Ví điện tử: Trào lưu và thực tế phát triển

Bích Nguyễn-Thứ ba, ngày 07/09/2010 08:00 GMT+7

Đã là một hiện tượng trên thế giới từ cách đây hơn 10 năm, nhưng hiện tại ví điện tử vẫn là khái niệm quá mới tại thị trường Việt Nam…

Thanh toán trực tuyến và bảo vệ người dùng có thể được coi là cách hiểu ngắn gọn nhất của khái niệm ví điện tử. Có vẻ như ví điện tử sẽ giải quyết được vấn đề thanh toán trực tuyến vốn là một khâu yếu, một trong những yếu tố cản trở thương mại điện tử phát triển. Tuy nhiên vì nhiều lý do, thương mại điện tử nói chung và thị trường ví điện tử nói riêng vẫn đang được nhắc đến với cụm từ: "Sự phát triển thực tế không tương xứng với tiềm năng".

Khi người dùng e dè với mua sắm qua mạng...
Bạn Chu Văn Tứ là một sinh viên hiện đang sống và học tập trên địa bàn thành phố Hà Nội. Quyết định trang bị cho mình một chiếc điện thoại di động phục vụ cho nhu cầu liên lạc, Tứ lên mạng để tìm thông tin.
Đắn đo cân nhắc mãi, Tứ cũng tìm được cho mình một chiếc điện thoại khá ưng ý, lại cũng vừa túi tiền. Quyết định chuyển tiền cho người bán để nhanh chóng có được chiếc điện thoại đã chọn, nhưng những gì Tứ nhận được lại không như hình dung, càng khác xa những mô tả mà Tứ đã đọc đi đọc lại trên một trang rao vặt: “Họ lấy lý do hết hàng rồi nhiều lý do khác để giải thích cho việc họ giao hàng không đúng mô tả. Lúc đó mình rất bức xúc nhưng họ đã mang đến và mình đã giao tiền qua tài khoản rồi mình không đổi được lại. Cũng từ đó mình không còn tin tưởng vào việc thanh toán online và giao dịch qua mạng nữa”.
"Một lần bất tín, vạn sự bất tin"... lần đầu tiên thực hiện một giao dịch qua mạng mà có cảm giác như bị lừa, Tứ đã không còn tin vào hình thức mua sắm trực tuyến nữa. Bây giờ có thời gian vào các trang rao vặt, cũng chỉ là để xem cho vui, còn cần mua gì, Tứ đều đến các cửa hàng xem xét cẩn thận, tuy mất thời gian, nhưng mà yên tâm.
Thương mại điện tử không còn là khái niệm xa lạ tại Việt Nam. Cũng vì thế, Tứ không phải là nạn nhân đầu tiên, và càng không phải người mua duy nhất nói không với hình thức mua bán vốn được coi là trào lưu trên thế giới và ngày càng nở rộ tại Việt Nam... Tâm lý e ngại bị lừa mà không biết kêu ai, mất tiền để rước bực vào người khiến cho khách hàng không mấy mặn mà với hình thức mua bán trực tuyến, thanh toán trực tuyến lại càng không.
Tuy nhiên, cũng không ít các bạn trẻ đã biết cách để trở thành những người tiêu dùng thông minh khi không mất thời gian cho những buổi shopping mà vẫn lựa chọn được món đồ ưng ý. Lại không lo mất tiền, như trường hợp của bạn Nguyễn Thùy Giang là một ví dụ: “Lúc đầu mình cũng rất hoang mang khi mua hàng online. Nhưng từ khi một một người bạn giới thiệu cho ví thanh toán trên mạng, mình thấy rất thuận tiện, an toàn”.
... Và cơ hội cho thị trường ví điện tử
Theo ôngNguyễn Hòa Bình, Tổng Giám đốc Công ty PeaceSoft: “Ví điện tử có thể nói gọn trong 2 câu: Thanh toán trực tuyến và bảo vệ người mua. Thứ nhất một hệ thống ví điện tử phải có tính năng hỗ trợ cho các doanh nghiệp bán hàng trực tuyến qua internet tại bất kỳ website nào có khả năng nhận thanh toán trực tuyến và cho phép người mua thanh toán qua internet. Thứ hai nó phải có tính năng bảo vệ người mua tức là ví điện tử phải như một bên trung gian hỗ trợ cho phép trong trường hợp người mua ko nhận được hàng hoặc hàng hóa nhận được không đúng như mô tả thì phải bảo vệ người mua khỏi nguy cơ rủi ro và thất thoát tài chính. Phải xử lý khiếu nại một cách công bằng, cụ thể làm sao cho rõ ràng được sự việc. Trong trường hợp người bán không nghiêm túc phải trả lại tiền, bảo hiểm được cho người mua”.
Được thành lập từ năm 1998, Paypal được coi là điểm khởi đầu của ví điện tử và nhanh chóng trở thành một phương thức thông dụng để thanh toán cho những hàng hoá được mua trên Ebay. Trong năm 2009, khối lượng tiền giao dịch của PayPal đạt con số 6 tỷ USD, tăng 38% so với năm 2008. Hiện nay PayPal có khoảng gần 200 triệu tài khoản và đã quốc tế hoá. Còn tại thị trường Việt Nam, khái niệm ví điện tử cũng mới chỉ xuất hiện cách đây một vài năm và bước đầu tạo được ấn tượng nhất định với những giải thưởng Sao Khuê, Giải thưởng Bitcup được trao cho các sản phẩm Ngânlượng.vn hay Payoo...
Tỏ ra khá nhạy bén, nhiều doanh nghiệp đã nhanh chóng tích hợp loại hình ví điện tử trên trang bán hàng trực tuyến của mình. Theo ông Đỗ Duy Đức, Tổng Giám đốc Megabuy: “Công ty đã tích hợp hầu hết các ví điện tử có mặt trên thị trường cho phép khách hàng mua sắm tiện lợi, tiết kiệm thời gian, chi phí”.
Là một hình thức thanh toán mới, lại được giới thiệu với nhiều tính năng nên mặc dù còn khá mới mẻ, ví điện tử cũng đã dành được sự quan tâm nhất định từ cả phía doanh nghiệp và người dùng. Một trong những điểm gây chú ý nhất là hầu hết các ví điện tử dùng trong giao dịch trực tuyến hiện nay đều có tính năng thanh toán tạm giữ và bảo hiểm người mua. Theo đó, chỉ khi người mua đã nhận được hàng theo đúng mô tả và xác nhận giao dịch, thì tiền mới được chuyển đến cho người bán. Trong trường hợp xảy ra rủi ro, thì chính ví điện tử mà khách hàng sử dụng sẽ đứng ra bối hoàn lại cho khách hàng số tiền đã mất. Đó cũng chính là lý do dù mới chính thức có mặt tại Việt Nam cách đây chưa lâu, nhưng thị trường ví điện tử đã có mức tăng trưởng với những con số ấn tượng.
Ông Nguyễn Hòa Bình, TGĐ PeaceSoft, đơn vị quản lý ví điện tử Ngânlượng.vn: Hiện ngân lượng có hơn 100.000 tài khoản đang hoạt động.
Còn theo ông Nguyễn Trinh Thiết, Trưởng phòng phát triển thị trường – Payoo: “Hiện tại Payoo đã liên kết với rất nhiều ngân hàng và sẽ liên kết với nhiều ngân hàng hơn nữa để mở rộng kênh nạp tiền và chuyển tiền cho khách hàng sử dụng ví điện tử payoo. Bên cạnh đó Payoo cũng kết hop với nhiều doanh nghiệp giao dịch điện tử với hơn 60 website mua bán”.
Ví điện tử: Thực tế và tiềm năng phát triển
Tại Siêu thị điện tử Megabuy, mặc dù tích hợp hầu hết các ví điện tử hiện có tại Việt Nam, nhưng trong hàng trăm đơn hàng sử dụng hình thức thanh toán truyền thống mỗi ngày tại doanh nghiệp này, chỉ có một vài đơn hàng sử dụng ví điện tử.
Có nhiều nguyên nhân lý giải cho việc đã tạo ra sự chú ý, nhưng chưa đủ sức thuyết phục số đông người dùng sử dụng hình thức thanh toán này: “Khách quan là khách hàng chưa thực sự tin tưởng về khả năng bảo mật, lý do chủ quan là chưa kết nối được nhiều với hệ thống ngân hàng và phí giao dịch với các nhà cung cấp dịch vụ trung gian cũng là một cản trở” – ông Đỗ Duy Đức, Tổng Giám đốc Megabuy nhận định.
Còn theo ông Nguyễn Trinh Thiết, đại diện cho ví điện tử Payoo: “Ví điện tử là loại hình mới. Có một số khó khăn khi loại hình này đưa vào áp dụng thực tế. Thứ nhất doanh nghiệp chỉ dừng ở mức quảng bá sản phẩm và nhận các đơn đặt hàng dưới dạng tin nhắn và điện thoại. Người tiêu dùng từ xưa đến nay vẫn có câu: "Đồng tiền gắn liền khúc ruột" hay “Người đâu của đó” nên họ vẫn còn e dè khi tham gia vào các giao dịch này. Với hình thức là trung gian thanh toán ví điện tử chưa nhận được hỗ trợ đầy đủ từ phía ngân hàng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong việc nạp tiền và chuyển tiền.
Ông Nguyễn Hoà Bình thì cho rằng nguyên nhân là người mua chưa hiểu rõ về ví điện tử và người bán chưa biết cách tuyên truyền. Cũng theo ông Bình, những vướng mắc này cần thời gian để tháo gỡ.
Những rào cản hay nói chính xác hơn là những khó khăn khiến cho thị trường ví điện tử thực sự phát triển cũng là những khó khăn đã được nhắc đến với sự phát triển của thương mại điện tử nói chung là nhận thức và thói quen của người dùng khi tiếp nhận cái mới. Paypal là một điển hình thành công của loại hình ví điện tử và sự mở rộng phạm vi của nó cho thấy ví điện tử đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với người dùng trên toàn thế giới. Trung Quốc với hơn 70% giá trị thanh toán trực tuyến thông qua ví điện tử cho thấy mô hình ví điện tử đang thực sự trở thành trào lưu.
Tại Việt Nam, xu thế chung của thị trường đang tạo ra cơ hội cho các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt. Cùng với đó là sự phát triển mạnh các đơn vị cung cấp ví điện tử với những tính năng hỗ trợ thanh toán tiện lợi khác nhau cho thấy thị trường ví điện tử không chỉ là tiềm năng mà đang đứng trước tương lai phát triển lạc quan. Theo ông Nguyễn Trinh Thiết: “Thị trường ví điện tử hiện tại có rất nhiểu doanh nghiệp tham gia. Điều đó cho thấy thị trường này rất có tiềm năng. Tất cả các doanh nghiệp tham gia hiện tại đang trong tâm thế chờ đợi thị trường bùng nổ. Thị trường bùng nổ có nhanh, mạnh hay không phụ thuộc rất nhiều vào chính sách của chính phủ, Nhà nước, đặc biệt chính sách liên quan đến TMĐT, CPĐT. Chúng tôi cũng sẵn sàng chờ đợi và đón chờ tương lai mà chúng tôi tin rằng rất thành công”.
Ví điện tử giống như một người giữ tiền trung gian đứng ra thay mặt ngân hàng thực hiện thanh toán cho người sử dụng trong các hoạt động thương mại điện tử, trong đó người dùng được bảo vệ tối đa trước những rủi ro có thể gặp phải. Chính ưu điểm này nên ví điện tử, dù mới chỉ được giới thiệu tại VN chưa lâu nhưng cũng đã tạo ra được sự chú ý nhất định. Tuy sự phát triển của thị trường ví điện tử chưa thực sự như kỳ vọng của các nhà cung cấp cũng như chưa thật xứng tầm với vai trò giải quyết khâu thanh toán cho thương mại điện tử nhưng không thể phủ nhận tiềm năng lớn, và sự phát triển bùng nổ được dự báo là sẽ xảy ra trong tương lai gần.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước