Tại sao thế hệ của NSND Trà Giang vẫn là “thế hệ vàng”?

Theo Dân trí-Thứ năm, ngày 02/04/2015 19:48 GMT+7

Thế hệ vàng của điện ảnh Việt

VTV.vn - Nhiều thập kỷ đã trôi qua, thế hệ của NSND Trà Giang, NSƯT Thanh Quý, NSND Phương Thanh… vẫn được xem là “thế hệ vàng” của điện ảnh Việt. Tại sao?

Nhắc đến hành trình điện ảnh Việt (kể từ năm 1953) đến nay có thể thấy, phim Việt đã trải qua nhiều thăng trầm với những khúc quanh co nhiều màu sắc. Đó là giai đoạn điện ảnh Cách mạng hưng thịnh, là giai đoạn điện ảnh bước vào cơ chế thị trường với những bộ phim “mì ăn liền” và dàn ngôi sao đắt khách và là giai đoạn điện ảnh cổ phần hóa với những bộ phim hài tư nhân ra rạp rầm rộ… Mỗi giai đoạn có những dấu ấn, hạn chế và thành công riêng. Tuy nhiên, sau bấy nhiêu giai đoạn phát triển, thế hệ của NSND Trà Giang, NSND Thế Anh, NSND Phương Thanh, NSƯT Thanh Quý… vẫn được khán giả tôn vinh là “thế hệ vàng” của điện ảnh và rất lâu nữa phim Việt mới có thể tìm thấy những gương mặt có thể sánh ngang với họ.

Nhiều người đã đặt câu hỏi, tại sao ở thời đại mới, khi công nghệ làm đẹp phát triển, khi cát-sê cho từng vai diễn đã tăng chóng mặt, khi tiền đầu tư cho một bộ phim đã không còn “tính từng đồng”, khi kỹ thuật công nghệ làm phim cũng đã phát triển…, tại sao điện ảnh Việt vẫn chưa thể có được những gương mặt điện ảnh đẹp, tài năng và được đông đảo công chúng yêu mến như “thế hệ vàng” của thuở đầu tiên khốn khó?

Theo các đạo diễn, có nhiều lý do để giải thích việc “thế hệ vàng” như NSND Trà Giang đến bây giờ vẫn là thế hệ diễn viên xuất sắc nhất của màn ảnh Việt.

Những vẻ đẹp na ná như nhau

Như cách phân tích của đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp, hiện dòng phim Việt đang “thống trị” các rạp chiếu là phim hài, phim giải trí. Những nhà làm phim tư nhân khi ra mắt một dự án phim, họ phải tính toán đủ đường để có lời, việc đưa những cái tên đình đám vào phim để hút khách là một trong những cách tính toán quan trọng nhất.

“Những cái tên đình đám” ở đây có thể là diễn viên, có thể là người mẫu, là ca sĩ… Nghề diễn đã không còn “độc quyền” với màn ảnh. Để có được vai trong các dự án phim giải trí, để vượt qua các đối thủ cạnh tranh rải rác khắp các lĩnh vực, người diễn viên đôi khi phải diễn, phải đẹp theo những tiêu chí phù hợp với thị hiếu của số đông khán giả trẻ - những người đã và đang mua vé đến rạp xem phim Việt.

NSND Trà Giang

Từ lâu, cái đẹp và cách diễn của diễn viên Việt đã tuân theo… thị hiếu khán giả một cách vô hình. Một thời gian dài, “cằm V-line, mũi S-line” gây “bão” với người đẹp Việt. Tham gia những ca phẫu thuật thẩm mỹ để có “cằm V-line, mũi S-line” đã trở thành một thứ mốt hiện đại với đông đảo người đẹp tham gia làng giải trí. Cách đổ xô đi phẫu thuật thẩm mỹ để có một vẻ đẹp theo đúng tiêu chuẩn, đúng thị hiếu… đã tạo ra hàng loạt những vẻ đẹp na ná như nhau trên sân khấu, và trên màn ảnh Việt.

“Diễn viên Việt đang diễn xuất giống nhau”

Nếu như “thế hệ vàng” của điện ảnh Cách mạng được thử sức, được trổ tài với những kiểu vai diễn đa dạng, phức tạp khác nhau, thì thế hệ diễn viên hôm nay lại đang phải đối diện với tình trạng thiếu những vai diễn cá tính đặc biệt. Nếu Trà Giang có Chị Tư Hậu, Thanh Quý có Người đàn bà bị săn đuổi, Phương Thanh có Hiền “cá sấu” của Tội lỗi cuối cùng, Lê Vân có Chị Dậu, Hoàng Cúc có Tám Bính trong Bỉ vỏ…, thì điện ảnh Việt đang thiếu những kịch bản có các vai diễn ấn tượng như thế.

NSND Phương Thanh

NSƯT Thanh Quý

Lấy cuộc sống giàu sang, nhà lầu xe hơi, đại gia chân dài làm nội dung chủ đạo để kéo khán giả đến rạp, phim Việt đang rơi vào tình trạng thiếu hẳn những kịch bản hay với những vai diễn ấn tượng, khó quên. Với việc hạn chế tính đa dạng, đột biến trong cách xây dựng nhân vật, các diễn viên đang cười giống nhau, khóc như nhau trong những vai diễn “một màu".

Trong một lần trao đổi về nghề diễn hiện tại, NSƯT Chiều Xuân từng đưa quan điểm, các diễn viên trẻ bây giờ đã quen với việc được mời những vai diễn “hợp vai”, thậm chí “có vai là tốt rồi, không kén chọn”. Điều đó khiến các diễn viên trẻ lười sáng tạo, lười bứt phá.

Theo nghệ sĩ Phú Đôn, các đạo diễn bây giờ cũng hay mời diễn viên theo kiểu “ăn sẵn”. Những vai nghèo khổ, vất vả lập tức mời ngay diễn viên A, B. Cứ có vai chân dài, sang chảnh là “nhớ” ngay nữ diễn viên B, C. Hay kiểu vai lưu manh, độc ác, sẽ “gọi” ngay nam diễn viên G, H…

NSND Lê Vân

Bó hẹp đề tài, kịch bản yếu và thiếu, kiểu nhân vật “một màu” đã khiến phim Việt nhiều năm nay bị nhạt nhòa trong cách xây dựng những nhân vật điển hình cho điện ảnh. Chính vì thế, cách diễn của các diễn viên cũng giống nhau với những tuýp nhân vật được “sản xuất hàng loạt” như “chân dài” kiêu kỳ, đả nữ mạnh mẽ, cô giáo hiền lành…

Lỗi còn ở… đào tạo?

Thi vào ngành diễn viên ở ĐH Sân khấu Điện ảnh có hai tiêu chí cơ bản đó là: thanh và sắc. Sinh viên trúng tuyển thường là những diễn viên có ngoại hình ưa nhìn, giọng nói chuẩn. Quan điểm về cái đẹp ngay từ đào tạo cũng đã bị lặp lại theo tiêu chuẩn cụ thể. Những vẻ ngoài khác biệt, ấn tượng theo cách “gồ ghề”, “xấu lạ”… rất hiếm.

Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp chia sẻ: “Tôi từng làm việc với những diễn viên thế hệ trước như Chiều Xuân, Diệu Thuần… Họ là những diễn viên rất tài năng, được đào tạo bài bản. Và hơn thế, họ hiểu được ý nghĩa của việc diễn xuất và họ trân trọng điều đó. Còn số đông diễn viên trẻ bây giờ không nghĩ được như thế”.

NSƯT Đức Hoàn

Chính sự thực dụng với nghề diễn đã khiến đông đảo các diễn viên Việt đang ngày càng “đẹp giống nhau” và “khóc giống nhau”. Phim Việt chưa thể có được những vai diễn ấn tượng, để đời khiến biết bao thế hệ khán giả yêu mến như các “thế hệ vàng” ở thời NSND Trà Giang. Bởi, chính từ gian lao, vất vả, bằng niềm đam mê, nhiệt huyết tận cùng với điện ảnh, thế hệ của NSND Trà Giang, NSND Phương Thanh, NSƯT Thanh Quý… đã cso những vai diễn “để đời” với từng nhân vật. “Thế hệ vàng” ấy đẹp lộng lẫy trên màn ảnh và lộng lẫy theo những cách khác nhau.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước