc đua thị phần - Sao khó đổi ngôi

Theo thống kê thị phần internet của các ISP tại Việt Nam được đưa ra bởi Trung tâm internet Việt Nam VNNIC, với gần 1.4 triệu thuê bao ADSL, VDC – VNPT đang chiếm miếng bánh thị phần to nhất, gần 64 %. Trong khi đó, tất cả các ISP còn lại đang chia nhau hơn 40% còn lại... Mới đây, VDC – VNPT còn đưa ra mục tiêu trong năm 2009 phải phát triển được 1,2 triệu thuê bao mới để đạt được 70 % thị phần của lĩnh vực này. Đây là một mục tiêu mà theo nhiều nhận định, tập đoàn viễn thông này hoàn toàn có thể làm được bởi họ hiện đang sở hữu trong tay quá nhiều lợi thế, trong đó đặc biệt là lợi thế về hạ tầng mạnh – cơ sở quan trọng để phát triển thuê bao mới.

Trên thực tế, ở thời điểm hiện tại, chỉ có VDC - VNPT là có đủ khả năng để cung cấp dịch vụ ADSL rộng rãi tại 63 tỉnh, thành. Vị thế của ISP này giờ đây còn được công nhận bằng hàng loạt giải thưởng quan trọng như Giải thưởng dành cho ISP xuất sắc nhất; Giải ISP cung cấp dịch vụ chăm sóc khách hàng tốt nhất và Giải ISP có tốc độ phát triển thuê bao nhanh nhất trong khuôn khổ VietnamICT Award 2008 hay giải “Sản phẩm CNTT –TT ưa chuộng nhất” năm 2009 do bạn đọc Tạp chí PC World bình chọn. Có thể nói, riêng về thị phần trên thị trường Internet khó có thể có được một cuộc soán ngôi như nhiều người kỳ vọng... Thế cạnh tranh về thị phần đang nghiêng hẳn về phía VDC buộc các nhà cung cấp dịch vụ khác phải tìm ra hướng đi riêng, trong đó có mục tiêu doanh thu. Ở thời điểm hiện tại, có thể nói nếu các ISP khác đặt mục tiêu cạnh tranh với VDC về thị phần, họ sẽ hoàn toàn thất bại.

Ông Trần Hải Nam, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH FPT Viễn thông miền bắc cũng phải thừa nhận “Nếu nói về hạ tầng, độ phủ mà để cạnh tranh với các nhà cung cấp như VNPT thì các nhà cung cấp khác không có cửa nào”

Theo ông Nam, các ISP khác phải có những hướng đi riêng, xây dựng các mục tiêu khác bên cạnh mục tiêu về thị phần. “FPT có độ phủ không lớn bằng nhưng chúng tôi lại có những hướng đi riêng. Thị phần khách hàng là một mục tiêu quan trọng, có những người thì cho rằng là mục tiêu quan trọng nhất nhưng nhiều đơn vị chẳng hạn như FPT thì chưa phải là mục tiêu quan trọng nhất. Chúng tôi kinh doanh và đặc biệt khi cổ phần hoá rồi thì mục tiêu lợi nhuận quan trọng không kém” – Ông Nam cho biết.

Bị VDC bỏ lại khá xa về thị phần không có nghĩa là các nhà cung cấp dịch vụ internet khác như FPT telecom, Viettel sẽ bỏ cuộc hay hoàn toàn thất bại trong cuộc đua trên thị trường Internet. Các ISP này sẽ tiếp tục cạnh tranh mạnh mẽ với VDC để tăng doanh thu và chiếm lĩnh niềm tin khách hàng. Cạnh tranh bao giờ cũng tốt cho bức tranh chung, vì vậy, người dùng đang hồi hộp chờ đợi mình sẽ được hưởng lợi như thế nào khi các ISP tăng tốc.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước