Thị trường ứng dụng di động Việt - Mỏ vàng tiềm ẩn

Bích Nguyễn-Chủ nhật, ngày 18/07/2010 23:28 GMT+7

Khi những chiếc điện thoại cầm tay không chỉ dừng ở những tính năng thoại và SMS thì cũng là lúc cơ hội cho thị trường phát triển ứng dụng di động bùng nổ. Tại nhiều thị trường, đây hiện đang là một trong lĩnh vực hốt bạc với sự xuất hiện của những công ty phát triển có quy mô quốc tế, hay những lập trình viên không tên tuổi bỗng chốc trở thành triệu phú USD thì tại Việt Nam, đây vẫn còn là một lĩnh vực khá mới mẻ. Cộng đồng nhỏ lẻ, phát triển tự phát và chưa có định hướng rõ ràng là những hình dung về thị trường còn non trẻ này.

Từ chuyện của những triệu phú USD...

Câu chuyện về game giải đố độc đáo Trism và sự giàu lên nhanh chóng của một nhân viên kỹ thuật ngành ngân hàng được coi là một trong những điển hình về khả năng hốt bạc của những ứng dụng trên di động.
Vốn là một nhân viên kỹ thuật máy ATM của một ngân hàng tại San Francisco (Mỹ), Steve Demeter dành thời gian rảnh để viết một game giải đố trên chiếc iPhone và đặt tên nó là Trism. Khi gửi lên hệ thống bán hàng của Apple, Steve cũng không thể ngờ Trism lại được yêu thích và nhanh chóng trở nên nổi tiếng đến như vậy. Với giá 5 USD/bản. Sau 2 tháng đầu, Steve thu được 250.000 USD, đó là 70% lợi nhuận theo thoả thuận về việc bán sản phẩm thông qua cửa hàng trực tuyến của Apple. Với thành công này, ngay sau đó Steve từ giã công việc của một nhân viên ngân hàng và thành lập một công ty riêng chuyên về các ứng dụng di động.
Tất nhiên Steve Demeter không phải là một triệu phú USD ứng dụng duy nhất. Liên quan đến ứng dụng iSteam - mô phỏng hơi nước bám trên mặt gương, và bạn có thể đưa ngón tay lên màn hình cảm ứng, lau nước và làm sạch iPhone. Chỉ hơn 1 tuần sau khi khởi động, nhà phát triển Bill Rappos đã dự báo doanh thu đến 100.000 USD/tháng. Và trên thực tế con số đạt được thậm chí ngoài sự kỳ vọng.
Có thể khẳng định rằng, trở thành triệu phú USD khi mới ngoài 20 tuổi, Steve Demeter hay Bill Rappos không phải là điển hình của sự may mắn, nói đúng hơn đó là những ứng dụng xuất hiện đúng thời điểm. Không quá phức tạp về mặt công nghệ, nhưng những ứng dụng này được đánh giá cao ở tính thời điểm và đánh trúng thị hiếu người dùng.
Câu chuyện về cậu bé Lim Ding Wei, mới lên 10 tuổi và đang học lớp 5 ở một trường phổ thông Singapore cũng khiến chúng ta phải suy nghĩ. Lim Ding Wei đã trở nên nổi tiếng trong vai trò một chuyên gia viết phần mềm cho điện thoại di động, nhưng cậu bé cũng chỉ là một cá nhân trong cộng đồng đông đảo các nhà lập trình trẻ của Singapore đang tham gia vào làn sóng này. Xem ra, để trở thành triệu phú USD không phải là cái gì quá xa vời. Và các lập trình viên trẻ Việt Nam cũng có được những cơ hội như vậy.
Theo ông Nguyễn Văn Đạo - Phó Tổng Giám đốc Công ty Điện tử Samsung Vina: "Việt Nam hoàn toàn có khả năng có những triệu phú USD dựa trên những phần mềm cho máy tính và đặc biệt là cho di động. Chỉ cần phần mềm nho nhỏ, game hay những ứng dụng thường ngày, lập trình không khó, giá khoảng dưới 1 USD rất dễ dàng được bán. Đã có những ví dụ thực tế cho thấy có những bạn trẻ đã trở thành triệu phú USD nhờ những phần mềm nho nhỏ như vậy".
... Đến các nhà phát triển ứng dụng Việt
Bộ phận chuyên phát triển các ứng dụng cho di động thuộc nhóm sản phẩm Zing, công ty VNG vừa được thành lập từ đầu năm 2010 này.
Tận dụng lợi thế từ số thành viên đông đảo từ cổng thông tin Zing.vn, tháng 4 vừa qua, phiên bản di động của sản phẩm ZingMe đã chính thức ra mắt thu hút khoảng 100.000 người sử dụng mỗi tháng. Dự kiến trong quý 3 năm nay, phiên bản di động của sản phẩm ZingMp3 và ZingNews cũng sẽ chính thức được giới thiệu đến người dùng di động. Ông Vương Quang Khải, Phó TGĐ Công ty VNG cho biết: "Hiện nay chúng tôi sở hữu cổng thông tin Zing.vn với khoảng 15 triệu người dùng hàng tháng. Đối tượng khách hàng chính của chúng tôi chủ yếu là những người Việt trẻ. Độ phủ của di động trong cộng đồng người Việt trẻ này rất là cao, ước tính 80 – 90%. Vì thế chúng tôi tin tưởng khi đưa ra những dịch vụ rất thành công của mình trên web như Zingme, ZingMp3, ZingNews sẽ được người dùng đón nhận nhiệt tình".
Cùng với những ứng dụng web, lĩnh vực game, vốn được coi là thế mạnh và định hình thương hiệu của VNG cũng sẽ được doanh nghiệp này tập trung phát triển: "Hi vọng chúng tôi có thể đưa ra những sản phẩm đầu tiên vào cuối năm nay", ông Vương Quang Khải bày tỏ.
Có nguồn khách hàng tiềm năng đông đảo, lại không gặp nhiều vướng mắc với vấn đề thanh toán, nhưng cũng phải từ đầu năm nay VNG mới tham gia vào thị trường ứng dụng di động với sản phẩm đầu tiên ra mắt gần 4 tháng sau đó.
Những sản phẩm đã và sẽ ra mắt trong năm nay là phiên bản di động của những sản phẩm được yêu thích trên máy tính. Đây cũng là hướng đi của nhiều doanh nghiệp khi bắt đầu tham gia vào thị trường này như Lạc Việt với bộ từ điển cùng tên; Diadiem với ứng dụng Vietnam 3.0 tích hợp nhiều công cụ như bản đồ, dịch vụ giải trí, iMedia chuyên về nội dung trực tuyến... Theo anh Đinh Hữu Thành, Admin diễn đàn Tinhte: "Hiện nay mới chỉ nhen nhóm vài chục công ty làm phần mềm điện thoại cho thị trường Việt Nam. Trước đây họ chỉ làm trên máy tính hoặc làm cho nước ngoài".
Trên thực tế, cũng đã có những sản phẩm dành riêng cho di động được phát triển bởi các lập trình viên Việt Nam, nhưng phần lớn trong số đó là những sản phẩm làm theo đơn đặt hàng từ nước ngoài. Số lượng các doanh nghiệp Việt có phát triển ứng dụng cho di động cũng chỉ lên tới con số hàng chục, chưa kể đến những công ty chỉ chuyên về lĩnh vực này thì gần như chưa xuất hiện.
Theo ông Nguyễn Văn Đạo - Phó Tổng Giám đốc Công ty Điện tử Samsung Vina: "Hầu hết các nhà phát triển ứng dụng cho di động xuất phát từ những nhà phát triển phần mềm trên máy vi tính rồi từ đó chuyển đổi sang các phần mềm cho điện thoại di động dùng các hệ điều hành. Phần còn lại là các nhà phát triển tự phát, là các cá nhân, nhà lập trình nho nhỏ trong các diễn đàn từ đó phát triển lên mạnh hơn 1 chút thành ra các công ty, doanh nghiệp. Cho nên sự phát triển của cộng đồng vẫn còn mang tính tự phát".
Trào lưu ứng dụng di động và lợi thế sân nhà
Trào lưu phát triển ứng dụng di động thế giới đang thực sự bùng nổ và được dự báo là sẽ mang lại lợi nhuận hơn 17 tỷ USD vào năm 2012, 30 tỷ USD vào năm 2015. Thị trường điện thoại thông minh tuy mới được thành lập, nhưng sự phổ biến nhanh chóng của dòng sản phẩm này đang tạo ra một lớp doanh nhân mới xuất thân từ những nhà viết ứng dụng nhỏ phục vụ cho mục đích giải trí và những nhu cầu thông thường khác.
Anh Đinh Hữu Thành, Admin diễn đàn Tinhte cho rằng: "Điện thoại thông minh có nhiều khả năng mở rộng, cài đặt về game, về ứng dụng, về tiện ích, cuộc sống, công việc … thay cho việc sử dụng máy tính. Để làm được việc đó họ cần phải cài 1 số phần mềm nên thị trường phần mềm càng ngày càng mở rộng".
Cùng đồng tình với quan điểm này, anh Nguyễn Minh Nhật, Công ty TeaMobile khẳng định: "Người Việt Nam rất sài sang, chiếc điện thoại không chỉ cần nghe gọi mà đòi hỏi nội dung có chất lượng và các nhà phát triển phải đáp ứng nhu cầu đó".
Ông Lê Trung Việt, Tổng Biên tập Tạp chí Thế giới Vi tính Việt Nam cũng cho rằng: "Khi điện thoại thông minh đã phổ biến thì nhu cầu sử dụng, khai thác những tính năng của nó sẽ rất lớn. Với nền tảng như vậy thì việc đưa ra các ứng dụng cho điện thoại thông minh này sẽ có thị trường rất lớn".
Khi trào lưu sử dụng điện thoại thông minh Smartphone thực sự phổ biến tại thị trường Việt Nam thì cũng chính là thời cơ vàng cho những ứng dụng thuần Việt. Thực tế cũng chỉ ra rằng, không phải những ứng dụng quá phức tạp, hay đòi hỏi cao về trình độ công nghệ mới tạo được dấu ấn, mà lợi thế lại nghiêng về những ứng dụng đơn giản, dễ sử dụng nhưng hữu ích và có giá thành rẻ.
Ông Nguyễn Văn Đạo - Phó TGĐ Công ty Điện tử Samsung Vina nhận định: "Lợi thế mạnh nhất của các nhà phát triển phần mềm ứng dụng tại VN là những phần mềm mang tính địa phương hóa hoặc là những phần mềm thuần Việt. Ví dụ danh sách nhà hàng, khách sạn, khu giải trí…hoặc từ điển, hoặc những trò chơi thuần Việt... đó là những sản phẩm đáp ứng nhu cầu trong nước chứ không phải nhu cầu của nước ngoài. Thị trường trong nước thực sự là sân chơi lớn cho các nhà phát triển ứng dụng tại Việt Nam".
Lợi thế sân nhà, sự am hiểu thói quen và thị hiếu người dùng được coi là một lợi thế của các nhà phát triển ứng dụng di động trong nước. Cùng với đó là quyết tâm xây dựng cộng đồng các nhà phát triển đủ mạnh của các nhà mạng, các hãng di động lớn thông qua các chính sách hỗ trợ, các cuộc thi có quy mô lớn như cuộc thi viết game và ứng dụng do điện thoại di động do Viettel tổ chức và trao giải vào giữa tháng 6 vừa qua và hiện tại là cuộc thi phát triển ứng dụng cho nền tảng Bada do Samsung Electronics Việt Nam phát động. Việt Nam cũng là nước đầu tiên và duy nhất cho đến thời điểm hiện tại ở khu vực châu Á Thái Bình Dương cam kết phát triển ứng dụng bản địa cho nền tảng này.
Ông Nguyễn Việt Dũng - Phó Phòng Chiến lược, Tập đoàn Viettel khẳng định: "Các ứng dụng trong quá trình phát triển ban đầu cần rất nhiều hỗ trợ. Với việc tạo nguồn tài chính ổn định và tốt cho những ứng dụng đấy chúng tôi hi vọng sẽ giúp cho các nhà phát triển phần mềm yên tâm đầu tư".
Ông Nguyễn Văn Đạo - Phó TGĐ Công ty Điện tử Samsung Vina cũng cho rằng: "Đầu tiên phải tồn tại, sau đó mới tính đến việc phát triển của cộng đồng ứng dụng Việt. Phải có lợi nhuận để bù lại công sức người ta đã bỏ ra, để có nguồn kinh phí phát triển tiếp thì Samsung dự kiến không phải chỉ là giới thiệu mà đồng thời sẽ hỗ trợ cộng đồng phát triển ứng dụng này, kể cả những nhà phát triển ứng dụng chuyên nghiệp cho đến những lập trình viên tự do thông qua những cuộc thi, thông qua những giải thưởng, đồng thời thông qua những hỗ trợ từ phía Samsung".
Các nhà phát triển ứng dụng Việt đang đứng trước những cơ hội lớn để xây dựng một cộng đồng đủ mạnh, không chỉ phát triển những sản phẩm phù hợp với thị trường trong nước và còn được tạo điều kiện giới thiệu đến thị trường toàn cầu. Những ứng dụng thuần Việt cung cấp đến người dùng Việt, và những ứng dụng do lập trình viên Việt Nam phát triển được người dùng trên toàn thế giới yêu thích và lớn hơn nữa là những tỷ phú ứng dụng Việt, những khoản lợi nhuận khổng lồ do thị trường ứng dụng mang lại chắc chắn không chỉ là mục tiêu của riêng các nhà phát triển ứng dụng.
Những ứng dụng thuần Việt được coi là thế mạnh của các doanh nghiệp trong nước. Tuy nhiên, thực tế cũng chỉ ra rằng các nhà phát triển Việt Nam hoàn toàn có khả năng cho ra đời những sản phẩm mang tính toàn cầu, đủ sức để giới thiệu ra và đủ sức cạnh tranh trên thị trường toàn cầu. Cơ hội còn rất rộng mở, vấn đề là việc nắm bắt cơ hội ra sao. Thị trường ứng dụng di động còn rất mới, vấn đề là việc tham gia và bắt nhịp vào tốc độ phát triển của thị trường này như thế nào. Còn quá sớm để nói rằng khi nào Việt Nam có được cộng đồng phát triển ứng dụng di động đủ mạnh nhưng với quyết tâm, với khả năng, và đứng trước những cơ hội lớn thì tất cả chúng ta hoàn toàn có quyền lạc quan vào tương lai của thị trường ứng dụng di động Việt Nam.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước