Internet – Sự kiện khoa học công nghệ tiêu biểu năm 2012

Trung Khánh (Ảnh: VTV News)-Thứ sáu, ngày 28/12/2012 07:35 GMT+7

Chương trình 10 sự kiện khoa học công nghệ của năm 2012 trên VTV2 vinh danh sự kiện Internet

Thứ trưởng Bộ TT - TT Lê Nam Thắng có mặt ở trường quay S10 đã trực tiếp chia sẻ những câu chuyện về sự xuất hiện và phát triển của Internet trong 15 năm qua cũng như định hướng phát triển Internet trong thời gian tới.

Trong chương trình 10 sự kiện khoa học công nghệ tiêu biểu của năm sẽ phát sóng vào dịp Tết Dương lịch trên VTV2, Internet là một trong số những sự kiện được vinh danh với mốc son 15 năm chính thức có mặt ở Việt Nam. Sau 15 năm phát triển, Internet từ một công nghệ mới đã trở thành đòn bẩy cho sự phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của đất nước. Hiện nay, Internet dường như là thứ không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại.

Đại diện cho Bộ Thông tin và Truyền thông có mặt tại trường quay S10, Đài THVN tham dự chương trình, Thứ trưởng Lê Nam Thắng đã cởi mở chia sẻ về vấn đề Internet tại Việt Nam.

Thưa Thứ trưởng Lê Nam Thắng, xin ông cho biết sự phát triển của Internet hôm nay có khác gì so với hình dung và mong ước của những người đưa Internet vào Việt Nam cách đây 15 năm?

15 năm trước, Nghị quyết Trung ương 2 khóa VIII đã thông qua chủ trương phát triển Internet tại Việt Nam. Cuối năm 1997, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ‎ý cấp phép cho 4 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet. Đây là dấu mốc rất quan trọng để đưa Internet có mặt Việt Nam.

Tại thời điểm đó, chưa nhà lãnh đạo hay nhà quản lí nào hình dung được sự phát triển của Internet như hiện tại. Các nhà khoa học, giáo dục,... coi Internet là kho thông tin khổng lồ, nguồn tri thức lớn của nhân loại. Nếu tận dụng được Internet khai thác được nguồn thông tin ấy sẽ giúp ích rất nhiều cho nghiên cứu khoa học, kỹ thuật, đào tạo, quản lí. Nhưng tất cả đều không thể hình dung được 15 năm sau Internet đã phát triển nhanh chóng và trở thành một nhu cầu thiết yếu của người dân.

Hiện tại, có hơn 31 triệu người sử dụng Internet. Theo đó, Việt Nam đã lọt vào top 18 thế giới có số lượng người sử dụng Internet cao nhất đồng thời đứng top đầu trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương về hạ tầng Internet cũng như dịch vụ Internet.

‘ Thứ trưởng Lê Nam Thắng tham dự chương trình tại trường quay S10

Trước sự phát triển bùng nổ như vậy, Bộ Thông tin Truyền thông có chính sách đặc biệt gì để phát triển Internet trong giai đoạn tiếp theo?

Bộ đã có chủ trương phát triển Internet trong giai đoạn tới với 5 giải pháp cụ thể.
Trước hết, Bộ tập trung vào các cơ chế, chính sách, giải pháp phát triển hạ tầng Internet băng thông rộng, tốc độ cao, chất lượng tốt với giá khuyến mại đưa được nhiều ứng dụng. Thứ hai, Bộ phổ cập Internet, đặc biệt là vùng sâu, xa, biên giới hải đào.

Thứ ba, nội dung ứng dụng tiếng Việt trên Internet được nghiên cứu phát triển giúp người dùng Việt Nam có thể dễ dàng sử dụng các ứng dụng. Thứ tư, Bộ sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất các thiết bị đầu cuối về Internet như máy tính bảng, điện thoại thông minh (smart phone)… với giá thành rẻ kèm theo nhiều ứng dụng phù hợp người dùng Việt Nam.

Cuối cung, Bộ Thông tin & Truyền thông tiếp tục phối hợp với các đoàn thế như hội nông dân, hội phụ nữ, đoàn thanh niên bổ trợ kiến thức, kỹ năng sử dụng máy tính nói riêng và Internet nói chung một cách hiệu quả nhất .

Nhân dịp này, Thứ trưởng có thể chia sẻ với cộng đồng mạng làm thế nào để chúng ta cân bằng được thế giới ảo với thế giới thật như hiện nay?

Internet không phải là thế giới ảo. Đó thực sự là thế giới thực. Trên Internet chúng ta đang sống, đang làm việc, đang giải trí. Chính phủ họp với địa phương thông qua Internet, chỉ đạo thực, điều hành thực. Ngay cả trên Internet cũng có giá trị thực và giá trị ảo. Quan trọng là chúng ta phải biết đâu là giá trị đích thực, khai thác được những gì từ những giá trị đó cho cuộc sống hiện tại.

Nhiều người cho rằng ta đang sống phụ thuộc quá nhiều vào Internet. Điều đó cũng không sai nhưng chúng ta đang sống trong thời đại của Internet, cũng giống như trước đây ta sống phụ thuộc vào xe đạp, xe máy hay điện thoại cố định, điện thoại di động chả hạn. Quen sống như thế nào thì phụ thuộc vào cái đó. Phụ thuộc ấy mang lại lợi ích gì cho con người. Tôi nghĩ sự phụ thuộc vào Internet không hề có hại.

Xin cảm ơn Thứ trưởng về cuộc trao đổi này!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước