Lịch sử Lễ trao giải Oscar

Duy Minh-Chủ nhật, ngày 24/02/2013 06:00 GMT+7

Những tượng vàng Oscar danh giá. Nguồn: Getty Images

Chỉ còn vài ngày nữa, Lễ trao giải Oscar lần thứ 83 sẽ diễn ra tại thành phố Los Angeles với những bức tượng vàng danh giá được trao cho người thắng cuộc. Hãy cùng Báo Quân đội Nhân dân Điện tử tìm hiểu thêm về sự kiện điện ảnh nổi tiếng này.

Sự ra đời

Giải Oscar hay còn được gọi là Giải thưởng Viện Hàn lâm (Academy Awards) là giải thưởng của Viện hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Hoa Kỳ (AMPAS) nhằm ghi nhận những thành tựu xuất sắc trong lĩnh vực điện ảnh trong năm.

Sự ra đời của giải Oscar gắn liền với việc thành lập AMPAS. Được sáng lập năm 1927, AMPAS giờ đây đã là một trong những tổ chức nghệ thuật uy tín nhất trên thế giới với khoảng 6.000 thành viên, phần lớn là nghệ sĩ và chuyên gia trong lĩnh vực điện ảnh.

Năm 1927, trong bữa ăn tối giữa người đứng đầu hãng phim MGM, ông Louis B. Mayer, với ba người khách là diễn viên Conrad Nagel, đạo diễn Fred Niblo và nhà sản xuất Fred Beetson, đã cùng nảy ra ý tưởng thành lập một tổ chức mang lại lợi ích cho toàn bộ ngành điện ảnh.

Sau một thời gian ngắn, ý tưởng đó trở thành hiện thực. Ngày 11-5-1927, Viện hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Hoa Kỳ chính thức được ra mắt với 230 thành viên, hầu hết đều làm việc trong lĩnh vực điện ảnh.

Mỗi thành viên khi đó đã đóng phí hoạt động cho Viện là 100 đô la. Tổ chức phi chính phủ này bao gồm 5 nhóm chính: nhóm các nhà sản xuất, nhóm diễn viên, nhóm đạo diễn, nhóm nhà văn và nhóm kỹ thuật.

Một trong những Ủy ban đầu tiên được thành lập của Viện chính là Ủy ban xét duyệt giải thưởng. Ủy ban được thành lập năm 1928 bao gồm 7 thành viên có nhiệm vụ phối hợp với các chuyên gia xét duyệt và trao tặng các giải thưởng cho 12 hạng mục điện ảnh. Ngay trong năm sau, 1929, những giải thưởng điện ảnh Oscar đầu tiên đã được trao tặng.

Lễ trao giải đầu tiên

Lễ trao giải Oscar đầu tiên được tổ chức tại khách sạn Hollywood Roosevelt vào ngày 16-5-1929 sau khi Viện hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Hoa Kỳ (AMPAS) ra đời được 2 năm. 270 người đã tham dự vào buổi tối đặc biệt đó, giá vé cho khách vào cửa là 5 đô la.

Có lẽ những người có mặt trong buổi lễ đó không thể ngờ rằng giờ đây Lễ trao giải Oscar đã trở thành một trong những sự kiện điện ảnh lớn nhất thế giới, với hàng nghìn khách mời và hàng trăm triệu khán giả trên khắp thế giới trực tiếp theo dõi.

Chủ tịch AMPAS lúc đó là ông Douglas Fairbanks đã vinh dự được trao những bức tượng Oscar đầu tiên cho người thắng cuộc. Tuy nhiên, khác với những Lễ trao giải hiện nay, danh sách người nhận giải đã được công bố trước đó 3 tháng.

Trong Lễ trao giải Oscar đầu tiên, 15 bức tượng đã được trao để ghi nhận những thành tựu xuất sắc trong lĩnh vực điện ảnh trong năm 1927 và 1928. Giải diễn viên xuất sắc nhất thuộc về diễn viên kịch người Đức Emil Jannings. Tuy nhiên, ông đã quay lại Châu Âu trước khi Lễ trao giải diễn ra và Ban tổ chức phải trao cho ông chiếc tượng danh giá trước đó.

Tại buổi lễ đầu tiên chỉ có một phóng viên đưa tin nhưng ngay năm sau nó đã thu hút hàng nghìn người quan tâm. Đài phát thanh Los Angeles đã phát trực tiếp Lễ trao giải trong một giờ đồng hồ. Từ đó trở đi, Lễ trao giải Oscar luôn được phát thanh và truyền hình trực tiếp.

Những cột mốc đáng nhớ

AMPAS tiếp tục tổ chức Lễ trao giải tại khách sạn Ambassador và Biltmore cho đến năm 1942 khi số lượng người tham dự quá lớn và được chuyển đến địa điểm khác. Lễ trao giải lần thứ 16 đã được tổ chức tại một nhà hát lớn ở Hollywood.

Đến 1953, chương trình truyền hình trực tiếp đầu tiên về Lễ trao giải Oscar được tổ chức, thu hút hàng triệu người xem ở Mỹ và Canada. Đến năm 1966, Lễ trao giải đã được truyền hình màu, mang lại cho người xem tivi cảm giác như đang trực tiếp có mặt tại buổi lễ.

Từ năm 1969, buổi lễ được truyền hình trực tiếp đi khắp thế giới. Cho đến nay, Lễ trao giải đã thu hút hàng trăm triệu khán giả ở hơn 200 nước trên thế giới.

Đã ba lần trong lịch sử hơn 80 năm của mình, Lễ trao giải Oscar không diễn ra theo đúng lịch trình. Năm 1938 là lần đầu tiên Lễ trao giải Oscar phải hoãn lại 1 tuần do trận lụt lịch sử tàn phá thành phố Los Angeles.

Năm 1968, Lễ trao giải cũng bị chuyển từ ngày 8-4 đến ngày 10-4 vì vụ ám sát mục sư Martin Luther King Jr vài ngày trước đó. Lễ tang của ông được tổ chức vào ngày 9-4.

Lần thứ 3 Lễ trao giải bị hoãn một ngày vào năm 1981 khi xảy ra vụ mưu sát Tổng thống Mỹ Ronald Reagan.

Năm 2003, quân đội Mỹ đã đánh chiếm Irắc ngay trước khi chương trình truyền hình trực tiếp Lễ trao giải Oscar lần thứ 75 diễn ra. Sau đó, buổi lễ vẫn được tổ chức theo kế hoạch, tuy nhiên nhiều khách mời và phóng viên quốc tế đã không thể đến dự.

Lễ trao giải Oscar lần thứ 83 năm nay sẽ được tổ chức vào ngày 27-2 tới tại "thành phố của những thiên thần" Los Angeles với sự tham dự của hàng loạt các nghệ sĩ nổi tiếng trên thế giới.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước