Xây dựng chính phủ điện tử - những tín hiệu mới

QT-Thứ tư, ngày 28/10/2009 10:05 GMT+7

Giai đoạn 2009-2010 được xem là giai đoạn bản lề cho việc tiến tới kế hoạch xây dựng chính phủ điện tử tại Việt Nam giai đoạn 2011-2015, với các mục tiêu cơ bản là: đổi mới phương thức cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến, đổi mới phương thức quản lý tài nguyên thông tin cũng như xây dựng môi trường làm việc điện tử giữa các cơ quan nhà nước. Ở giai đoạn bản lề này, CPĐT tại Việt Nam được đánh giá là đã có những bước tiến triển mới, với những tín hiệu lạc quan hơn.

Những tín hiệu mới

Vừa qua, tại Thành phố Hồ Chí Minh, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Phó Thủ tướng chính phủ Nguyễn Thiện Nhân, Hội thảo về chính phủ điện tử lần thứ 7 đã được diễn ra... Ngoài sự tham gia trọn vẹn trong 2 ngày Hội thảo của Phó Thủ tướng, gần như, đây là năm đầu tiên có sự tham gia của hầu hết lãnh đạo cấp tỉnh, mà cụ thể là Phó chủ tịch UBND các tỉnh – người đứng đầu chỉ đạo CNTT ở các địa phương.
Nhìn vào đội ngũ tham dự “Hội nghị Diên Hồng” về CNTT, nhiều người nhận thấy đây thực sự là một tín hiệu vui. Rõ ràng đã có sự chuyển biến tích cực trong tư tưởng của những người đứng đầu công tác xây dựng chính phủ điện tử ở các địa phương. Sự thay đổi này không chỉ thể hiện ở việc họ tham dự các hội thảo về xây dựng Chính phủ điện tử đầy đủ hơn mà còn thể hiện cụ thể ở những kết quả mà các địa phương đã đạt được...
Tại Hội thảo, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nói vui rằng, ở thời điểm hiện tại, nếu không có máy tính hầu như các cơ quan nhà nước sẽ ngừng hoạt động. Như vậy để thấy tin học hoá đã trở nên quen thuộc và cần thiết như thế nào đối với các cơ quan nhà nước.
Theo báo cáo chỉ số sẵn sàng CNTT -TT Việt Nam được công bố vào tháng 12/2008, tỷ lệ cán bộ công chức sử dụng email trong hầu hết các Bộ đều đạt trên 80%, tỷ lệ này ở các địa phương cũng vượt mục tiêu đặt ra, đặc biệt như TP.HCM, Đà Nẵng, Bắc Giang, Nghệ An có tới 100% cán bộ sử dụng email của cơ quan trong giao dịch hành chính. Hiện hầu hết các tỉnh, thành phố, bộ, cơ quan ngang bộ đều có trang web cung cấp các thông tin và dịch vụ hành chính công trực tuyến. Có nhiều địa phương đã đạt đến mức 3 (điền và gửi trực tuyến các mẫu đơn, hồ sơ, xử lý và giao dịch hồ sơ qua mạng) và đang sẵn sàng cho mục tiêu ở mức 4 (thực hiện dịch vụ và trả kết quả trực tuyến).
Năm 2008 cũng chứng kiến rất nhiều cơ quan chính phủ, các bộ và địa phương tiến hành họp giao ban qua mạng Internet. Chỉ riêng việc làm này cũng đã đem lại những lợi ích to lớn có thể thấy rõ...
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân phân tích: “Trước đây, mỗi cuộc họp của Trung ương, nếu mỗi tỉnh chỉ cử từ 1-3 người đi dự thì toàn quốc sẽ có khoảng 120-130 người dự họp. Kinh phí cho mỗi lần họp mất khoảng 500-800 triệu. Giờ đây, làm qua mạng thì mỗi địa phương có thể có 10 người tham gia, toàn quốc có thể có từ 500-1000 người tham dự. 1000 người cơ sở nghe ý kiến của cơ quan trung ương thảo luận thì có thể tiếp thu trực tiếp và tiết kiệm rất nhiều kinh phí”.
Những kết quả mà Việt Nam đạt được trong việc xây dựng chính phủ điện tử còn thể hiện rõ bằng sự cải thiện vị trí của chúng ta trên bản đồ CNTT thế giới. Năm 2004 Chính phủ điện tử tại Việt Nam xếp thứ 112, năm 2005 xếp thứ 105 và năm 2008 tăng hẳn 16 bậc - vươn lên xếp hạng thứ 91. Thực tế này đã cho thấy công cuộc xây dựng chính phủ điện tử của chúng ta không dậm chân tại chỗ.
Vẫn là bài toán tin học hoá – cải cách hành chính
Chỉ tiến hành tin học hoá một bộ phận trong một cơ quan quản lý nhà nước thôi đã thấy không đơn giản. Xây dựng cả một chính phủ điện tử tất nhiên khó hơn nhiều, với những trở ngại to lớn hơn rất nhiều...
Và không mấy ai ngạc nhiên khi cho đến bây giờ một trong những khó khăn lớn nhất của chúng ta vẫn là việc giải quyết dứt điểm bài toán mối quan hệ giữa công tác tin học hoá và cải cách hành chính. Thực tế cho thấy cải cách hành chính phải thực sự tốt thì mới có thể triển khai ứng dụng CNTT hiệu quả, tạo đà thành công cho việc xây dựng chính phủ điện tử.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: “Vấn đề quan trọng là mức độ và bước đi. Cho nên là chúng ta đặt vấn đề hợp lý hoá quy trình quản lý hành chính và trên cơ sở đó tiến hành tin học hoá. Nếu tin học hoá không hợp lý thì còn rắc rối thêm. Phải đi song song và thậm chí cải cách hành chính phải đi trước một bước chính là vì cái đó”.
Tại Hội thảo về Chính phủ điện tử lần thứ 7, báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông cũng như ý kiến nhiều đại biểu đã chỉ ra rằng: bên cạnh những khó khăn cơ bản như cán bộ chuyên trách thiếu và yếu, lề lối làm việc còn chậm đổi mới, công tác tuyên truyền chưa tốt thì việc các thủ tục hành chính còn thay đổi liên tục, công tác cải cách hành chính chưa tốt đã trở thành rào cản cho tin học hoá...
Ông Lê Mạnh Hà, Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM góp ý: “Các cơ quan phải cải tiến hơn nữa, để làm sao để việc đi lại của người dân, việc nộp hồ sơ phải thực sự tuyến qua mạng thì mới tốt hơn. Ví dụ như phần giấy phép xây dựng chẳng hạn chúng ta không dễ thực hiện vì theo quy định của luật thì người ta vẫn phải ôm cái bộ hồ sơ ấy lên chứ không thể gửi qua mạng vài cái bản đánh máy hoặc photo... Cho nên trong thời gian tới, cố gắng của ngành CNTT chỉ là một phần, nếu như các quy định về hành chính vẫn phức tạp thì rất là khó”.
“Hiện nay chúng tôi đang đề xuất là phải nhập lại hai ban chỉ đạo cải cách hành chính và ban chỉ đạo CNTT vào một bởi thực ra CNTT là một nội dung của cải cách hành chính chứ không chỉ là công cụ. Nếu chúng ta mà không kết hợp lại thì rất là khó. Phải cải cách các thủ tục sau đó để làm sao CNTT nó thuận tiện hơn và nó có hiệu quả hơn. Ngược lại từ CNTT mà chúng ta phát hiện những điểm không chính xác giúp cho cải cách hành chính” - Ông Hà nhận xét thêm.
Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hội tin học TP.HCM cũng khẳng định: “Chính phủ điện tử mà không gắn chặt với cải cách hành chính thì khó mà có thể tạo ra được cái quy trình tốt, thành công”.
Tại Việt Nam, khi triển khai xây dựng chính phủ điện tử, nhiều dự án đã không thể thành công như mong đợi, cá biệt có những đề án kết thúc không mấy bình yên đa phần đều bắt nguồn từ việc nhận thức không đúng vấn đề này, đánh giá sai tình hình dẫn đến có cách làm sai, triển khai xây dựng chính phủ điện tử ở cấp độ không phù hợp... Trên thực tế, đúng như phân tích của ông Lê Mạnh Hà, việc xây dựng chính phủ điện tử không còn phụ thuộc quá nhiều vào yếu tố công nghệ nữa. Trong thời điểm hiện tại, công nghệ đã có thể đáp ứng được những yêu cầu về mặt kỹ thuật cho chính phủ điện tử. Vấn đề còn lại phụ thuộc vào chúng ta thực hiện quá trình cải cách hành chính như thế nào và sử dụng công nghệ ra sao để đẩy nhanh hơn quá trình cải cách hành chính.
Xây dựng CPĐT phải có một cơ chế đủ mạnh – một gợi ý từ TP.Hồ Chí Minh
TP.Hồ Chí Minh là địa phương được đánh giá là đơn vị đi đầu cả nước trong việc xây dựng mô hình chính phủ điện tử... Hầu hết đều thừa nhận thành phố mang tên Bác đã đi trước các địa phương khác trong cả nước một bước trong quá trình xây dựng chế độ “một cửa”. Trên cổng thông tin của thành phố, đã có 337 dịch vụ công được cung cấp trực tuyến, trong đó có 11 dịch vụ đạt đến mức độ 3. Ông Lê Mạnh Hà, giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM cho rằng nguyên nhân chính để đạt được những kết quả trên là do Sở được giao một cơ chế đủ mạnh và thực sự quyết liệt.
Ông Hà nói: “Trong 63 tỉnh thành thì chỉ có TPHCM là có cơ chế rất mạnh. TP đã ban hành quy định về quản lý đầu tư trong CNTT, trong khi đó cả nước chưa ai làm cả. Quy định này tạo cơ chế rất mạnh cho Sở TTTT, giúp chúng tôi có đủ tiền và đủ quyền. Chúng tôi sẽ xây dựng được kế hoạch kinh phí, TP thông qua đó phê duyệt, giao kinh phí đó cho Sở sau đó Sở phân bổ cho các dự án, các cơ quan huyện. Và Sở có cái quyền nữa mà hiện giờ các tỉnh khác chưa có đó là quyền thẩm định và phê duyệt các dự án”.
Theo người đứng đầu Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hồ Chí Minh, vấn đề then chốt trong việc xây dựng chính phủ điện tử thành công ở các địa phương là cơ quan chuyên môn thực hiện triển khai CNTT (ở đây là các Sở Thông tin và Truyền thông) phải thực sự có tiền và quyền. Lãnh đạo tỉnh tham gia chỉ đạo ngay từ đầu, trực tiếp ở các giai đoạn đầu, đến các giai đoạn sau khi đường hướng đã rõ ràng thì phần việc phải được tin tưởng giao lại hoàn toàn cho Sở.
Về chia sẻ của Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM, Ông Chu Tiến Dũng đồng tình: “Tôi rất tâm đắc với chia sẻ này. Bấy lâu nay, không chỉ trong lĩnh vực này mà trong bất kỳ một lĩnh vực nào khác nếu chúng ta phân tán quyền lực, quản lý quản phân tán thì thường là triển khai rất chậm. Một trong những nguyên nhân mà chúng ta hay nói rằng nhà nước không thiếu tiền mà lại triển khai không được tốt là do chúng ta phân tán quyền lực chia sẻ cho nhiều người quyết định. Và thậm chí nhiều người nhận thức khác nhau dẫn đến các quyết định cũng rất khác nhau”...
Tất nhiên quy trình xây dựng chính phủ điện tử còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố để thành công. Ở mỗi địa phương, các yếu tố này cũng không giống nhau. Tuy vậy, những chia sẻ từ kinh nghiệm triển khai xây dựng chính phủ điện tử tại TP.HCM có thể được xem là một gợi ý tốt, rất đáng được lưu tâm.
Phát biểu tại Hội thảo chính phủ điện tử, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng xây dựng chính phủ điện tử cần phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm, ban đầu thực hiện ở quy mô nhỏ sau đó mới nhân rộng ra cả nước và mỗi địa phương cần phải có những mục tiêu chính phủ điện tử riêng, phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương đó. Nói tổng quan lại: quan trọng nhất vẫn là mức độ và bước đi... Bước đi của TP.HCM đang đúng hướng và sẽ không ngạc nhiên nếu có địa phương nào đó bắt đầu áp dụng những cơ chế quyết liệt trong quy trình xây dựng chính phủ điện tử.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước