Hồng Ánh: Quan trọng là phải làm một bộ phim hay

Bảo Anh -Thứ năm, ngày 01/08/2013 11:18 GMT+7

 Đánh giá cao thị hiếu của khán giả hiện nay, nữ diễn viên Hồng Ánh, nhà sản xuất của bộ phim được đánh giá là rất đáng xem Đường đua khẳng định: quan trọng là phải làm ra một bộ phim hay mà không cần phân biệt nghệ thuật hay thị trường.

Mặc dù được các nhà phê bình, báo chí và dân trong nghề đánh giá rất cao nhưng doanh thu phòng vé của Đường đua sau 5 ngày ra rạp có khả quan không, thưa chị?

Nhờ sự ủng hộ của bạn bè, đồng nghiệp và khán giả nên Đường đua hầu như luôn kín chỗ ở tất cả các rạp. Những ai chưa đi xem Đường đua thì hãy tới rạp mua vé xem phim, chắc chắn các bạn sẽ có được những trải nghiệm thú vị.

Đường đua là một bộ phim hành động, có vẻ như nó không phù hợp với một Hồng Ánh dịu dàng, nền nã và lịch thiệp. Tại sao chị lại lựa chọn thể loại này, vì thích hay là một cách để kích thích sự tò mò của khán giả?

Mọi người thật sai lầm khi luôn nghĩ về Hồng Ánh như thế. Tôi nghĩ thế này, trong mỗi con người luôn có những nét tính cách đối lập nhau, phần mạnh sẽ lấn át phần yếu hơn nhưng không có nghĩa là cái phần yếu hơn ấy không có cơ hội trỗi dậy. Thật sự thì tôi vẫn thích những bộ phim tâm lý nhẹ nhàng, những câu chuyện về phụ nữ, nhưng Đường đua cũng đã cho tôi những trải nghiệm thú vị, giúp tôi khám phá thêm được những góc khác trong con người mình.

Bản thân tôi cũng rất ngạc nhiên về mình khi chọn đề tài này, khi chấp bút cùng với Thanh Huy viết nên kịch bản rồi càng làm lại càng nhận ra mình cũng có đầy những tính xấu, cũng nóng tính và đôi khi cũng đưa ra những quyết định khiến mọi người buồn lòng chứ không dịu dàng nền nã gì (cười).

Dưới góc độ nhà sản xuất, tôi chọn đề tài hành động, tội phạm cũng là để khai thác thêm một hướng đi nữa trên thị trường phim chiếu rạp chỉ xoay quanh thể loại hài, tình cảm, tâm lý. Hy vọng hướng đi này sẽ tạo thêm sự đa dạng, phong phú cho thị trường phim giải trí, đáp ứng nhu cầu thưởng thức phim ngày càng cao của khán giả. Bên cạnh đó, câu chuyện của phim cũng phản ảnh một phần thực tế xã hội.

Hồng Ánh là cái tên gắn liền với những giải thưởng nghệ thuật, nhưng trong vai trò nhà sản xuất chị vẫn phải phải tính đến bài toán kinh tế. Tuy nhiên cái gọi là “tư duy nghệ thuật” thì rất khó thay đổi, làm sao để cân bằng hai yếu tố này?

Mọi người vẫn thường hay đùa: “Hồng Ánh đang vật lộn trong sản phẩm thị trường”. Tôi thấy thị hiếu của khán giả Việt hiện nay đã nâng cao hơn rất nhiều rồi, không cần phân biệt phim nghệ thuật hay phim giải trí thị trường nữa. Quan trọng là phải làm một bộ phim hay, được đầu tư kỹ lưỡng để thuyết phục công chúng. Đó cũng là một thách thức với các nhà sản xuất.

Ngoài dự án phim ngắn 89.6000km+ thì hầu như toàn bộ ekip của Đường đua đều là những người còn rất trẻ, lần đầu tiên làm phim. Chị có mạo hiểm quá không, khi đầu tư cho các bạn trẻ, vì tuổi trẻ dù có tài năng, có nhiệt huyết, có tư duy mới mẻ nhưng lại thiếu kinh nghiệm và thiếu cả sự trải nghiệm, những điều rất cần thiết khi làm nghệ thuật?

Không thể đòi hỏi quá sức các bạn trẻ ở tác phẩm đầu tiên, bản thân tôi rất tin tưởng, khích lệ để các bạn chứng tỏ khả năng của mình. Ai cũng có những bước khởi đầu, nếu không có sự tin tưởng và giúp đỡ thì mãi mãi sẽ không có những đạo diễn tài năng như Quang Dũng, Vũ Ngọc Đãng, Charlie Nguyễn, Victor Vũ… của ngày hôm nay. Điều tôi mong muốn là các bạn hãy luôn giữ được ngọn lửa nhiệt tình, sự bình tĩnh, biết chia sẻ, biết lắng nghe, tôi sẽ hỗ trợ các bạn bằng những kinh nghiệm đã tích lũy được sau nhiều năm theo nghề. Những phản hồi khá tốt của Đường đua càng củng cố thêm niềm tin ấy.

Đến Cannes lần này với mục đích giúp đạo diễn trẻ Trần Dũng Thanh Huy giới thiệu phim ngắn "16:30" và tham gia tiệc phim ngắn "YxineFF", phản hồi của các nhà làm phim quốc tế thế nào, thưa chị?

Phải nói là bộ phim này đã nhận được những phản hồi rất tốt, cả ban tổ chức và các nhà làm phim đều tiếc là tại sao điện ảnh Việt Nam lại chỉ có một phim tham dự, tại sao không cố gắng có nhiều phim hơn nữa để tạo thành một buổi chiếu giới thiệu phim ngắn Việt Nam. Cá nhân đạo diễn trẻ Thanh Huy cũng nhận được rất nhiều Contact để liên lạc với các bạn đạo diễn cùng lứa tuổi đồng thời cũng có cơ hội xem nhiều phim để học hỏi.

Còn Đường đua thì sao, chị cũng đã mang bộ phim này tới hội chợ phim quốc tế?

Tôi đã tận dụng tất cả các cơ hội để gặp gỡ các đối tác và các nhà phát hành phim, những nhà phát hành khu vực châu Á rất quan tâm. Nhiều liên hoan phim trong khu vực cũng có lời mời Đường đua tham gia. Bước đầu với tôi như vậy là thành công.

Sau nhiều lần đến với Cannes, được dịp tiếp xúc và làm việc với các nhà làm phim quốc tế chị có ý tưởng gì để đưa điện ảnh Việt Nam đến gần hơn với các nền điện ảnh tiên tiến trên thế giới ?

Một mình Hồng Ánh thì không thể làm được điều đó, nhưng tôi thật sự mong quản lý nhà nước của ngành hỗ trợ cho những bộ phim mang dấu ấn cá nhân, đặc biệt là những phim độc lập, hỗ trợ về mặt kinh phí, là cầu nối để họ mang phim đi tham dự những liên hoan phim quốc tế. Chỉ cần Cục điện ảnh hỗ trợ 50% kinh phí đi lại thôi… thì chắc chắn điện ảnh Việt Nam sẽ có thêm rất nhiều phim được giới thiệu tại Cannes.

Một cách khách quan, chị nhận xét gi về thực trạng nền điện ảnh nước ta hiện nay?

Đã bắt đầu quay trở lại cái thời mà khán giả ùn ùn tới rạp xem phim, đặc biệt là những năm gần đây nhu cầu giải trí của khán giả rất cao. Ở các đô thị lớn khán giả còn có thể xem các phim bom tấn trước cả thị trường Mỹ nhưng vẫn dành sự ưu ái đặc biệt cho phim Việt, đó là điều rất quý, nó kích thích sự phát triển của các nhà làm phim trong nước.

Nhưng bên cạnh đó vẫn thiếu cách phát hành cho các thể loại phim khác nhau. Các bộ phim độc lập, phim mang dấu ấn tác giả cao, phim thể nghiệm thì vẫn bị chen vai ra rạp ngang bằng với những thể loại phim khác, đó là điều thiệt thòi cho các nhà làm phim nhỏ độc lập vì họ không nhận được sự hỗ trợ gì từ quản lý nhà nước. Nói chung, điện ảnh nước nhà đang có nhiều tín hiệu vui nhưng nếu không có những định hướng để cân bằng thì có thể khán giả sẽ lại quay lưng lại với phim Việt.

Nhưng phim Việt đang gặp phải sự cạnh tranh rất lớn từ phim nước ngoài?

Sự cạnh tranh đó lại tạo ra cho các nhà làm phim trong nước có thêm những thách thức. Khi được xem những phim quá đỉnh, quá hay về mặt kĩ thuật thì buộc lòng các nhà sản xuất, các đạo diễn phải cố gắng nhiều hơn về chuyên môn, nghiệp vụ, đầu tư về mặt kĩ thuật để dần dần nâng cao hơn chất lượng trong phim Việt. Bên cạnh đó, khán giả cũng vẫn thích xem những bộ phim có những câu chuyện, những nét văn hóa và diễn biến tâm lý gần gũi với mình. Các nhà sản xuất hãy cứ an tâm vì khán giả trong nước vẫn yêu mến và đón nhận phim Việt lắm.

Kế hoạch tiếp theo của chị sau Đường đua là gì?

Kế hoạch trong năm nay của tôi là sẽ tham gia hai vở kịch mới, hai bộ phim truyền hình và một bộ phim điện ảnh với vai trò diễn viên. Đầu năm sau, nếu không có gì thay đổi thì sẽ tiếp tục làm nhà sản xuất cho một bộ phim mới.

Chị không đam mê công việc quá mà quên mất gia đình đấy chứ?

Làm sao mà dám quên gia đình chứ (Cười). Tôi may mắn khi có một người chồng rất hiểu và ủng hộ công việc của vợ. Tuy nhiên cái gì cũng phải có giới hạn, mình cũng phải biết cách cân bằng giữa gia đình và công việc. Đó cũng chính là lý do mà tôi rất ít tham gia vào showbiz, ngoài công việc thì toàn bộ thời gian tôi dành hết cho gia đình.

Xin cám ơn chị !

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước