Mở đường… “Tây tiến” cho phim truyền hình Việt

Châu Xuyên (Theo QĐND)-Thứ năm, ngày 18/04/2013 11:46 GMT+7

Một cảnh trong phim Tình yêu không hẹn trước

 Chưa bao giờ phim của Trung tâm Sản xuất phim truyền hình, Đài Truyền hình Việt Nam (VFC) lại nhận được phản hồi tích cực như thời gian vừa qua. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với đạo diễn Đỗ Thanh Hải, Giám đốc VFC, đơn vị sản xuất phim truyền hình.

PV: Năm vừa qua, VFC đã có những bước tiến vượt bậc trong sản xuất phim truyền hình, đặc biệt trong vấn đề cân bằng giữa phim chính luận và phim giải trí thuần Việt, khác hẳn với trước là có sự đan xen sản xuất phim Việt phiên bản nước ngoài như Hàn Quốc… Như vậy có sợ “mất khách” khi cạnh tranh với các đơn vị sản xuất phim xã hội hóa không, thưa đạo diễn?

Đạo diễn Đỗ Thanh Hải: Chúng tôi xác định phim phải đến được với khán giả nên người làm phim không chỉ biết quan tâm đến riêng bộ phim mình làm, mà phải biết lắng nghe phản hồi từ khán giả, báo chí và thậm chí VFC đã chủ động điều tra thăm dò ý kiến khán giả. Trong xu hướng các chương trình giải trí hiện nay đều sẵn sàng bỏ khoản tiền lớn để mua format và công nghệ sản xuất từ nước ngoài, phim truyền hình Việt muốn phát triển và thu hút được khán giả, phải lấy chất lượng nội dung và bản sắc văn hóa, xã hội và con người Việt làm yếu tố cốt lõi, đồng thời cũng phải nâng dần các hình thức thể hiện, cái gì hay mà cũ cũng khó giữ được sự hấp dẫn lâu dài.

‘ Một cảnh trong phim Tình yêu không hẹn trước

PV: Đầu tư vào những dự án lớn như “Hai phía chân trời” thực hiện 2/3 cảnh quay ở Cộng hòa Séc, sau đó là “Trò đời” - dựa trên tác phẩm văn học của nhà văn Vũ Trọng Phụng khá tốn kém và không hề đơn giản. Vậy đâu là động lực thôi thúc đơn vị sản xuất?

Đạo diễn Đỗ Thanh Hải: Có thể nói, các dự án phim như vậy đã kích thích lòng yêu nghề, sự say mê sáng tạo cho đội ngũ làm phim ở VFC, nhất là người trẻ. Sau “Hai phía chân trời” là dự án làm phim về chí sĩ Phan Bội Châu với 70% thời lượng quay ở Nhật Bản, tiếp theo đó lại là một dự án làm phim ở nước ngoài khác. Chúng tôi xác định trong bối cảnh người người làm phim truyền hình như hiện nay, sự cạnh tranh với các đơn vị xã hội hóa là điều tất yếu. Nhưng làm phim gì, hướng đến đối tượng khán giả như thế nào mới là điều quan trọng. Chúng tôi đang hướng tới khu phim trường phục vụ cho sản xuất phim chuyên nghiệp.

PV: Liên tục ra nước ngoài làm phim, hình như VFC đang “Tây tiến” phim truyền hình. Làm phim ở nước ngoài có khiến các anh chịu nhiều áp lực?

Đạo diễn Đỗ Thanh Hải: Với một đơn vị làm phim lớn như VFC, lại trong xu hướng phát triển mạnh của Đài THVN thì các dự án này như những bước đi đầu tiên giúp chúng tôi đến gần với hoạt động sản xuất và trao đổi bản quyền các bộ phim với nhiều nước trong khu vực châu Á và thậm chí với thế giới. Hiện nay, mỗi năm có rất nhiều hội chợ phim quốc tế diễn ra, giúp cho các nước có điều kiện giới thiệu và chào bán bản quyền phim truyền hình rộng rãi và có thể thu lợi nhuận cao. Vì vậy, VFC cũng hy vọng sẽ tiếp cận dần với xu hướng này. Nhưng muốn vậy, các bộ phim phải đạt một chất lượng nhất định. Đặc biệt vấn đề nội dung câu chuyện phim, bên cạnh dấu ấn riêng về bản sắc văn hóa thì phải có sự phù hợp và tạo ra được những sự quan tâm với số đông khán giả ở nhiều quốc gia. Tất nhiên làm phim ở nước ngoài có nhiều khó khăn, nhưng chúng tôi đã có thời gian dài để chuẩn bị cho công việc này.

Xin cảm ơn đạo diễn Đỗ Thanh Hải!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước